Dự án thủy điện Đồng Nai 6, 6A:

Nhà khoa học “mỗi người một phách”, dân biết tin ai!

(Dân trí) - Dù 2 dự án thủy điện Đồng Nai 6, 6A đã được dư luận và nhiều nhà khoa học quan tâm bàn bạc suốt 3 năm qua, nhưng đến nay chính cơ quan chuyên môn cũng không biết ai đúng, ai sai.

Khu vực dự kiến xây dựng thủy điện Đồng Nai 6, 6
Khu vực dự kiến xây dựng thủy điện Đồng Nai 6, 6A

Ai đúng, ai sai

Ngày 10/10, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai đã có buổi giám sát về 2 dự án thủy điện Đồng Nai 6, 6A thực hiện trong khu vực Vườn quốc gia Cát Tiên. Tại đây, đại diện các cơ quan quản lý và dân cư là Sở Tài nguyên - Môi trường tỉnh Đồng Nai, Vườn quốc gia Cát Tiên, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai đã chất vấn các vấn đề dư luận quan tâm và chủ đầu tư là Tập đoàn Đức Long Gia Lai trả lời trực tiếp.

Điều đầu tiên mà ông Nguyễn Văn Diện, Giám đốc Vườn quốc gia Cát Tiên, quan tâm là đánh giá tác động môi trường. Vì nếu thực hiện hai dự án thủy điện này sẽ gây ảnh hưởng lớn đến đất rừng và môi trường sinh thái trong khu vực, đặc biệt là khu Bàu Sấu.

Theo ông Nguyễn Văn Phước, Viện trưởng Viện Môi trường và Tài nguyên, đơn vị được thuê để khảo sát, đánh giá tác động môi trường 2 dự án thủy điện Đồng Nai 6, 6A thì việc thực hiện 2 thủy điện trên hoàn toàn không gây nhiều ảnh hưởng đến khu vực lân cận và vùng hạ du.

Sau hơn 1 năm khảo sát, đoàn cán bộ của Viện đã có những số liệu chính xác về diện tích rừng trong khu vực thủy điện hầu hết là rừng trung bình, rừng nghèo, rừng hỗn giao với lồ ô, tre nứa và trảng cỏ…

Ông Bùi Pháp, Chủ tịch tập đoàn Đức Long Gia Lai, bổ sung thêm: “Theo dự án trước đây thì diện tích đất rừng phải mất là đến gần 2.000 ha. Sau đó, Đức Long Gia Lai nhận lại dự án này và tách thành 2 dự án nhỏ là 6 và 6A, giảm diện tích đất rừng phải mất xuống chỉ còn gần 400 ha. Về hiệu suất, tại hai dự án này chúng ta chỉ mất 1,46 - 1,67 ha đất rừng cho 1 MW điện, trong khi đó các dự án thủy điện khác đều mất từ 4 - 10 ha cho 1 MW điện”.

Về môi trường sinh thái, ông Phước cho biết chỉ bị ảnh hưởng trong quá trình thi công nước sông đục, đưa xe máy vào thi công… Theo ông, môi trường sẽ trở lại bình thường sau khi thi công xong và thủy điện đã đi vào tích nước. Ngoài ra, trong đoạn sông thực hiện 2 dự án này chỉ có 1 loài cá quý hiếm là cá chình hoa, chim thì không có loài nào quý hiếm, bò sát và thú cũng không có loài nào trong Sách đỏ…

Về khu vực Bàu Sấu, ông Phước cho là 2 dự án này không gây ảnh hưởng vì nguồn nước của Bàu Sấu lấy từ lưu vực suối Đăk Lua, sau đó mới chảy vào sông Đồng Nai, chỉ trong mùa mưa lũ mới chảy ngược từ sông Đồng Nai về Bàu Sấu.

Về khả năng sử dụng nước ở khu vực hạ du sông Đồng Nai, ông Phước khẳng định là không ảnh hưởng vì 2 dự án này hoạt động theo cơ chế điều tiết nước hàng ngày và lượng nước tích cũng không nhiều.

Tại hội nghị, ông Lê Viết Hưng, Giám đốc Sở TN-MT Đồng Nai đặt vấn đề lo ngại: nếu xảy ra động đất thì có sao không? Đại diện cơ quan thiết kế dự án khẳng định công trình được thiết kế chịu được động đất cấp 7. Cơ quan này cũng đã làm mô phỏng trong trường hợp tiêu cực nhất là cả hai đập thủy điện vỡ cùng lúc thì dòng chảy chỉ dâng lên trong 5h và 1 số khu vực ven sông chỉ bị ngập chừng 1h.

Sau khi chủ đầu tư trả lời hết các thắc mắc của đoàn giám sát và các cơ quan quản lý, ông Lê Viết Hưng cho rằng: “Trước đây chúng tôi có tổ chức hội thảo khoa học, nhiều nhà khoa học cho rằng có 8 loài thú quý hiếm trong khu vực này. Ông Phước đại diện cho 1 cơ quan khoa học lại nói không có. Nhiều người nói có tác động đến môi trường nhưng khảo sát chi tiết của Viện cũng bảo không ảnh hưởng nhiều. Đứng ở góc độ cơ quan quản lý tài nguyên môi trường nhưng chúng tôi cũng chưa có cơ hội khảo sát vấn đề này. Thực sự là chúng tôi cũng không biết ai nói đúng, ai nói sai, dựa vào cơ sở nào để phân định…”.

