DMagazine

Đại án "chuyến bay giải cứu": Từ sự tự hào đến nỗi đau

(Dân trí) - Lợi dụng chủ trương tốt đẹp, nhân văn của nhà nước, 54 người, trong đó có nhiều lãnh đạo, cán bộ Nhà nước bằng các thủ đoạn đã trục lợi cá nhân, "ăn tiền" trên những chuyến bay giải cứu đồng bào.

Lợi dụng chủ trương tốt đẹp, nhân văn của nhà nước, 54 người, trong đó có nhiều lãnh đạo, cán bộ Nhà nước bằng các thủ đoạn đã trục lợi cá nhân, "ăn tiền" trên những chuyến bay giải cứu đồng bào.

Đại án chuyến bay giải cứu: Từ sự tự hào đến nỗi đau - 1

Ngày 23/1/2020 (tức 29 Tết Âm lịch), Covid-19 xuất hiện tại Việt Nam với 2 ca mắc đầu tiên ở TPHCM.

Với chủ trương "không để ai bị bỏ lại phía sau", Chính phủ triển khai chiến dịch "chuyến bay giải cứu". Đầu tiên là chuyến bay số hiệu HVN68 chở 30 công dân Việt Nam từ "ổ dịch" Vũ Hán (Trung Quốc) về nước, sau đó là những chuyến bay giải cứu hàng trăm người Việt từ San Francisco (California, Mỹ); Guinea Xích đạo... hồi hương.

Trên các chuyến bay này, hành khách chỉ cần thanh toán vé máy bay và chi phí cách ly tại cơ sở quân đội.

Đại án chuyến bay giải cứu: Từ sự tự hào đến nỗi đau - 3

Chiến dịch trên của Nhà nước được nhân dân hưởng ứng, khen ngợi, được bạn bè quốc tế đánh giá cao. Trên mạng xã hội, dư luận bày tỏ sự tự hào, "ngạo nghễ" khi Việt Nam dám và đã thực hiện một trong những nhiệm vụ dường như bất khả thi khi đó.

Tuy nhiên, do nhu cầu của công dân về nước rất lớn, trong khi việc cách ly và chi phí gặp khó khăn, tháng 11/2020, Chính phủ tổ chức thí điểm 10 chuyến bay công dân tự nguyện trả phí toàn bộ (gọi là chuyến bay combo) và giao Tổ công tác của 4 Bộ, ngành (Bộ Y tế, Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Quốc phòng, Bộ Ngoại giao), sau đó bổ sung Bộ Công an cùng phối hợp tổ chức các chuyến bay.

Trong gần 2 năm, Việt Nam đã tổ chức hơn 2.000 chuyến bay, đưa gần 240.000 công dân từ 62 quốc gia, vùng lãnh thổ bị mắc kẹt do đại dịch Covid-19 về nước an toàn.

Đại án chuyến bay giải cứu: Từ sự tự hào đến nỗi đau - 5

Trên website của Vietnam Airlines đầu tháng 9/2020, hãng hàng không này thông tin, chi phí mỗi chuyến bay giải cứu có thể lên tới 10 tỷ đồng.

Ngày 7/12/2021, một thông tin được công khai tại tọa đàm "Mở cửa du lịch, phục hồi kinh tế" khiến dư luận xôn xao, dậy sóng: Người Việt phải bỏ ra 80-240 triệu đồng để có một vé trên chuyến bay giải cứu?.

Cùng lúc, trên các diễn đàn, mạng xã hội bắt đầu xuất hiện những ý kiến phàn nàn về chi phí cao bất thường trên các chuyến bay giải cứu.

Đại án chuyến bay giải cứu: Từ sự tự hào đến nỗi đau - 7

Khi đó, các hãng bay khẳng định không đặt nặng vấn đề lợi nhuận và cho rằng giá vé cao là do phát sinh nhiều chi phí.

