Trụ cột tuổi 15

(Dân trí) - 15 tuổi, thay vì được cắp sách đến trường Mai lại trở thành “trụ cột” trong gia đình gồm 5 người. Không những thế, em luôn phải “gồng mình” để không “trượt chân” vì hoàn cảnh.

Sinh ra ở bãi gạch và lớn lên ở gầm cầu

Là thành viên của dân làng chài gầm cầu Long Biên (Hà Nội), sống dập dềnh cùng gia đình trên sông Hồng, tuổi thơ của Vũ Thị Mai đã có nhiều “vết cắt” mà những người có cuộc sống bình thường rất khó hình dung. Bố người Hưng Yên, mẹ người Nghệ An, lấy nhau rồi cùng ra Hà Nội làm thuê kiếm sống. Chị em Mai cũng lênh đênh theo bố mẹ từ đó.

Mỗi lần nghe mẹ nhắc lại ký ức tuổi thơ, lúc mà Mai còn chưa đủ sức cảm nhận, em vẫn chảy nước mắt. Cuộc sống hiện tại vẫn bếp bênh, nhưng Mai vẫn không hình dung nổi hoàn cảnh sinh ra và lớn lên của mình lại khủng khiếp đến thế.
 
Trụ cột tuổi 15 - 1
15 tuổi, Mai trở thành trụ cột cho cả gia đình.  

“Tui đang bốc gạch thuê ở bên Gia Lâm là đẻ em Mai ngay giữa bãi luôn. Lúc đó phải thả đống gạch trên tay để mà đỡ lấy con”, mỗi lần kể chuyện về cô con gái đầu, mẹ của Mai lại trình bày. Mai nhớ điều mẹ kể nhất là mẹ thiếu sữa, phải xin cơm nguội về phơi khô rồi đưa lên nấu thành cháo cho mình ăn.

Lúc đó, gia đình Mai đang thuê một phòng trọ nhỏ với giá 5.000 đồng/người. Sinh con mẹ Mai phải nghỉ làm, không đủ trả tiền trọ, ba cha con mẹ con dắt nhau ra cầu Long Biên dựng lều ở tạm trong suốt ba năm. Sau đó, bố mẹ Mai vay mượn những người cùng cảnh mua được bốn chiếc thùng phuy, làm được căn nhà nổi, góp thêm một hộ cho làng chài ở gầm cầu.

3 tuổi, bước đi đủ vững là Mai bắt đầu bước vào công cuộc mưu sinh. Công việc đầu đời của Mai là theo mẹ đi nhặt giấy ở chợ đêm Đồng Xuân. Có Mai, thùng giấy nhặt được mỗi đêm của mẹ lại đầy hơn, gia đình lại có thêm một vài nghìn, bữa cơm hôm sau của cả nhà lại no hơn.

Mai làm với đủ việc như những đứa trẻ làng chài khác. Từ đi nhặt hoa quả, đồ ăn thừa ở chợ, bán rau, bán nước uống, kẹo cao su dạo… Rồi hai em lần lượt ra đời, Mai phải đi nhiều, làm nhiều hơn vì đôi chân của bố ngày càng yếu rồi liệt hẳn. Còn mẹ, cũng bị căn bệnh lao phổi hành hạ, làm việc bữa được bữa nghỉ.

“Sáng nào con Mai xách túi đi là tối về cả nhà có cơm ăn, còn hôm nào nó ốm đâu gì là cả nhà nhịn Cả làng chài này ai cũng khổ nhưng con Mai là đứa cực nhất. Người ta cả nhà đi làm còn không đủ sống, đây một mình nó phải lo cho cả nhà. Con Mai đã thay làm trụ cột cho nhà này”, bố Mai vừa tự hào vừa xót xa khi nói về con gái của mình.

Khát vọng lên bờ và… mình không "trượt chân" 

Khi biết tôi có ý định viết về em, Mai cười: “Chỉ viết về những ai học giỏi thôi chứ? chứ em đây đọc chữ còn không rõ”. Mai biết chữ, với Mai đó có lẽ là điều may mắn nhất. Em theo học ở một trường học tình thương dành cho trẻ em lang thang nhưng cũng chỉ học hết lớp 2, Mai phải nghỉ học đi kiếm tiền.
 
Trụ cột tuổi 15 - 2
Nhiều khi nghĩ đến chiếc áo, đôi dày đẹp Mai cũng phải gạt đi vì sợ như thế mình… hư.

Mới đây, Mai xin được việc lau dọn cho một cửa hàng nội thất với mức lương 1,4 triệu. Gánh nặng trên vai Mai đã vơi đi phần nào nhưng hàng ngày, nhìn bố mẹ và hai em, em vẫn đau lòng. “Em có việc làm rồi, nhà em không lo bị thiếu cơm ăn nữa. Nhưng em muốn kiếm được tiền để chữa bệnh cho bố mẹ. Và hai em của em, chúng đang đều ở tuổi ăn tuổi học nhưng cũng đã phải bươn chải kiếm sống”.

Ngoài giờ làm, Mai còn đi gánh nước từ trên bãi xuống, nhặt thêm rau, nấu ăn… Lúc nào Mai cũng tất tả, nhìn em như một cô chị cả tuổi 20. “Mai ơi, trời mưa”, “Mai ơi, chó con rơi xuống nước”; “Mai ơi, đưa em lên bờ…”, trong căn nhà của em dường như không lúc nào ngớt tiếng “Mai ơi”. Sau mỗi lần như thế, bất kể trời mưa, gió lạnh, em lại nhảy xuống dòng nước đục ngầu để hoàn thành công việc của mình.

Nói về mơ ước của mình, Mai bẽn lẽn cho biết em muốn trở thành một đầu bếp Nói đến đó, em lại gạt đi: “Đây là mơ ước không bao giờ thành sự thật nên em không muốn nhắc đến nữa”. Mà nói về mong muốn của mình: “Em chỉ muốn được lên bờ sống thôi. Bố mẹ em đều bị đau khớp, đau phổi, sống ở nước thế này rất ảnh hưởng sức khỏe. Hơn nữa, em cũng không muốn người ta gọi mình là dân làng chài, em thấy tủi thân lắm”.

Mai đang ở tuổi lớn, thêm một điều nữa Mai phải chống chọi là không để “trượt chân” vì hoàn cảnh. Ở làng chài này, có mấy đứa trẻ lớn lên mà không sa chân vào những vết trượt, nhất là những em gái. Hoa “đại ca”, 14 tuổi phải đi trại giáo dưỡng vì tội trộm cắp; Thu, 17 tuổi, mang bụng bầu 5 tháng không biết bố đứa bé…

Ở tuổi của Mai, rất khó lường trước được những “nguy hiểm” có thể đến với mình nhất là trong hoàn cảnh như em nhưng dường như Mai thì khác. "Nhiều khi em mong mình có chiếc áo, đôi dày thật đẹp nhưng rồi em gạt đi ngay vì sợ như thế mình sẽ… hư. Bố mẹ em lo cho em lắm và em cũng lo. Nhưng em sẽ cố gắng sống sao để không phải đổ lỗi cho hoàn cảnh”, Mai bộc bạch.

 Bài và ảnh: Hoài Nam