1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Vụ kỳ án trong lịch sử tố tụng:

200 nghìn đồng và 4 tháng tù giam (kỳ 2)

Cuộc phỏng vấn các ông Bí thư Đảng uỷ, Chủ tịch UBND, Trưởng Công an xã Chiềng Sơ và những người hàng xóm của bà Dương Thị Nga được tiến hành ngay trong đêm.

Cuộn băng thu trong đêm

Và băng ghi âm, ghi hình cuộc phỏng vấn này ngay sáng hôm sau được gửi tới tận tay các đồng chí: Lê Khả Phiêu, Trần Đức Lương, Phan Văn Khải, Nông Đức Mạnh.

Trong cuộn băng đó có một chi tiết hết sức quan trọng là ngày 13/10/1999 chồng bà Nga (ông Dương Văn Thực) đã rút 2.000.000 đồng tiền tiết kiệm để chuẩn bị cho vợ ngày mai đi Hà Nội khám bệnh. Trong sổ tiết kiệm của chồng bà Nga ghi ngày rút tiền là 13/10/1999.

Sáng 14/10 ông Dương Văn Thực lại còn vay của một ông hàng xóm 1.000.000 đồng nữa để đưa thêm cho vợ và giấy vay nợ người hàng xóm của ông Thực còn giữ, ghi ngày 14/10/1999.

Như vậy, khi về Hà Nội khám bệnh, bà Dương Thị Nga có mang theo 3.000.000 đồng. Khi bị Công an quận Hoàn Kiếm bắt, bà Nga bị khám xét và thu giữ toàn bộ hành lý. Biên bản ghi hành lý, tài sản bị tạm giữ của bà Dương Thị Nga cũng có 3.000.000 đồng tiền mặt.

Vậy mà bà Phạm Thị Lê khai rằng đã cho bà Nga vay 200.000 đồng ngày 13/10/1999 tại Hà Nội là hết sức vô lý. Cuộn băng ghi âm, ghi hình cuộc phỏng vấn trong đêm 13/1/2000 cung cấp bằng chứng ngoại phạm của  bà Dương Thị Nga. Song vào thời điểm đó, các cơ quan tố tụng của Hà Nội không hề biết đã có cuộc phỏng vấn bí mật kia.

Vì thế, các cơ quan tố tụng của Hà Nội đã 10 lần cử cán bộ lên Chiềng Sơ để điều tra lại vụ án nhưng không tìm ra được chứng cứ để buộc tội bà Dương Thị Nga.

Tối 10/2/2000, cố vấn Nguyễn Hồng Vinh gọi số máy nhà riêng của tôi: - Hôm nay, Chủ tịch Trần Đức Lương đã gọi VKSND Tối Cao, TAND Tối cao và Bộ Công an lên Văn phòng Chủ tịch nước để làm việc về vụ án Dương Thị Nga.

Chủ tịch Trần Đức Lương nói rằng hôm nay, các đồng chí không được nói gì cả mà tôi nói: Các cơ quan tố tụng của Hà Nội đã bắt oan, đã phạt tù oan công dân. Việc này Viện Kiểm sát Tối cao, Toà án nhân dân Tối cao và Bộ Công an phải có trách nhiệm giải quyết. Các đồng chí cần giải quyết vụ này thật nghiêm minh để lấy lại niềm tin của nhân dân với các cơ quan bảo vệ pháp luật.

Khẳng định như vậy chứng tỏ các đồng chí lãnh đạo đã có một kênh thông tin riêng. Vụ án mà chúng ta đang làm thế là thuận lợi lắm rồi. Bây giờ, báo cần đăng thật nhiều ý kiến của bạn đọc.

Lo sợ và đối phó

Phản ứng của các cơ quan chức năng về vụ án Dương Thị Nga lúc này rất khác nhau. Ngày 11/2/2000, Báo GĐ&XH nhận được Công văn số 215/ KSĐT - TA của VKSNDTC, nội dung như sau:

“Thực hiện ý kiến chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu, đồng chí Chủ tịch nước Trần Đức Lương, đồng chí Chủ tịch Quốc hội Nông Đức Mạnh, ngày 24/1/2000, Ban Nội Chính Trung ương đã tổ chức cuộc họp các ban, ngành trung ương để xem xét vụ án Dương Thị Nga xảy ra ở quận Hoàn Kiếm - Hà Nội.

