Công nghệ an toàn dựa trên triết lý thương hiệu

Trường Thịnh

(Dân trí) - Nếu tính năng an toàn trên chiếc xe hơi chỉ bao gồm chống bó cứng phanh, một vài túi khí, dây an toàn 3 điểm và kiểm soát độ bám đường, nhiều khả năng đây là đời xe từ 10 năm trước.

Ngày nay, công nghệ an toàn cao cấp đã trở nên phổ biến trên hầu hết các dòng xe và đóng vai trò quan trọng trong quyết định mua của khách hàng.

Ở phân khúc xe phổ thông, trước bối cảnh nhiều mẫu xe mới liên tục ra mắt và cạnh tranh gay gắt với nhau về mức giá cũng như trang bị, xu hướng mới hiện nay nhiều hãng xe tập trung phát triển các giá trị cốt lõi về công nghệ, đặc biệt là công nghệ về an toàn mang tính độc quyền.

Từ nền tảng cạnh tranh này, những tính năng an toàn cao cấp trước đây thường chỉ xuất hiện trên xe sang như Kiểm soát lệch làn đường, Điều khiển hành trình thích ứng hay Phanh tự động thông minh đã có thể tìm thấy trên những chiếc xe hơi tầm trung.

Công nghệ an toàn dựa trên triết lý thương hiệu - 1

Công nghệ hiển thị thông tin trên kính lái HUD

Theo một nghiên cứu của Viện bảo hiểm an toàn đường bộ Mỹ (IIHS), hệ thống an toàn chủ động trên ô tô giúp giảm tỉ lệ tự gây tai nạn, tai nạn đâm từ bên hông hay đâm trực diện xuống 11%, giảm tỉ lệ bị chấn thương trong các vụ tai nạn xuống 21% .

Nghiên cứu mang tính khuyến nghị này đã tạo thêm động lực cho các hãng xe tiếp tục phát triển các tính năng an toàn tối ưu trên sản phẩm. Nếu như Mazda gây chú ý với bộ công nghệ an toàn cao cấp i-Activsense ra mắt năm 2014 và liên tục cải tiến trong suốt thời gian từ đó đến nay, thì Honda gần đây cũng trang bị cho CR-V bản nâng cấp bộ công nghệ Honda Sensing. Đáp lại, Toyota cũng cho ra mắt Corolla Cross với công nghệ Toyota Safety Sense. Rõ ràng, công nghệ an toàn là cuộc chạy đua gắt gao giữa các hãng xe.

Công nghệ an toàn dựa trên triết lý thương hiệu - 2

Gói công nghệ an toàn i-Activsense nổi tiếng của Mazda

Tuy nhiên, Mazda đã tạo khác biệt lớn khi ứng dụng gói công nghệ cao cấp i-Activsense trên toàn bộ sản phẩm thế hệ mới ở tất cả các phân khúc, từ New Mazda2, All-New Mazda3, New Mazda6 cho đến bộ đôi SUV Mazda CX-5 và Mazda CX-8, trong khi các thương hiệu khác chỉ đưa công nghệ an toàn độc quyền của họ lên một vài mẫu xe tiêu biểu.

Mazda làm điều này xuất phát từ triết lý an toàn dựa trên sự thấu hiểu, tôn trọng và tin tưởng người lái của Mazda cũng như tôn chỉ lấy an toàn làm cốt lõi khi phát triển mọi sản phẩm.

Để hoàn thiện công nghệ an toàn mang tính độc quyền, các kỹ sư tại Mazda không đơn thuần chỉ tập trung vào sản phẩm mà đặt sản phẩm trong tính kết nối với con người và môi trường xung quanh.

Toàn bộ các khía cạnh từ tập tính của con người đến điều kiện đường xá, cơ sở hạ tầng hay những yếu tố tác động đến việc lái xe đều được Mazda nghiên cứu kĩ trước khi bắt tay vào tạo dựng bộ tính năng an toàn độc quyền của họ bởi suy cho cùng, tất cả những công nghệ này dù tiên tiến đến đâu cũng phải thỏa mãn con người và phù hợp với điều kiện đường xá trên thực tế.