Trả lời báo chí, một lãnh đạo Vietnam Airlines phân tích, một chuyến bay giải cứu cần một tổ bay có số lượng gấp đôi chuyến bay bình thường; khách về nước phải thanh toán cho cả 2 chiều vì chiều đi máy bay trống; chi phí cách ly tổ bay; bảo dưỡng máy bay; nhiên liệu, suất ăn uống... Vì vậy, giá vé chuyến bay giải cứu cao hơn vé bình thường là dễ hiểu.

Đại án chuyến bay giải cứu: Từ sự tự hào đến nỗi đau - 9

Khi dư luận còn chưa "nguôi", ngày 27/1/2022, Bộ Ngoại giao ra quyết định đình chỉ công tác đối với 4 cán bộ Cục Lãnh sự, trong đó có Cục trưởng Nguyễn Thị Hương Lan và Cục phó Đỗ Hoàng Tùng.

Cùng ngày, Bộ Công an ra quyết định khởi tố, bắt tạm giam 4 người này về tội Nhận hối lộ, liên quan đến sai phạm trong xét duyệt, cấp phép cho các doanh nghiệp tổ chức chuyến bay giải cứu.

Tháng 3/2022, Tổng Giám đốc Công ty An Bình là Hoàng Diệu Mơ bị bắt về tội Đưa hối lộ. Liên tiếp sau đó, Bộ Công an điểm tên nhiều lãnh đạo, cán bộ thuộc Văn phòng Chính phủ, Bộ Công an, Bộ Ngoại giao, Bộ Y tế, Bộ Giao thông Vận tải, UBND TP Hà Nội, UBND tỉnh Quảng Nam có dính líu tới vụ án.

Những cái tên nổi bật như: ông Tô Anh Dũng (Thứ trưởng Bộ Ngoại giao), Phạm Trung Kiên (thư ký Thứ trưởng Bộ Y tế), Nguyễn Quang Linh (trợ lý Phó Thủ tướng), Trần Văn Dự (Cục phó Cục Quản lý Xuất nhập cảnh Bộ Công an), Vũ Hồng Nam (Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Nhật Bản), Chử Xuân Dũng (Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội), Trần Văn Tân (Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam)... bị điều tra về tội Nhận hối lộ.

Bên cạnh đó, hàng chục lãnh đạo các doanh nghiệp tổ chức chuyến bay giải cứu xộ khám vì hành vi đưa hối lộ. Ngoài ra, Phó Giám đốc Công an TP Hà Nội Nguyễn Anh Tuấn và điều tra viên Bộ Công an Hoàng Văn Hưng cũng bị điều tra khi có hành vi "chạy án" cho 2 cá nhân đại diện doanh nghiệp.

Đại án chuyến bay giải cứu: Từ sự tự hào đến nỗi đau - 11

Theo Trung tướng Tô Ân Xô, Người phát ngôn Bộ Công an, quá trình điều tra, cơ quan chức năng xác định có những chuyến bay sau khi trừ các chi phí, số tiền các bị can "bỏ túi" lên đến vài tỷ đồng. Các đối tượng trong vụ án đã đưa, nhận hối lộ hàng chục tỷ đồng và hàng trăm nghìn USD.

"Chuyến bay giải cứu" sau đó được liệt vào danh sách 10 vụ án trọng điểm của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Đầu tháng 4/2023, Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an hoàn tất việc điều tra vụ án, chuyển hồ sơ sang Viện kiểm sát nhân dân cùng cấp đề nghị truy tố 54 bị cáo về các tội Đưa hối lộ, Nhận hối lộ, Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ, Lừa đảo chiếm đoạt tài sản xảy ra tại Bộ Ngoại giao, TP Hà Nội và các tỉnh TP khác.

Ngày 11/7, vụ án được TAND TP Hà Nội đưa ra xét xử.

Đại án chuyến bay giải cứu: Từ sự tự hào đến nỗi đau - 13

TAND TP Hà Nội sắp xếp phòng rộng nhất trụ sở, nằm tại tầng 3 để phục vụ việc xét xử vụ án. Tại đây, những người tham gia, theo dõi phiên tòa đã chứng kiến 2 "cuộc chiến". Một là giữa nhóm bị cáo Nhận hối lộ với Đưa hối lộ; hai là phi vụ "chạy án" trị giá hơn 60 tỷ đồng.

