Mẫu xe Trung Quốc sắp về Việt Nam gặp sự cố mất phanh, gãy càng ở Malaysia

Gia An

(Dân trí) - Hai sự cố liên quan đến an toàn xảy ra trong chưa đầy một tháng đối với mẫu xe Omoda 5 tại Malaysia, cũng như cách xử lý thiếu minh bạch của nhà sản xuất Trung Quốc đã đặt ra câu hỏi về chất lượng xe.

Ngày 28/04, tài khoản Facebook tại Malaysia có tên Stephanie đã đăng tải bài viết chia sẻ về tai nạn mà cô đã gặp phải khi cầm lái chiếc Omoda 5 - sản phẩm của thương hiệu con thuộc hãng ô tô Trung Quốc Chery. Bài đăng nhanh chóng được cộng đồng người sử dụng xe lẫn những khách hàng đang quan tâm đến mẫu xe này chú ý, với hơn 16.000 lượt chia sẻ trên mạng xã hội chỉ sau 1 ngày.

Theo nữ chủ xe kể lại, khi đang di chuyển trên đường thì chiếc CUV bất ngờ khựng lại do hệ thống treo thanh xoắn phía sau bị gãy và bánh xe bên trái bị dồn sát vào cản sau. Đoạn video được trích xuất từ camera hành trình trên chiếc Omoda 5 xác nhận rằng xe không va chạm với bất cứ phương tiện hoặc vật thể nào vào thời điểm tai nạn xảy ra. Đoạn đường xung quanh khá bằng phẳng và thông thoáng, không có ổ gà, ổ trâu hay chướng ngại vật nào. Vận tốc hiển thị trên camera hành trình là 46km/h.

Mẫu xe Trung Quốc sắp về Việt Nam gặp sự cố mất phanh, gãy càng ở Malaysia - 1
Bánh xe bị đẩy về phía sau khiến chiếc crossover hạng B không thể di chuyển tiếp (Ảnh: Stephanie/Facebook).

Những hình ảnh được chụp ở hiện trường đủ để người nhìn phát hiện ra dấu hiệu gỉ sét xung quanh mối hàn liên kết thanh chịu xoắn với đệm cao su của chiếc crossover hạng B. Các chi tiết của hệ thống treo không có dấu vết bị ảnh hưởng từ các tác động bên ngoài.

Mẫu xe Trung Quốc sắp về Việt Nam gặp sự cố mất phanh, gãy càng ở Malaysia - 2
Càng sau tách rời để lộ ra mối hàn được nhận định là có mức độ hoàn thiện sơ sài (Ảnh: Stephanie/Facebook).
Mẫu xe Trung Quốc sắp về Việt Nam gặp sự cố mất phanh, gãy càng ở Malaysia - 3
Chiếc xe mới lăn bánh được 6.806km (Ảnh: Stephanie/Facebook).

Chủ tài khoản Stephanie chia sẻ: "Chúng tôi đã khá may mắn vì sự cố xảy ra khi xe đang giảm tốc độ để đi qua một khúc cua. Tôi rùng mình khi hình dung tới những gì sẽ xảy ra với bản thân tôi và 3 người bạn đi cùng nếu trục xe bị gãy trong lúc phương tiện di chuyển ở tốc độ cao trên đường cao tốc mà chúng tôi vừa rời khỏi chưa đầy 5 phút trước".

Đáng chú ý, một nhân viên làm việc tại xưởng dịch vụ của Chery tại thành phố Balakong - nơi tiếp nhận chiếc Omoda 5 "xấu số" này cho hay đây là sự cố gãy càng xe thứ hai được ghi nhận, đồng thời trấn an trường hợp đầu tiên "đã được giải quyết nhanh chóng và dễ dàng". Xưởng dịch vụ này cũng đề nghị cho nữ chủ xe mượn một chiếc xe khác để sử dụng tạm thời song cô đã từ chối.