Để phối hợp giải quyết vụ án đảm bảo khách quan, chính xác, đúng pháp luật, Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao đề nghị quý báo cung cấp các tài liệu về vụ án đã thu thập được từ các nguồn cho VKSNDTC và giúp các cơ quan bảo vệ pháp luật có thêm tài liệu để xem xét, làm sáng tỏ vụ án, sớm có kết luận để báo cáo lãnh đạo Đảng và Nhà nước. Rất mong sự hợp tác, giúp đỡ của quý báo.”

Trong khi đó, cùng ngày 11/2/2000 các cơ quan tố tụng quận Hoàn Kiếm lại gửi Ban Nội chính Trung ương và các cơ quan chức năng cấp trên một báo cáo, nội dung như sau:

“Sau khi nghiên cứu, đánh giá lại tài liệu, chứng cứ của vụ án, ba ngành nội chính quận Hoàn Kiếm nhận thấy rằng: Việc bà Phạm Thị Lê, sinh 1949 - Đôn Thư, Đồng Quang, Gia Lộc, Hải Dương bị bà Dương Thị Nga lừa đảo, chiếm đoạt mất 200.000 đồng, ngày 13/10/1999 là có thật.

Trong quá trình điều tra, việc thu thập chứng cứ là khách quan, trung thực, đúng pháp luật. Việc ra lệnh bắt khẩn cấp và tạm giam bà Dương Thị Nga là cần thiết, đúng luật. Trong quá trình giám sát điều tra, Viện Kiểm sát nhân dân quận Hoàn Kiếm đã phúc tra tài liệu, kết luận Dương Thị Nga phạm tội lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của công dân, đưa truy tố là chính xác. Trình tự đưa vụ án ra xét xử tại phiên toà và việc tuyên phạt bị cáo Dương Thị Nga 4 tháng tù giam là nằm trong khuôn khổ pháp luật quy định”.

Đọc báo cáo này, tiến sĩ Nguyễn Hồng Vinh nhận xét: "Họ (các cơ quan tố tụng quận Hoàn Kiếm) đang rất lo sợ và đây là vụ án để đời đối với họ".

Chiều 11/2/2000, chúng tôi đến viện Kiểm sát Nhân dân quận Hoàn Kiếm để xác minh thêm về số chi tiết của vụ án, nhất là các bằng chứng ngoại phạm của bà Dương Thị Nga vì sao không có trong vụ án? Nó đã bị thất lạc đi đâu? Nhưng bà Nguyễn Thị Kim Thư - Phó Viện trưởng VKSND quận Hoàn Kiếm (người ký quyết định bắt khẩn cấp bà Dương Thị Nga) nói rằng: "Tôi bận, hôm nay không làm việc được. Vả lại, anh muốn làm việc phải đăng ký trước để văn phòng còn xếp lịch".

Anh “đánh chết cháu rồi”

Trên đường tôi về Toà soạn, khi đi ngang qua quán bia hơi số 1 Giang Văn Minh, bỗng có người chạy ra, níu áo tôi: "Anh vào đây uống cốc bia đã. Có người muốn gặp anh". Người muốn gặp tôi là một cán bộ ở Hà Nội và đó là một người bạn khá thân của tôi:

- Anh đã "đánh chết" cháu rồi. Vụ án bà Dương Thị Nga do con anh thụ lý hồ sơ - ông bạn tôi nói.

Như thế chắc là con gái anh có dính líu đến vụ án này, vì anh có hai con mà cậu út thì đang học lớp 12 còn cô cả thì đã tốt nghiệp đại học Luật và đã đi làm vài năm nay rồi.

- Chả nhẽ cháu Thảo cũng dính vào vụ này? - Tôi hỏi.

- Đúng. Chính nó - anh bạn tôi nói - Nó được ông Viện trưởng VKSND quận Hoàn Kiếm giao cho thụ lý hồ sơ vụ bà Dương Thị Nga, trong khi chỉ ba ngày nữa là nó được nghỉ đẻ. Nó nghiên cứu hồ sơ vụ án trong điều kiện sức khoẻ không tốt và tư tưởng không tập trung nên đã bỏ sót một văn bản không đưa vào hồ sơ vụ án.

- Đó là văn bản của Công an xã Chiềng Sơ, xác nhận ngày 13/10/1999 bà Nga đang có mặt ở bản và ngày 14 bà ấy mới về Hà Nội khám bệnh?