Đối với "cuộc chiến" đầu tiên, nhóm bị cáo bị xét xử tội Nhận hối lộ (hầu hết là các cựu cán bộ, quan chức tại Bộ Ngoại giao, Bộ Y tế, Bộ Công an, Bộ Giao thông Vận tải và Văn phòng Chính phủ) đối đầu với những bị cáo là lãnh đạo các doanh nghiệp đã đưa hối lộ để được cấp phép tổ chức các chuyến bay giải cứu.

Tại tòa, các bị cáo Nhận hối lộ thừa nhận hành vi phạm tội, thể hiện thái độ ăn năn, hối cải.

Họ đồng ý với những cáo buộc của Viện kiểm sát. Trong đó, người được VKS đánh giá có thủ đoạn nhận tiền "trắng trợn nhất" là Phạm Trung Kiên. Bị cáo này bị cáo buộc nhận hối lộ 253 lần, tổng số tiền hơn 42 tỷ đồng.

Tuy nhiên, các bị cáo trên "bao biện" rằng số tiền nhận từ doanh nghiệp không phải "hối lộ" mà là "cảm ơn". Bên cạnh đó, họ cũng phủ nhận việc gây khó dễ, nhũng nhiễu, vòi vĩnh doanh nghiệp, ép phải đưa tiền trong quá trình giải quyết hồ sơ xin cấp phép các chuyến bay giải cứu.

"Bị cáo không có mưu đồ hay nhu cầu gì. Doanh nghiệp họ đến để cảm ơn", ông Tô Anh Dũng phân trần trước HĐXX về cáo buộc 37 lần nhận hối lộ hơn 21 tỷ đồng.

"Các doanh nghiệp đều chủ động gọi điện, xin đến gặp để được giúp đỡ. Họ đến gặp bị cáo sau khi các công việc đã được triển khai, thực hiện một cách bình thường, không gặp trở ngại nào", cựu thư ký Thứ trưởng Bộ Y tế Phạm Trung Kiên khai, phản bác cáo buộc "ra giá", quát tháo doanh nghiệp phải chi tiền theo "barem".

Nhận hơn 5 tỷ đồng của Nguyễn Thị Thanh Hằng (Phó Tổng giám đốc Công ty Bluesky), cựu Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Trần Văn Tân nói rằng, ông nhận thức số tiền trên là "quà sinh nhật, quà cuối năm, quà Tết".

Đại án chuyến bay giải cứu: Từ sự tự hào đến nỗi đau - 15

Cùng thể hiện sự ăn năn, hối lỗi, nhưng các bị cáo đại diện cho doanh nghiệp lại thể hiện thái độ bức xúc, ấm ức. Thay vì những giọt nước mắt hối hận của các cựu lãnh đạo, nhiều bị cáo là doanh nghiệp cũng khóc, nhưng khóc vì giận dữ.

"Quá trình xin được cấp phép, bị cáo không liên hệ với ai. Song bị cáo bị ép phải nộp tiền "bôi trơn" cho cán bộ", bị cáo Đào Minh Dương (Giám đốc Công ty cổ phần Vijasun) khai.

"Cứ ngày mai bay thì hôm nay mới được cấp phép chuyến bay nên bị cáo rơi vào thế khó khăn, cùng cực. Cục Lãnh sự Bộ Ngoại giao không phải là bảo hộ công dân mà hành dân", Dương nói.

"Bị cáo rất ấm ức. Bị cáo cảm thấy việc mình đang làm theo chủ trương nhân đạo của Nhà nước. Bị cáo rất giận, giận Cục Lãnh sự là cơ quan chủ trì, sao để bị cáo rơi vào hoàn cảnh đó, dẫn đến một loạt các sai phạm", Trần Thị Mai Xa (Giám đốc Công ty Masterlife) mất bình tĩnh, nói trước tòa.

