Mối nguy từ "liên minh vỡ nợ" lên mạng rủ nhau phạm tội

Lê Trai

(Dân trí) - Phân tích về việc nhiều người công khai, lôi kéo nhau vi phạm pháp luật, chuyên gia cho rằng đây là nét tâm lý khi họ biết rằng hành vi của mình sẽ trả giá, muốn có thêm người san sẻ trách nhiệm.

Chỉ cần lên Facebook và gõ "làm liều", "vỡ nợ", hàng loạt các hội, nhóm liên quan về chủ đề này sẽ hiện ra. Công an TPHCM cho biết có nhóm hơn 33.000 người tham gia, số lượng thành viên tăng liên tục, có tuần tăng đến 7.000 người với hàng trăm bài viết.

Công khai bàn bạc cướp ngân hàng

Chẳng phải ngẫu nhiên mà cơ quan chức năng lại giám sát chặt chẽ di biến động của hội nhóm này, bởi nhà chức trách nhận định đây là nơi dễ phát sinh những vụ việc gây mất an ninh trật tự.

Tùy tiện chọn vào một nhóm "Hội những người vỡ nợ" bất kỳ, người viết dễ dàng tìm thấy nhiều bài viết với nội dung không lành mạnh. Trong đó, bài đăng của tài khoản T.G. với nội dung: "Anh em Thái nguyên, Bắc Giang, Bắc Ninh có kèo gì liều mà ra tiền không, cho em theo với".

Dưới phần bình luận, tài khoản L.P.G. liền hưởng ứng: "Bắc Giang gặp nhau".

Mối nguy từ liên minh vỡ nợ lên mạng rủ nhau phạm tội - 1

Một bài đăng trên "Hội những người vợ nợ muốn làm liều" (Ảnh: Chụp màn hình).

Bài viết trên nhận được nhiều lượt tương tác khác. Trong đó, tài khoản B.V.T. để lại bình luận: "Ai đi cướp ngân hàng không". Khi có người chung chí hướng vào thảo luận, tài khoản này nhấn mạnh cướp thì phải cướp ngân hàng to nhất vì "đằng nào cũng đi tù".

Một bài đăng khác của tài khoản ẩn danh viết: "Lang thang Sài Gòn đường cùng rồi, có anh em nào lên kèo với tôi không". Dưới bài đăng, nhiều tài khoản xin tham gia cùng, trong đó tài khoản T.B. bình luận: "Nhắn tin, lên kế hoạch". Còn tài khoản V.N. viết: "Cho em theo với, bết lắm rồi".

Mối nguy từ liên minh vỡ nợ lên mạng rủ nhau phạm tội - 2

Nhiều cuộc hội thảo lôi kéo đi cướp ngân hàng (Ảnh: Chụp màn hình).

Ngoài việc kêu gọi, lôi kéo nhau lên kế hoạch làm liều, thành viên các hội, nhóm này còn có những bài viết giới thiệu về các công việc vi phạm pháp luật như chở hàng cấm, buôn hàng lậu, rửa tiền, mua bán tiền giả.

Nguy hiểm cho xã hội

Trao đổi với phóng viên Dân trí, PGS.TS Trịnh Hòa Bình, Giám đốc Trung tâm điều tra dư luận xã hội (Viện Xã hội học), cho rằng khi con người gặp bí bách trong cuộc sống, hoặc mắc nợ, vỡ nợ, họ cần kiếm nguồn thu khác để bù trừ hoặc cần con đường để thoát khỏi tình trạng đó. Do đó, họ phải kiếm tiền bằng phương sách "muốn làm liều".

"Muốn làm liều có nghĩa là làm những việc họ biết mười mươi rằng việc đó không bình thường, mạo hiểm, dẫn đến rủi ro. Nhưng bởi động cơ, sự hối thúc mạnh mẽ để có nguồn lực, có nguồn tiền mà người ta chấp nhận đánh đổi quyết liệt đến mức mạo hiểm. Thậm chí sự đánh đổi này còn gây nguy hiểm cho người khác chứ không chỉ rủi ro cho bản thân họ", ông Bình phân tích.

Mối nguy từ liên minh vỡ nợ lên mạng rủ nhau phạm tội - 3

Thành viên "Hội những người vỡ nợ muốn làm liều" bị bắt khi cướp 1,1 tỷ đồng trong biệt thự ở quận 12 (Ảnh: Lê Trai).

Ông Bình nhận định thành phần tham gia hội nhóm "Những người vỡ nợ muốn làm liều" đủ muôn hình vạn trạng, nhưng mẫu số chung là những người có tham vọng, có động cơ bằng mọi cách kiếm tiền. Chính động cơ đó đã làm "hỏng" họ, đẩy họ ra bờ vực những người không bình thường, những người khác biệt trong xã hội. Từ đó, họ muốn lấy lại vị trí cũ hoặc thậm chí phát triển hơn nữa, nên người ta làm liều và chấp nhận rủi ro.

"Câu chuyện làm liều ở đây bao hàm cả vi phạm pháp luật, giẫm đạp lên đạo đức xã hội, giẫm đạp lên giá trị tốt đẹp để đạt được mục đích", ông Bình nói thêm.

Lý giải về việc tội phạm công khai, lôi kéo những người cùng tham gia vi phạm pháp luật, ông Bình cho rằng đây là nét tâm lý của những người mà họ biết rằng hành vi của họ chắc chắn sẽ trả giá. Do đó, họ tìm cách san sẻ trách nhiệm, sai lầm của mình, muốn có thêm những kẻ "cùng hội, cùng thuyền" để chống đỡ, cùng che chắn và san sẻ phần tội lỗi với mình.

Đánh giá những hội, nhóm này rất nguy hiểm; gây nên tình trạng hỗn loạn, đe dọa bức tranh an lành của xã hội, ông Bình đề nghị các nhà quản lý cộng động, chính quyền phải ra tay để ngăn chặn, xử lý.

Ngoài ra, chuyên gia cho rằng mọi thành viên xã hội cũng phải có trách nhiệm, chung tay ngăn chặn sự bành trướng của các hội nhóm này.