“Thủ khoa thất nghiệp là do định vị sai bản thân”

(Dân trí) - Đó là chia sẻ của chị Mai Thanh Trang, tổng giám đốc một công ty Hoa Kỳ tại Việt Nam, về nguyên nhân thất nghiệp của SV ra trường trong chương trình hướng nghiệp dành cho sinh viên gần đây.

Mới đây, cả ngàn sinh viên đã có mặt tại chương trình đối thoại hướng nghiệp có tên “Hành trang đến với các tập đoàn đa quốc gia Hoa Kỳ” do báo Sinh viên Việt Nam đồng tổ chức tại hội trường ĐH Kinh tế quốc dân (Hà Nội).

 

Không chỉ lắng nghe các diễn giả - là các giám đốc, chuyên viên phụ trách hay trưởng bộ phận dự án của các tập đoàn lớn của Hoa Kỳ tại Việt Nam, mà các bạn SV còn đưa ra những câu hỏi sát với thực trạng sinh viên, yêu cầu công việc cũng như mong muốn đối với diễn giả.

 
Một trong những câu hỏi đáng chú ý mà các bạn SV đưa ra là đánh giá của các đại diện tập đoàn về nguyên nhân thất nghiệp của SV vừa ra trường. Về vấn đề này, chị Mai Trang Thanh - tổng giám đốc Honeywell Việt Nam lấy dẫn chứng ngay về người trợ lý của mình.

 

Chị cho biết, trợ lý của chị từng đạt IELTS 8.0, thuộc nhóm SV ra trường xuất sắc nhất của một trường ĐH danh tiếng cách đây 5 năm. Song cho dù bản profile rất đẹp, bạn đó lại không thể viết được email công việc, nếu không có người xem lại thì không dám gửi email đó tới các cơ quan đối tác. Cả việc gọi điện thoại xin hẹn gặp cũng không thể thực hiện.
 
“Thủ khoa thất nghiệp là do định vị sai bản thân”
Những kinh nghiệm và chia sẻ của diễn giả giúp các bạn SV nắm được thực tế tình hình và nhu cầu từ phía các công ty Hoa Kỳ tại VN.

 

Chị chia sẻ: “Tôi nhận ra một điều, bạn đó quá thụ động. Mọi việc bạn làm rồi để sếp quyết hay thực hiện chứ không dám chịu trách nhiệm với công việc của chính mình. Dường như trong công việc bạn vẫn thực hiện như trải qua một kỳ thi, đó là làm bài và nộp cho cô, 5 hay 10 điểm cũng được, thế là xong.

 

Sau này, khi đã được đào tạo, hỗ trợ để quen với công việc và có sự phát triển nghề nghiệp, bạn đó tâm sự: “Từ lớp 1 đến lớp 12 rồi ĐH, em lúc nào cũng được bố mẹ, họ hàng, bạn bè, thầy giáo tung hô nên bản thân em nghĩ rằng mình giỏi thế này thì làm gì chả được. Và khi vào làm, em đã bị sốc”.

 

Vấn đề nằm ở chỗ, nhiều bạn SV ra trường bây giờ đã đánh giá sai bản thân, đặc biệt các bạn thủ khoa thất nghiệp. Chúng ta từng đặt câu hỏi: Tại sao thủ khoa ra trường lại thất nghiệp? Thất nghiệp, tôi không trách nhà trường hay nền kinh tế mà tôi trách bạn SV đó. Thủ khoa thất nghiệp là do định vị sai bản thân và bạn đó không xứng đáng là thủ khoa”.

 

Cũng theo Tổng giám đốc Honeywell Việt Nam giải thích, việc học là sự chuẩn bị để bước ra đời. Thay vì chỉ chăm chăm vào sách vở, nhiều bạn chủ động làm thêm những công việc khác trong thời gian nghỉ Hè để có thêm những kinh nghiệm, va chạm cuộc sống. Và đó chính là ưu thế lớn khi đi xin việc hay làm việc mà một bạn SV có bằng cấp vừa phải cũng có thể tiến dài hơn một thủ khoa.

 
Chị Phạm Thanh Long chia sẻ với sinh viên về môi trường làm việc tại công ty IBM.
Chị Phạm Thanh Long chia sẻ với SV về môi trường làm việc tại công ty IBM.
 