Mai Xa khai, hồ sơ xin cấp phép của công ty bị cáo bị Cục Quản lý xuất nhập cảnh (Bộ Công an) từ chối vì "sếp không biết doanh nghiệp em là ai".

"Qua vụ án này bị cáo nghĩ rằng doanh nghiệp là nạn nhân của cơ chế xin - cho, nạn nhân của văn hóa phong bì, nạn nhân của thiếu hiểu biết", bị cáo Lê Hồng Sơn (Tổng Giám đốc Công ty Bluesky) nhận định.

Theo VKS, nhiều bị cáo thuộc nhóm Nhận hối lộ đã lập lờ, "đánh lận con đen" việc nhận tiền là cảm ơn. "Đây là khái niệm cực kỳ nguy hiểm, gây tiền lệ xấu cho xã hội. Cần phải nhận thức cho đúng đắn để loại bỏ văn hóa phong bì", đại diện VKS nói.

Đại án chuyến bay giải cứu: Từ sự tự hào đến nỗi đau - 17

Đối với nhóm bị cáo Đưa hối lộ, cơ quan công tố nhận định, trước sự gây khó khăn, đòi hỏi, yêu sách, nhũng nhiễu, tạo ra cơ chế xin - cho của một số đối tượng trong các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền, họ đã phải đưa tiền để được duyệt cấp phép các chuyến bay.

"Cuộc chiến" thứ 2 tại phiên tòa "chuyến bay giải cứu" có phần "kịch tính, hấp dẫn" hơn, khi một đầu "chiến tuyến" là cựu điều tra viên cao cấp của Bộ Công an - Hoàng Văn Hưng, đầu còn lại là cựu Thiếu tướng, cựu Thủ trưởng Cơ quan An ninh điều tra, cựu Phó Giám đốc Công an TP Hà Nội Nguyễn Anh Tuấn.

Hai con người dạn dày kinh nghiệm điều tra, nắm trong lòng bàn tay các nghiệp vụ, luật pháp đối đầu với nhau trong phi vụ "chạy án".

Theo cáo buộc, ông Tuấn vì mối quan hệ thân thiết với Nguyễn Thị Thanh Hằng đã tìm cách "chạy án" cho Hằng và Lê Hồng Sơn (Tổng Giám đốc Công ty Bluesky).

Biết Hưng là điều tra viên chính của vụ án, ông Tuấn kết nối Hằng và Hưng gặp nhau, bàn bạc. Bản thân ông Tuấn cũng trở thành "cầu nối" giúp Hằng đưa tiền cho điều tra viên.

Cáo trạng xác định, Hằng đã đưa 2,65 triệu USD cho ông Tuấn. Bị cáo Tuấn đưa lại 2,25 triệu USD cho Hưng. Nhưng, VKS chỉ có căn cứ xác định Hưng nhận 800.000 USD. Cơ quan công tố kết luận Hằng Đưa hối lộ, ông Tuấn Môi giới hối lộ còn Hưng Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Đại án chuyến bay giải cứu: Từ sự tự hào đến nỗi đau - 19

Tại tòa, Hằng và ông Tuấn cung cấp lời khai giống nhau, cùng cáo buộc Hưng nhiều lần hướng dẫn Hằng khai báo để đối phó với cơ quan điều tra; nhận tiền của Hằng; dối trá để chiếm đoạt tiền.

Trong khi đó, Hưng phủ nhận những lời khai trên, khẳng định bản thân chỉ động viên Hằng đầu thú và không nhận bất kỳ đồng nào từ Phó tổng Công ty Bluesky hay ông Tuấn.

Theo Hưng, căn cứ để VKS buộc tội bị cáo chỉ là lời khai của Hằng và Tuấn, không có chứng cứ cụ thể. Bằng chứng duy nhất chứng minh Hưng nhận "vật chất" từ ông Tuấn là clip quay lại cảnh Hưng lấy chiếc vali được cựu Phó Giám đốc Công an Hà Nội nhờ cháu trai gửi cho bị cáo.