Về phía Chery Malaysia, ngày 30/4, đơn vị đã phát đi thông báo phản hồi chính thức về vụ việc. Hãng xe Trung Quốc khẳng định rằng vấn đề của chủ tài khoản Stephanie đã được giải quyết triệt để sau khi họ thay thế toàn bộ hệ thống treo phía sau trên chiếc Omoda 5 và kiểm tra toàn bộ chiếc xe. Ngoài ra, Chery còn tiến hành triệu hồi 600 xe Omoda 5 tại Malaysia có liên quan đến sự cố này, với nguyên nhân được đưa ra là một lô phụ tùng được cung cấp bởi một nhà sản xuất khác bị lỗi trong quá trình chế tạo.

Hãng khẳng định những xe nằm trong diện ảnh hưởng vẫn đủ an toàn để sử dụng. Thời gian thay thế một hệ thống treo mới hoàn toàn là khoảng 2 tiếng.

Mẫu xe Trung Quốc sắp về Việt Nam gặp sự cố mất phanh, gãy càng ở Malaysia - 4
Thông báo triệu hồi được Chery phát đi vào chiều ngày 30/04 (Ảnh: Chery Auto Malaysia).

Tuy nhiên, chủ tài khoản Stephanie nhấn mạnh rằng cô chưa nhận được bất cứ báo cáo chi tiết nào từ Chery Malaysia về trường hợp của cô, cũng như thắc mắc về việc chiếc Omoda 5 vừa được đưa về xưởng dịch vụ vào lúc 15 giờ chiều chủ nhật (28/4) mà họ đã gọi cô đến lấy chiếc xe "đã được sửa chữa" vào 17 giờ chiều thứ hai (29/4) dù quá trình sửa chữa chưa có sự cho phép của cô.

Stephanie mong muốn hãng xe Trung Quốc đưa ra một lời giải thích thỏa đáng, đồng thời thể hiện tinh thần trách nhiệm thật sự thay vì một thông báo chỉ để xoa dịu dư luận như Chery đã làm.

Vụ việc này diễn ra chưa đầy một tháng kể từ sự cố một chiếc Omoda 5 của một người dùng Facebook khác có tên tài khoản là Jc Jess đột ngột mất phanh hoàn toàn giữa đường cao tốc ngay sau khi rời khỏi trung tâm dịch vụ của hãng, khiến người lái hoảng loạn tột độ. Nữ chủ xe cũng cho biết cô mới mua chiếc CUV cỡ B này trước đó hai tháng nhưng đã phải mang xe đến xưởng dịch vụ chính hãng vài lần.

Mẫu xe Trung Quốc sắp về Việt Nam gặp sự cố mất phanh, gãy càng ở Malaysia - 5
"Odo" của xe dừng ở mức 3.263km, chưa bằng một nửa quãng đường mà chiếc xe của cô Stephanie đã đi (Ảnh: Jc Jess/Facebook).

Sau khi ghi nhận vụ việc của chủ tài khoản Jc Jess, hãng ô tô Trung Quốc đã "thực hiện một cuộc điều tra chuyên sâu" đối với chiếc Omoda 5 gặp sự cố, đồng thời đưa phương tiện đến Puspakom - một đơn vị kiểm định xe cơ giới tư nhân tại Malaysia. Chery cho biết chiếc xe này đã vượt qua bài kiểm tra gồm 10 bước của Puspakom và khẳng định chiếc Omoda 5 của chủ tài khoản Jc Jess hoàn toàn đủ điều kiện lưu thông.

Khác với tai nạn của chủ tài khoản Stephanie, Chery Malaysia không đưa ra bất cứ thông báo triệu hồi nào liên quan đến sự cố về phanh trên xe của Jc Jess và nhận định rằng đây là trường hợp cá biệt. Trong khi đó, 5.901 xe Omoda 5 tại thị trường Australia đã bị triệu hồi vào tháng 2 năm nay do ốc siết không đủ lực có thể dẫn đến rò rỉ dầu trợ lực phanh.

Mẫu xe Trung Quốc sắp về Việt Nam gặp sự cố mất phanh, gãy càng ở Malaysia - 6
Gần 6.000 xe Omoda 5 tại Úc đã bị triệu hồi do lỗi liên quan đến hệ thống phanh (Ảnh: CarExpert).