Là người trực tiếp quản lý địa bàn nhưng ông Nguyễn Văn Diện cũng ấp úng khi được hỏi về diện tích rừng trong khu vực 2 dự án thủy điện trên. Ông cho biết: “Tôi mới về nhận nhiệm vụ được 3 tháng, cũng chỉ đến khảo sát khu vực đó 1 lần. Nhìn chung thì đúng là rừng ở đây kém, hỗn giao nhiều tre nứa… Nhưng nghe các anh em khác nói thì có nhiều khu vực tốt lắm”.

Cơ quan quản lý phải chịu trách nhiệm

Về tình trạng có nhiều thông tin trái chiều khiến dư luận hoang mang như trên, đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc cho rằng: “Cơ quan quản lý phải chịu trách nhiệm!”.

Theo ông đáng lý ra cơ quan quản lý như Bộ Tài nguyên Môi trường hoặc Bộ Khoa học Công nghệ phải đứng ra nghiên cứu, thẩm định và công bố thông tin chính thức, đồng thời cũng chịu trách nhiệm về quyết định của mình. Đằng này cơ quan quản lý không ra mặt mà để dư luận xã hội lên tiếng và nhà đầu tư chật vật thanh minh với dư luận.

Ông Dương Trung Quốc nói: “Không lẽ sau khi bàn cãi ầm ĩ rồi kết luận không đạt thì dừng dự án lại? Thiệt hại của chủ đầu tư sẽ tính sao? Chúng ta phải xem xét vấn đề trên góc độ đảm bảo lợi ích tất cả các bên. Không chỉ là lợi ích xã hội, lợi ích quốc gia mà còn trên góc độ lợi ích nhà đầu tư nữa. Nếu không thì ai mà dám đến đầu tư, kể cả nhà đầu tư nước ngoài. Thà rằng không làm gì là yên tâm, vừa được lòng dân vừa an toàn”.

Ông Bùi Pháp đồng tình: “Theo kế hoạch thì chỉ trong vòng 3 năm là chúng tôi xây dựng xong 2 thủy điện này và đi vào hoạt động, sản xuất điện cho quốc gia. Nhưng từ năm 2010 đến nay, chúng tôi phải mất hết 3 năm để phản biện xã hội nhưng vẫn chưa xong!”.

Đại biểu Dương Trung Quốc cũng mở rộng vấn đề thêm: “Tôi không nói riêng về 2 dự án này mà tôi muốn nói đến dự án thủy điện cả nước. Bảo tồn tất nhiên là đúng nhưng chính bản thân nó đã mâu thuẫn với sự phát triển. Chúng ta phải đem lên bàn cân so sánh kỹ lưỡng giữa lợi ích phát triển với mục tiêu bảo tồn. Nếu không thì lấy điện đâu mà phát triển! Nếu chúng ta đã quyết định tiếp tục phát triển thủy điện thì phải xem xét lại quy trình, thủ tục đầu tư để không xảy ra những vấn đề tương tự nơi đây, đảm bảo lợi ích tất cả các bên”.

Thống nhất ý kiến với đại biểu Dương Trung Quốc, ông Trương Văn Vở, Phó trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai cho rằng: “Chúng tôi và các cơ quan quản lý của tỉnh sẽ đề nghị Chính phủ cử ra cơ quan phản biện độc lập và bộ ban ngành nào đó có trách nhiệm để đánh giá cụ thể là ai đúng, ai sai”.

Ông cho biết thêm: “Là đại biểu Quốc hội, khi dư luận quan tâm, người dân lo ngại thì chúng tôi cũng lo ngại và phải thay người dân tìm câu trả lời. Điều chắc chắn là những lo ngại của người dân phải được trả lời chính xác và có trách nhiệm để dân an tâm. Tất nhiên là lợi ích quốc gia phải được đặt lên hàng đầu”.

Khi được hỏi về vấn đề được và mất khi phát triển thủy điện, đại biểu Trương Văn Vở cho rằng: “Chính phủ đã quyết định phát triển thủy điện vì sự phát triển kinh tế quốc gia thì tất nhiên chúng ta phải thực thi. Tuy nhiên, chủ trương của chúng ta là phát triển bền vững, bền vững ở đây là đánh giá tác động môi trường phải được xem xét kỹ lưỡng, đảm bảo cho người dân yên tâm”.

Ngoài ra, đại biểu Trương Văn Vở cũng dự kiến sẽ lên kế hoạch cho Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai làm việc với Đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh khác nằm trong khu vực chịu ảnh hưởng của dự án là Lâm Đồng, Bình Phước, Đắk Nông để thống nhất ý kiến trước khi kiến nghị Quốc hội, Chính phủ về vấn đề này.

Tùng Nguyên