Công nghệ an toàn dựa trên triết lý thương hiệu - 3

Mazda nghiên cứu kỹ cơ chế hoạt động của con người để xây dựng sản phẩm phù hợp

Mazda đã nghiên cứu cách lái, thói quen và phản ứng của con người trước các tình huống theo triết lý Human Centric để xây dựng không gian lái xe phù hợp. Tầm nhìn từ khoang lái phải đảm bảo 3 yếu tố: khả năng hiển thị toàn cảnh, khả năng hiển thị liên tục và khả năng hiển thị trong bóng tối, trong khi các nút điều khiển luôn đặt trong tầm tay để tiện thao tác.

Mazda còn bố trí lại cách đặt chân phanh, chân ga cân bằng, giảm thiểu điểm mù cột chữ A, gạt mưa mới gạt sát kính, màn hình HUD trên kính... để người dùng không bị xao nhãng hoặc bối rối khi cần thao tác gấp để tránh nguy hiểm.

Từ thực tế này, Mazda tiếp tục đưa ra cái giải pháp ngăn ngừa chủ động (Pro-Safety) nằm trong gói công nghệ i-Activesense để gia tăng mức độ an toàn của sản phẩm đến mức tối đa.

Công nghệ i-Activsense giúp phát hiện các mối nguy hiểm tiềm ẩn, thực hiện khả năng phán đoán chính xác và vận hành xe theo cách phù hợp với điều kiện giao thông thực tế để người lái có thể lái xe an toàn và yên tâm, dù điều kiện lái xe có thay đổi thế nào đi chăng nữa.

Có thể liệt kê vài tính năng như cảnh báo phương tiện cắt ngang RCTA; Điều khiển hành trình tích hợp radar MRCC; Cảnh báo điểm mù BSM, Hỗ trợ giữ làn đường LAS hay Hỗ trợ phanh thông minh SBS, tất cả đều là những tính năng an toàn thường chỉ xuất hiện trên các mẫu xe sang.

Những tính năng này nhằm đảm bảo hai yếu: bảo vệ người lái và hành khách, bảo vệ người đi đường. Vì sao? Vì Mazda muốn an toàn cho cả người trên xe lẫn cộng đồng.

Công nghệ an toàn dựa trên triết lý thương hiệu - 4

Mazda là một trong những hãng xe đạt nhiều chứng nhận an toàn nhất từ các tổ chức quốc tế

Vào cuối năm 2019, các phóng viên và chuyên gia của chuyên trang Motorillustrated tiến hành bài kiểm tra quy mô để đánh giá, so sánh 3 hệ thống an toàn nổi tiếng trên dòng xe phổ thông gồm Mazda i-Activsense, Honda Sensing và ProPilot của Nissan. Kết quả: “i-Activsense là một trong những hệ thống an toàn tốt nhất khi cho phép bạn thực sự lái xe và không gây ra nhiều lo lắng”.

Trong khi đó, Honda Sensing đôi lúc quá nhạy cảm và gửi cảnh báo nguy hiểm cho người lái ngay cả khi họ đang kiểm soát hoàn toàn tốt tình huống lái, còn ProPilot của Nissan có xu hướng can thiệp quá sâu vào tình huống lái khi có khả năng điều khiển xe tự động vòng qua các khúc cua.

Hệ thống i-Activsense không làm điều đó, mà chỉ điều chỉnh quỹ đạo của xe một cách nhẹ nhàng và giúp xe luôn ở giữa làn, nhưng sẽ không giúp xe đi vòng quanh khúc cua theo cách của ProPilot. Với những người thích tận hưởng cảm giác lái một cách an tâm, i-Activsense sẽ là lựa chọn tốt nhất vì hoạt động theo đúng chức năng và không can thiệp quá sâu làm ảnh hưởng đến cảm giác lái thực thụ.