Kết luận này không khiến Jc Jess và cộng đồng người dùng xe Omoda tại quốc gia Đông Nam Á này hài lòng. Hiện chủ tài khoản Jc Jess và các luật sư đang làm việc để khởi kiện Chery ra tòa nhằm đòi lại quyền lợi hợp pháp của mình.

Từ hai sự cố nghiêm trọng liên quan đến an toàn xảy ra trong vòng chưa đầy một tháng và cách xử lý còn tồn tại nhiều khúc mắc của nhà sản xuất, không ít người dùng xe Omoda 5 nói riêng và xe Chery cùng nhiều mẫu xe Trung Quốc khác nói chung ở Malaysia đã bày tỏ sự bất bình và dần mất đi niềm tin vào các nhà sản xuất. Các khách hàng đang cần một cách giải quyết thật sự rõ ràng và minh bạch, đảm bảo rằng họ được an toàn trên chiếc ô tô mà họ đã bỏ tiền ra mua.

Tại thị trường Việt Nam, Omoda 5 dự kiến được đưa về nước vào quý III năm nay với tên gọi khác là Omoda C5. Một số nguồn tin cho hay xe sẽ được bán ra với 2 phiên bản, giá bán vẫn là một "ẩn số". Ban đầu, mẫu crossover hạng B này sẽ được nhập khẩu nguyên chiếc từ Indonesia vào Việt Nam.

Theo kế hoạch, việc xây dựng nhà máy sản xuất, lắp ráp ô tô của liên doanh Geleximco và Omoda & Jaecoo ở tỉnh Thái Bình sẽ được chia thành 3 giai đoạn, tổng số vốn đầu tư ước tính 800 triệu USD, tổng công suất 200.000 xe/năm. Giai đoạn 1 sẽ bắt đầu ngay trong quý III năm nay và hoàn thành vào quý I/2026, vốn đầu tư cho giai đoạn này là 220 triệu USD (khoảng 5.500 tỷ đồng), công suất dự kiến khoảng 50.000 xe/năm. Nhiều khả năng Omoda 5 sẽ được chuyển sang lắp ráp trong nước sau khi nhà máy này đi vào hoạt động.

Mẫu xe Trung Quốc sắp về Việt Nam gặp sự cố mất phanh, gãy càng ở Malaysia - 7
Omoda C5 sẽ cạnh tranh với Hyundai Creta, Kia Seltos, Mitsubishi Xforce và Toyota Yaris Cross (Ảnh: OMODA Vietnam).

Chery từng "đặt chân" vào thị trường Việt Nam vào năm 2009 thông qua đơn vị Liên doanh ô tô Hòa Bình (VMC) với sản phẩm mở đầu là Chery QQ3 có giá bán 10.000 USD (khoảng 180 triệu đồng tại thời điểm ra mắt). Dù có giá bán thấp nhất thị trường nhưng do sở hữu thiết kế ngoại thất được sao chép từ dòng hatchback hạng A Daewoo Matiz/Chevrolet Spark cùng rào cản về thương hiệu và nghi ngại về chất lượng nên Chery QQ3 không giành được thiện cảm của khách hàng Việt. Hãng tiếp tục giới thiệu thêm mẫu Chery Riich M1 với giá bán 288 triệu đồng trong năm 2010 nhưng cũng không để lại nhiều ấn tượng, sau đó phải rút khỏi thị trường.

Thất bại trong quá khứ có lẽ cũng là một phần nguyên nhân khiến Chery chọn bán xe mang hai thương hiệu con mới là Omoda và Jaecoo ở Việt Nam. Vụ việc ở Malaysia có thể là bài học kinh nghiệm cho liên doanh mới ở thị trường có hơn 100 triệu người này, nhất là khi những định kiến về ô tô và xe máy Trung Quốc vẫn còn tồn tại trong suy nghĩ của không ít người tiêu dùng Việt Nam.