Còn theo chị Phạm Thanh Long, trưởng bộ phận dự án chính phủ IBM Việt Nam cho biết, điều quan trọng đối với các sinh viên là cố gắng nâng cao kỹ năng để tăng hiệu quả công việc cũng như cần có tinh thần học hỏi, thái độ làm việc chuyên nghiệp.

 

Chị tâm sự: “Các SV cần xác định ngay từ bây giờ làm thế nào có đủ kỹ năng để nâng cao hiệu suất lao động. Một ngày không cần làm hết cả 8 tiếng nhưng có được hiệu suất lao động cao nhất.

 

Với các bạn bán hàng, đó là giá trị, doanh thu.  Với các bạn hỗ trợ, đó là số lượng những dự án hỗ trợ, những hoạt động hỗ trợ cho các đội khác. Tất cả những điều đó ở các tập đoàn lớn đều đong, đo, đếm được. Thậm chí trong tiêu chí đánh giá của họ, đến thái độ của các bạn cũng có thể cân đo được dễ dàng”.

 
Diễn giả Lê Mạc Linh khẳng định sự năng động không đồng nghĩa với đứng núi này trông núi nọ.
Diễn giả Lê Mạc Linh khẳng định sự năng động không đồng nghĩa với "đứng núi này trông núi nọ".
 

Song trước viễn cảnh tươi đẹp làm việc cho các tập đoàn lớn, ông Lê Mạc Linh, giám đốc kinh doanh Pepsico khu vực miền Bắc đã cảnh tỉnh: “Ra trường chúng ta có hoài bão lớn nhưng đừng bay bổng quá. Làm cho bất cứ công ty nào, trước khi có được ở vị trí quan trọng, lương cao, xe đẹp, các bạn cần tự hỏi mình: Tôi đóng góp được gì cho công ty?

 

Các bạn cũng nên xác định, làm bất cứ chỗ nào cũng có lúc khó khăn, lúc sung sướng. Sự năng động là cần thiết nhưng cần đặt đúng chỗ chứ không phải “đứng núi này trông núi nọ”, thấy công ty mình làm vất vả hoặc gặp khó khăn bắt đầu suy nghĩ chuyển chỗ hoặc phát sinh tâm lý “sao bên kia lương cao, nhàn nhã và thích thế nhỉ”.

 

Và để làm thế nào để có những kỹ năng phù hợp với nơi dự tuyển, diễn giả Nguyễn Thanh Hảo, chuyên viên phụ trách kênh siêu thị công ty Pepsico bật mí kinh nghiệm: “Hiện tại ở các trường ĐH, rất nhiều cuộc thi được tổ chức.

 

Các bạn hãy tận dụng, tham gia các cuộc thi đó bởi ngay cả khi bạn không thắng, giành giải cao nhưng các bạn học được nhiều điều và kỹ năng từ đó. Ngoài ra, tiếng Anh là điều thực sự cần thiết và chuẩn bị ngay từ bây giờ để làm tại các tập đoàn nước ngoài”.
 
Diễn giả Nguyễn Thanh Hảo chia sẻ kinh nghiệm thu lượm các kỹ năng khi còn là sinh viên ĐH.

Diễn giả Nguyễn Thanh Hảo chia sẻ kinh nghiệm thu lượm các kỹ năng khi còn là sinh viên ĐH.

 

Và điểm mấu chốt và cũng là điểm yếu của các bạn SV khi mới ra trường đó là sự mơ mộng, tô hồng lý tưởng, công việc. Chị Thanh Hảo một lần nữa khẳng định: “Lúc còn là SV, chị cũng chỉ nghĩ đến những công ty to, đến những nơi sang trọng.

 

Song để có thể vươn cao, tiến xa, bạn hãy chấp nhận bắt đầu từ những công việc nhỏ nhất như đặt vé máy bay, bê thùng nước… và bỏ qua tư tưởng “mình có bằng tốt, có năng lực, sao phải làm những việc đó”.

 

“Và thay vì mơ tưởng tới việc vạch chiến lược vĩ đại, các bạn hãy cố gắng hết sức mình trong từng công việc dù nhỏ để đạt kết quả tốt nhất”, chị Thanh Hảo khẳng định.

 

 Vũ Phong