Bệnh nhân đau ruột thừa, bác sĩ phòng khám chẩn đoán bị… ngộ độc

Thúy Diễm

(Dân trí) - Đau bụng dữ dội, nam bệnh nhân đến một phòng khám tại TP Buôn Ma Thuột để kiểm tra thì được chẩn đoán bị ngộ độc và cho thuốc về uống. Sau đó, chuyển vào bệnh viện thì được kết luận bị đau ruột thừa.

Ngày 4/5, trên mạng xã hội Facebook lan truyền thông tin của một bệnh nhân phản ánh việc bị đau ruột thừa nhưng lại được bác sĩ của Phòng khám Đa khoa Nguyễn Dũng (TP Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk) chẩn đoán thành… ngộ độc.

Bệnh nhân đau ruột thừa, bác sĩ phòng khám chẩn đoán bị… ngộ độc - 1

Bệnh nhân bức xúc khi bị đau ruột thừa lại được phòng khám chẩn đoán thành ngộ độc thức ăn (Ảnh: Uy Nguyễn).

Theo thông tin ban đầu, vào ngày 1/5, anh V.Q.C. (25 tuổi, ngụ TP Buôn Ma Thuột) bị đau bụng nên tới Phòng khám Đa khoa Nguyễn Dũng để khám. Tại đây, anh C. được chẩn đoán bị ngộ độc thức ăn và kê đơn thuốc cho về nhà uống.

Đến chiều cùng ngày, anh C. bị sốt lạnh người, đau đớn không đi lại được và được người thân đưa đến Bệnh viện Đa khoa Thiện Hạnh (TP Buôn Ma Thuột) nhập viện, được chẩn đoán bị ruột thừa. Sau đó, anh đã được phẫu thuật, sức khỏe ổn định.

Cũng theo thông tin đăng tải, do quá bức xúc nên bệnh nhân đã điện thoại vào số đường dây nóng của Phòng khám Đa khoa Nguyễn Dũng để phản ánh nhưng lại thấy nhân viên đùn đẩy trách nhiệm.

Ngay sau khi đăng tải, thông tin đã nhận được rất nhiều chia sẻ, bình luận trái chiều về việc chẩn đoán của bác sĩ phòng khám trên.

Bệnh nhân đau ruột thừa, bác sĩ phòng khám chẩn đoán bị… ngộ độc - 2

Bệnh nhân đăng tải bức xúc khi bác sĩ phòng khám chẩn đoán bệnh sai lên mạng xã hội (Ảnh: Chụp màn hình).

Trao đổi PV Dân trí, lãnh đạo Phòng khám Đa khoa Nguyễn Dũng cho biết đơn vị nhận được thông tin của bệnh nhân vào sáng nay (4/5) và sẽ kiểm tra lại hồ sơ, trao đổi với bác sĩ thăm khám ca bệnh này. "Chúng tôi sẽ chờ bệnh nhân ra viện để có buổi làm việc cùng phòng khám và sẽ phân tích phải, trái trong vụ việc", lãnh đạo phòng khám cho hay.

Bác sĩ V.Đ.C (Phòng khám Đa khoa Nguyễn Dũng) - người trực tiếp thăm khám, kê toa thuốc cho bệnh nhân C. cho biết, bệnh nhân đến khám triệu chứng đầu tiên không có, thăm khám bước đầu giải quyết vấn đề trước mắt (ngộ độc thực phẩm - PV) và đến chiều bệnh thay đổi thì bệnh nhân nhập viện.

Cũng theo bác sĩ C., đau ruột thừa thường phức tạp, nhiều trường hợp khám đi khám lại, nằm bệnh viện, chụp CT cũng chưa tìm ra bệnh. "Ai làm ngoại khoa thì biết nhiều trường hợp đau ruột thừa rất rối rắm, bệnh nhân nhiều khi đau bên trái, khi đau bên phải, nhiều người không rõ triệu chứng", bác sĩ C. lý giải.

Theo một lãnh đạo Thanh tra Sở Y tế Đắk Lắk, hiện Sở vẫn chưa nhận được phản ánh về vụ việc này; trường hợp nhận được phản ánh của người nhà hoặc bệnh nhân về chẩn đoán bệnh không chính xác tại phòng khám, Thanh tra Sở sẽ vào cuộc làm rõ vụ việc.