TPHCM:

Phạt tù băng nhóm sản xuất tân dược giả lớn nhất Việt Nam

(Dân trí) - Băng nhóm này mua thuốc rẻ rồi thuê người dán nhãn, đóng hộp “biến” thành 41 loại thuốc ngoại đắt tiền, giao cho các “trình dược viên” tung ra thị trường bán, không chỉ ở Việt Nam mà sang tận Campuchia.

Ngày 26/12, TAND TPHCM đã tuyên bản án sơ thẩm đối với 14 bị cáo trong đường dây sản xuất, tiêu thụ tân dược giả lớn nhất Việt Nam từ trước đến nay. Với tội danh “sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh”, bị cáo Huỳnh Ngọc Quang (29 tuổi), nguyên giám đốc Công ty Cổ phần Dược phẩm Việt Pháp và Huỳnh Văn Tiên (33 tuổi, anh của Quang), mỗi bị cáo nhận 10 năm tù; Lê Thị Kiều Hoanh (vợ của Tiên) nhận 7 năm tù; 7 bị cáo trong vai trò đồng phạm với nhiệm vụ trực tiếp sản xuất thuốc giả, bóc, dán nhãn thuốc, bị phạt từ 5-7 năm tù; các bị cáo còn lại bị phạt từ 1 năm 11 tháng đến 3 năm tù, trong đó có một bị cáo được hưởng án treo.

Theo cáo trạng, Huỳnh Ngọc Quang và Huỳnh Văn Tiên cầm đầu đường dây sản xuất thuốc tân dược quy mô lớn, tổ chức thực hiện từ năm 2009 đến tháng 1/2010 với sự tham gia của nhiều đối tượng. Bọn chúng tuyển chọn các đối tượng tham gia sản xuất, buôn bán thuốc giả với đa số là anh em, vợ chồng hoặc là người đồng hương. Huỳnh Ngọc Quang dùng thủ đoạn thành lập Công ty cổ phần dược Việt Pháp để hoạt động kinh doanh mua bán thuốc nhằm che đậy mạng lưới sản xuất buôn bán thuốc giả do Quang, Tiên thành lập, điều hành.

Các đối tượng đã mua các loại thuốc tân dược rẻ tiền, sau đó đặt in ấn vỏ hộp, nhãn mác ép thành thuốc giả ngoại nhập, bán ra thị trường thu lợi bất chính gấp nhiều lần. Phương thức thủ đoạn sản xuất thuốc giả của bọn chúng là chia ra nhiều nơi, sử dụng nhiều đối tượng khác nhau sản xuất và buôn bán thuốc giả. Các đối tượng trên đã cấu kết với nhau sản xuất, tiêu thụ hàng loạt các nhãn hiệu thuốc giả có mặt trên thị trường như thuốc giảm cân BVP, Ceslestamine, Legalon, Nizoral, Calcium các loại thuốc kháng sinh như Amoxiciline, Cephalexin…

Hành vi này đã xâm phạm đến công tác quản lý, lưu hành thuốc của Nhà nước, gây ảnh hưởng xấu đến trật tự trị an xã hội và an toàn sức khỏe cho người dân. Vụ việc đã bị cơ quan điều tra phanh phui vào tháng 1/2010, phát hiện nhiều kho thuốc giả do Quang thuê làm nơi chứa thuốc giả tại các quận 3, 7, 9, 10, 11, Bình Tân, Tân Bình, Bình Thạnh, Thủ Đức… thu giữ tang vật gồm hàng chục nghìn sản phẩm thuốc tây giả, cùng với hàng trăm ký tem, vỏ, nhãn mác, vỏ hộp, bao bì vỉ thuốc các loại phục vụ việc sản xuất thuốc giả.

Cơ quan điều tra xác định, tổng cộng có 41 loại thuốc tân dược bị làm giả. Trong đó vợ chồng Tiên sản xuất 3 loại thu lợi bất chính gần 300 triệu đồng. Số còn lại Quang chỉ thừa nhận đã bán gần 65.000 vỉ thuốc giả để “bỏ túi” hơn một tỷ đồng.

Công Quang