1. Dòng sự kiện:
  2. Đại án Vạn Thịnh Phát

Cà Mau:

Vụ kiểm định vàng giả thành thật: Trách nhiệm của lãnh đạo là… ký !

(Dân trí)- Theo Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Cà Mau, trong số hơn 70 người được mướn, mượn để cầm đồ trong vụ kiểm định vàng giả thành vàng thật tại Ngân hàng NN&PTNT chi nhánh huyện Cái Nước thì có nhiều học sinh chưa đủ 18 tuổi nhưng vẫn được ký hợp đồng giao dịch.

Giao dịch thực hiện chỉ trong chớp mắt

Như Dân trí đã thông tin, tính từ năm 2009 đến khi bị phát hiện, 3 đối tượng lừa đảo chiếm đoạt tiền tại Ngân hàng NN&PTNT chi nhánh huyện Cái Nước do Dương Thanh Tuấn (nhân viên kiểm định vàng tại Phòng Giao dịch Đầm Cùng thuộc Chi nhánh Ngân hàng NN&PTNT huyện Cái Nước) cầm đầu đã dùng 677 lượng vàng giả thế chấp để rút gần 20 tỷ đồng tiền thật. Điều mà dư luận bàn tán xôn xao là làm thế nào Tuấn có thể thực hiện dễ dàng nhiều vụ cầm cố với thời gian nhiều năm như vậy mà không bị phát hiện. Và gần đây, khi sự việc bị phanh phui, dư luận mới ngã ngửa là lãnh đạo của ngân hàng chỉ biết… ký tên.

Tại CQĐT, Tuấn khai nhận, do mê cá độ đá bóng qua Internet, mỗi ngày Dương Minh Giỏi (em trai Tuấn) và Phan Thanh Hải (người cùng xóm) thua từ 70 triệu đồng đến 150 triệu đồng. Đến khi không còn thứ gì để chơi, Giỏi và Hải đến gặp Tuấn bàn cách kiếm tiền trả nợ. Sau đó, Tuấn đã nghĩ ra cách lấy vàng giả thế chấp để rút tiền thật với lợi thế Tuấn là nhân viên kiểm định vàng của ngân hàng.

Trong vụ việc này, ngoài việc dễ dàng thực hiện nhiều vụ cầm cố, Tuấn còn làm luôn cả hợp đồng thay cả tín dụng viên. Điều đặc biệt là có rất nhiều người (chủ yếu là học sinh) chưa đến 18 tuổi (tức là chưa đủ tư cách pháp nhân) nhưng vẫn được lãnh đạo ngân hàng ký hợp đồng giao dịch với số tiền lên đến vài trăm triệu đồng và có những giao dịch được thực hiện chỉ trong vài phút.

“Sau khi nhận lời đi cầm đồ thuê cho anh Giỏi với giá 300.000 đồng, em đến Phòng giao dịch Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại Đầm Cùng nói cầm đồ thế chấp thì người tiếp nhận liền lấy bọc vàng giả trên tay em bỏ lên cân rồi làm thủ tục rất dễ, không hỏi em một lời gì cả. Sau đó chưa đầy 15 phút, nhân viên ngân hàng đã kêu em ký nhận 200 triệu đồng”, một học sinh lớp 11- Trường THPT Nguyễn Mai (từng là “con cờ” của đường dây lừa đảo của Tuấn - PV) kể lại.

Vụ kiểm định vàng giả thành thật: Trách nhiệm của lãnh đạo là… ký !
Nhiều học sinh Trường THPT Nguyễn Mai chưa đủ 18 tuổi (tức chưa đủ tư cách pháp nhân) nhưng vẫn được lãnh đạo ngân hàng ký hợp đồng giao dịch.

Lãnh đạo chỉ xem và ký !

Trao đổi với PV về vấn đề này, Thượng tá Nguyễn Thanh Lộng- Phó Trưởng Công an huyện Cái Nước- cho biết, thủ đoạn lừa đảo rất đơn giản nhưng vẫn thực hiện trót lọt suốt nhiều lần, nhiều năm liền với số tiền hàng chục tỷ đồng. Qua đó đã cho thấy, cơ chế quản lý tại ngân hàng quá lõng lẻo dẫn đến tiếp tay cho các đối tượng lừa đảo rút ruột tiền tỷ.

Được biết, quy trình cầm cố vàng tại Ngân hàng NN&PTNT phải qua ít nhất từ 5- 6 khâu mới có thể rút tiền. Tuy nhiên, tại Phòng Giao dịch Đầm Cùng thì quy trình này được rút ngắn chỉ trong chớp mắt. Cụ thể, nhân viên kiểm định của Phòng Giao dịch này có thể làm luôn cả hợp đồng cho vay và chỉ trình lãnh đạo ký là có thể rút tiền, còn dễ hơn tự rút tiền trong túi.

Trong khi đó, ông Trần Xuân Phong- Giám đốc Phòng Giao dịch Đầm Cùng lý giải: “Do nhân sự còn thiếu nên nhiều lúc nhân viên kiểm định có thể làm thay công việc cho bộ phận khác, việc này đã diễn ra nhiều năm”.

Cũng theo ông Phong, do lượng khách quá đông nên lãnh đạo cũng không theo dõi được đối tượng giao dịch có đủ tuổi hay không, chỉ xem và ký là xong!

                                                                                                            Tuấn Thanh