Đại gia Bạch Diệp: "Tôi ở tù cũng đáng vì tôi quá tin người!"

Xuân Duy

(Dân trí) - Tự bào chữa, bị cáo Dương Thị Bạch Diệp rành rọt đưa ra căn cứ mình không dùng tài sản đã thế chấp để lừa đảo. Bị cáo cho rằng mình phải vào tù "vì quá tin người".

Ngày 23/3, phiên tòa xét xử bị cáo Nguyễn Thành Tài (cựu Phó Chủ tịch UBND TPHCM), bị cáo Dương Thị Bạch Diệp (sinh năm 1948) cùng đồng phạm tiếp tục phần tranh luận.

Mong muốn lấy tài sản về cho Nhà nước

Tự bào chữa cho bản thân, bị cáo Diệp tỏ ra bình tĩnh, trình bày vấn đề rõ ràng.

"Hôm nay tôi không mong mỏi gì hơn, xin HĐXX cho tôi được trình bày vì tôi bị đề nghị tù chung thân, nặng lắm. Trong vụ án này có nhiều uẩn khúc lắm. Tôi ở tù cũng đáng vì tôi quá tin người... Tôi khẳng định tôi không lừa đảo ai và cũng chưa bao giờ nảy sinh trong lòng ý định lừa đảo ai", bà Diệp trình bày.

Đại gia bất động sản bị cáo buộc gian dối khi xin hoán đổi nhà 57 Cao Thắng lấy 185 Hai Bà Trưng (trụ sở Trung tâm Ca nhạc nhẹ) - cung cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và quyền sở hữu cho Ban chỉ đạo 09 TPHCM thể hiện chưa thế chấp, chưa đăng ký giao dịch đảm bảo, trong khi tài sản này đã được thế chấp tại Agribank ngày 31/12/2008. Bà Diệp bị cho là gây thiệt hại cho nhà nước hơn 186 tỷ đồng.

Đại gia Bạch Diệp: Tôi ở tù cũng đáng vì tôi quá tin người! - 1
Bị cáo Dương Thị Bạch Diệp.

"Hợp đồng công chứng ký ngày 31/12/2008 thể hiện tôi thế chấp nhà 57 Cao Thắng để đảm bảo cho một phần của các khoản vay 67.000 lượng vàng là không có thật. Tôi sẽ chứng minh điều này", bà Diệp nói với vẻ tự tin.

Bà lập luận, nếu đây là tài liệu thật, bà muốn được tận mắt nhìn thấy bản chính hợp đồng công chứng sáng 31/12/2008, thể hiện việc bà thế chấp nhà đất 57 Cao Thắng, nhưng từ trước tới giờ chưa được tiếp xúc hồ sơ tài liệu này.

"Trong cả hệ thống dữ liệu Sở Tư pháp và Bộ Tư pháp hoàn toàn không có hợp đồng công chứng nào thế chấp nhà đất 57 Cao Thắng", bà Diệp nhắc lại quan điểm đã đưa ra tại ngày đầu tiên bị thẩm vấn. Từ đó, bà Diệp đề nghị HĐXX ghi rõ vào biên bản phiên tòa "không có hợp đồng công chứng nào thể hiện Diệp Bạch Dương ký thế chấp nhà đất Cao Thắng".

Bà cũng cho rằng hợp đồng thế chấp đề ngày 31/12/2008 là bất thường, trái pháp luật và phía bà cũng không có đơn xin thay thế tài sản thế chấp này.

Hai giấy nhận nợ ngân hàng cung cấp do con gái bà ký, bà Diệp cũng cho là giả, không liên quan đến việc thế chấp nhà 57 Cao Thắng. Theo bà Diệp, ngày 28/10/2008 ngân hàng cho bà ký một hợp đồng thế chấp tài sản hình thành trong tương lai với nội dung thế chấp căn nhà này để vay 9.040 lượng vàng nhưng hợp đồng này không được công chứng. Sau đó bà ký tiếp một hợp đồng nữa vay 14.000 lượng để có tiền mua nhà 57 Cao Thắng nhưng khoản này đã được tất toán vào 30/1/2011, có nhiều người ký xác nhận đã thanh toán cả nợ gốc và lãi.

Đối với khoản vay 67.000 lượng vàng, bà Diệp cho biết đã phải thế chấp cho ngân hàng nhiều tài sản trị giá đến 95.000 lượng vàng - tức là dư để trả nợ. Điều này thể hiện ở phương án khắc phục trả nợ lập ngày 25/11/2014 giữa bà và Agribank - tài sản của công ty và gia đình bà đủ đảm bảo thanh toán các khoản vay nên ngân hàng đã giải chấp cho bà nhiều tài sản.

"Việc tôi thế chấp căn 185 Hai Bà Trưng cho Phương Nam (nay là Sacombank) là sai, nhưng cũng vì tôi tức quá, chứ tôi không lừa ai", bà Diệp nói và nêu nguyện vọng được trả tiền cho Sacombank để lấy tài sản về cho Nhà nước, đồng thời xin nhận lại nhà đất 57 Cao Thắng để giải quyết với Agribank.

Đề nghị tuyên ông Nguyễn Thành Tài vô tội

Bào chữa cho ông Nguyễn Thành Tài, luật sư Trương Trọng Nghĩa cho rằng việc ông Tài bút phê vào công văn xin hoán đổi tài sản của Công ty Diệp Bạch Dương là sau khi báo cáo, xin ý kiến trực tiếp và được cấp trên đồng ý.

Đại gia Bạch Diệp: Tôi ở tù cũng đáng vì tôi quá tin người! - 2
Bị cáo Nguyễn Thành Tài.

Việc ông Tài làm là thực hiện theo chủ trương và chỉ đạo của ông Quân, trên cơ sở việc hoán đổi là có lợi cho nhà nước. Hành vi của ông Tài thực chất là thực hiện chủ trương của UBND TPHCM.

Đối với chữ ký của ông Tài tại Công văn 956, luật sư Nghĩa nêu, công văn này ban hành dựa trên sự đồng thuận, tham mưu của các cơ quan sở ban ngành. Việc ông Tài dựa vào sự tham mưu này là đúng quy định và hết trách nhiệm của mình; không thể buộc ông Tài phải đi kiểm tra, xác minh, thẩm định lại đề xuất, tham mưu của các cơ quan này, là trái với khoa học quản lý hành chính, đồng thời là công việc bất khả thi, cũng là phù hợp với các quy định pháp luật…

Hơn nữa, theo luật sư Nghĩa, ông Tài nghỉ hưu từ tháng 6/2011, thời điểm này Công ty Diệp Bạch Dương chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số 185 Hai Bà Trưng, thiệt hại chưa xảy ra. Về sau việc hoán đổi được giao cho người khác, không thể buộc ông Tài phải chịu trách nhiệm. 

Vì vậy, luật sư Nghĩa đề nghị Viện Kiểm sát rút quyết định truy tố đối với ông Nguyễn Thành Tài. Nếu Viện Kiểm sát vẫn giữ nguyên quan điểm, luật sư đề nghị HĐXX tuyên ông Nguyễn Thành Tài không có tội.