Tuy nhiên, bên trong chiếc vali là gì, 450.000 USD như lời của ông Tuấn hay 4 chai rượu vang theo khai nhận của Hưng, thì không có bằng chứng nào chứng minh được.

Trước tòa, ông Tuấn cho rằng kết luận điều tra và cáo trạng "có tình người" và bị cáo "tâm phục, khẩu phục", còn Hưng lại ngụy biện cho rằng cáo trạng của VKSND Tối cao là "mang tính định kiến, nóng vội, liều lĩnh, xem nhẹ sinh mạng chính trị người khác".

Đại án chuyến bay giải cứu: Từ sự tự hào đến nỗi đau - 21

Sau gần 3 tuần xét xử và nghị án, ngày 28/7, TAND TP Hà Nội tuyên 4 án chung thân, 40 án tù có thời hạn và 10 án tù treo cho 54 bị cáo trong đại án "chuyến bay giải cứu".

Những người phải nhận mức án cao nhất là Phạm Trung Kiên (cựu Thư ký Thứ trưởng Bộ Y tế), Vũ Anh Tuấn (cựu Phó Trưởng phòng Tham mưu, Cục Quản lý xuất nhập cảnh Bộ Công an), Nguyễn Thị Hương Lan (cựu Cục trưởng Cục Lãnh sự Bộ Ngoại giao) và Hoàng Văn Hưng (cựu điều tra viên Bộ Công an).

Tổng số tiền mà 4 bị cáo trên được xác định có liên quan, phải chịu trách nhiệm lên tới hơn 110 tỷ đồng.

Đại án chuyến bay giải cứu: Từ sự tự hào đến nỗi đau - 23

Công bố bản án, HĐXX nhận định vụ án này là đặc biệt nghiêm trọng, xảy ra tại nhiều bộ ngành. Các bị cáo nhóm Nhận hối lộ đã lợi dụng vị trí công tác để sách nhiễu, gây khó dễ, tạo cơ chế xin - cho, buộc các doanh nghiệp chi tiền bôi trơn trong quá trình xét duyệt tổ chức chuyến bay.

Giải thích về quá trình đưa - nhận hối lộ, TAND TP Hà Nội cho biết việc này xảy ra ở 2 dạng: Đưa yêu cầu, thỏa thuận mặc cả và Gây khó khăn trong công tác cấp phép chuyến bay, khiến các doanh nghiệp phải chi tiền theo "luật bất thành văn".

"Số tiền hối lộ mỗi lần đều ở mức đặc biệt lớn, có lần lên đến hàng tỷ đồng, hàng trăm nghìn USD; việc nhận tiền diễn ra nhiều lần, thường xuyên, liên tục", HĐXX nói.

Trong số các bị cáo nhận hối lộ, ông Phạm Trung Kiên, cựu thư ký Thứ trưởng Bộ Y tế và Vũ Anh Tuấn, cựu cán bộ Cục Quản lý xuất nhập cảnh Bộ Công an, có hành vi đòi hỏi, đưa ra giá và yêu cầu doanh nghiệp phải đưa tiền theo "barem" thì mới cấp phép.

Các bị cáo khác dù không yêu cầu nhưng đều gặp gỡ, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, trước hoặc sau khi tổ chức xong chuyến bay, được các doanh nghiệp chi tiền cảm ơn.

"Số tiền cảm ơn tương ứng với lợi nhuận của doanh nghiệp và số lượng hành khách rất lớn, lên tới hàng tỷ đồng, vượt quá mức thu nhập bình quân của một cán bộ công chức", HĐXX nhận định.

Về phía các bị cáo đưa hối lộ vụ "chuyến bay giải cứu", tòa án cho biết, nhóm này nhận thức rõ các thủ tục hành chính không mất phí nhưng vì muốn được thuận lợi nên đã gặp gỡ, chi tiền cho các cựu quan chức.

Đại án chuyến bay giải cứu: Từ sự tự hào đến nỗi đau - 25

Nội dung: Hải Nam, Nguyễn Hải

Thiết kế: Tuấn Huy