- Đúng vậy. Văn bản này Công an quận Hoàn Kiếm chuyển đến sau, lần đầu trong hồ sơ vụ án không có văn bản đó.

- Thế thì tội của nó rất nặng. Kể cả sau khi đã rung chuông khai mạc phiên toà mới nhận được văn bản đó thì kiểm soát viên cũng phải tức tốc đem đến trình toà. Đằng này lại bỏ quên. Đó là thói quan liêu chết người. Nếu bà Nga ở trong tù phát bệnh ung thư rồi chết thì làm sao? Bà ấy đi khám bệnh khối u ở bụng và các bác sĩ đang nghi là ung thư.

- Anh hãy động viên cháu chuẩn bị tinh thần đón nhận kỷ luật rất nghiêm khắc. Đúng ra, đây là tội chứ không phải lỗi.

- Nhưng anh quen biết các ông ở Viện KSNDTC. Qua vụ này các ông ấy lại càng nể anh hơn.

- Quen biết cũng chẳng giải quyết được gì trong trường hợp này. Sáng nay, các cụ ở Câu lạc bộ Thăng Long đến tận toà soạn nói với tôi rằng: "Báo vẫn đang còn nợ công luận một vấn đề lớn, đó là vụ án oan Dương Thị Nga. Những ai phải chịu trách nhiệm về vụ án này? Các cơ quan chức năng đã hoặc sẽ xử lý họ ra sao? Hiện, bệnh tình bà Nga như thế nào? Tết vừa rồi gia đình bà Nga có tết không? Những câu hỏi ấy, toà soạn báo phải có trách nhiệm trả lời cho bạn đọc cả nước biết”.

Bà con tiểu thương ở chợ Sắt (Hải Phòng) thuê xe ca lên tận toà soạn, gửi lời thăm hỏi và gửi tiền giúp bà Nga chữa bệnh. Một chủ tiệm vàng ở Hà Nội cũng gửi cho bà Nga hai triệu đồng để chữa bệnh và nói rằng: "Nếu báo không làm ra ngô, ra khoai vụ này thì dân không tin vào cháu rồi báo nữa".

Ngay lúc đó, tôi bấm máy hỏi tiến sĩ Nguyễn Hồng Vinh về trường hợp của Kiểm sát viên Phương Thảo. Anh Vinh cho biết, “trường hợp này nhẹ nhàng cũng phải tước tư cách kiểm sát viên và đuổi khỏi ngành kiểm sát".

Kỳ án còn tiếp diễn

Vụ kỳ án Dương Thị Nga nóng bỏng từng ngày trên công luận và trên bàn làm việc của các nhà chức trách. Tiếp xúc với chúng tôi, ông Nguyễn Duy Hồng (Vụ trưởng vụ KSĐT án trị an xã hội VKSNDTC) kể: "Làm việc với chúng tôi về vụ án này, Chủ tịch Trần Đức Lương hỏi rất gay gắt:

- Các đồng chí có làm được việc nữa không, hãy nói với tôi một câu cho rõ!

Khi tôi gọi điện thoại, hỏi Chủ tịch Quốc hội Nông Đức Mạnh thì Chủ tịch nói:

- Rất nhiều Đại biểu Quốc hội đã gọi điện chất vấn tôi về vụ án này. Bản thân tôi cũng đã ba lần gửi công văn đến các cơ quan chức năng yêu cầu giải quyết ngay nhưng các cơ quan tố tụng vẫn lúng túng. Sắp tới Uỷ ban Pháp luật của Quốc hội sẽ có giải pháp kiên quyết.

Ngày 10/3/2000, Thiếu tướng Phạm Chuyên - Giám đốc Công an TP Hà Nội gọi điện đến toà soạn nói rằng muốn trực tiếp gặp đồng chí Tổng Biên tập vào 16 giờ chiều ngay tại trụ sở Công an TP Hà Nội.

Các phóng viên trong toà soạn nói: "Ông Phạm Chuyên muốn gặp thì mời ông ấy đến đây. Tổng Biên tập không phải đi đâu cả". Nhưng, Tổng biên tập Trần Quang Quý quyết định là sẽ đi. Và anh Quý bảo tôi: "Anh Các cũng nên đi, mang thật đầy đủ tài liệu vào, họ hỏi vấn đề gì thì mình trình bày vấn đề ấy".

Hoàng Hữu Các (còn nữa)