Út "đường phố" và dự án vỉa hè

Chín năm làm trong Tổ chức phi chính phủ EFD, lớn lên từ công tác tình nguyện, thật bất ngờ cô cán bộ dự án tổ chức này chỉ mới học hết lớp 8...

Nhiều tình nguyện viên Úc, Thụy Sĩ, Pháp... từng đến Việt Nam làm tình nguyện ngắn hạn, khi có dịp quay lại đã không quên đến thăm một cô gái Việt Nam nhỏ nhắn, nhiệt tình, cởi mở với tên gọi thân mật là Út (Lu Thị Mỹ Linh).

Năm 1996, một tối tình cờ Út gặp hai sinh viên nước ngoài là Koen Van Acoleyen (Bỉ) và Sébastien Barmaz (Thụy Sĩ) đang say sưa dạy tiếng Anh cho trẻ con đường phố. Cô gái sống ở một xóm nghèo Q.2 (TPHCM), ngày ngày phụ má bán bánh đã không chịu đứng ngoài nhìn mà lân la làm quen rồi xung phong dạy bọn trẻ môn tiếng Việt.

Tiền chợ là thu nhập chính, tuy không nhiều nhưng Út vẫn thường trích ra một ít mua sách vở, bút thước cho bọn trẻ. Má Út chất phác, nghe Út "đi dạy ngoài đường" đã cấm Út ra phố buổi tối, có lúc giận quá má còn đánh "cho Út chừa".

Cô gái 18 tuổi vẫn lén trốn má chạy xe đạp tới khu Nguyễn Huệ, Nhà hát thành phố với bọn trẻ đường phố và hai anh chàng Tây. "Họ là người nước ngoài qua đây tự nguyện dạy học trẻ con, mình là người tại chỗ sao không làm được việc tốt như vậy..." - Út nghĩ bụng.

Một năm sau, Koen và Sébastien về nước gây quĩ thành lập văn phòng EFD. Út được mời về làm việc với trụ sở văn phòng ban đầu chỉ là căn phòng nhỏ hẹp. Cả ba tự quét vôi, tự đóng kệ sách... "Vất vả nhưng rất vui" - Út kể lại.

Hai năm đầu cả ba cùng làm việc không lương, những năm sau có lương nhưng không nhiều, Út vẫn tiếp tục vừa đi bán ở chợ vừa làm văn phòng, tiếp cận, giúp đỡ, dạy học trẻ đường phố. Thương Út như em gái, trước khi chuyển công tác, Koen và Sébastien tin tưởng dặn dò: "Cố gắng tạo môi trường thân thiện với các tình nguyện viên".

Tình nguyện viên đến với EFD chủ yếu là bạn trẻ nước ngoài, tuy làm việc ngắn hạn nhưng khi về nước họ luôn muốn có dịp được quay trở lại Việt Nam, để thăm Út - cô bạn gái đảm đang, năng động đã hỗ trợ họ rất nhiều khi đến đây.

Mỗi người bạn ấy khi gặp Út lại thân mật gọi chị bằng một nickname riêng: Utty, Utsca, Uteke... Ở EFD, nói tới người gắn bó với trẻ em đường phố nhất, ai cũng ưu ái kể về Út.

Không chỉ thế, Út luôn cố gắng học thêm nhiều kỹ năng làm việc văn phòng, kỹ năng quản lý, làm việc dự án, với đối tác địa phương... Một lần công tác ở Đồng Nai, Út làm các thủ tục miễn phí để chữa trị bệnh tim cho một em bé 1 tuổi người dân tộc.

Mẹ em bé sau lần lên thành phố chữa trị cho con đã được Út giúp đi làm công nhân, không ngờ sau đó chị đã bỏ con lại cho người chồng đang ở quê đi theo người đàn ông khác. Quay trở lại, nghe tin đứa bé đã chết vì thiếu sự chăm sóc, Út buồn và day dứt mãi cho đến nay...

Theo Lê Quỳnh
Tuổi Trẻ