Chủ quan bệnh cúm mùa có thể để lại nhiều hệ lụy khôn lường

Tiến Thịnh

(Dân trí) - Thời tiết chuyển mùa sang thu tạo điều kiện cho các bệnh nhiễm trùng đường hô hấp có nguy cơ lan rộng, đặc biệt là bệnh cúm. Nâng cao ý thức phòng bệnh là điều bạn cần thực hiện để bảo vệ sức khỏe của bản thân và cộng đồng.

Dữ liệu từ Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho thấy mỗi năm có khoảng 5-10% người lớn và 20-30% trẻ em mắc phải bệnh cúm. Trong số này, có khoảng 3-5 triệu trường hợp diễn biến nặng và gần 250-500 nghìn người không qua khỏi căn bệnh này.

Bệnh vặt nhưng để lại nhiều biến chứng nặng nề

Theo các chuyên gia dịch tễ, việc xâm nhập của đợt gió mùa đông bắc (ở miền Bắc) và đợt mưa cuối xuân ở miền Nam, là những thời điểm phổ biến cho việc lây nhiễm bệnh cúm qua đường hô hấp.

Chủ quan bệnh cúm mùa có thể để lại nhiều hệ lụy khôn lường - 1

Cúm mùa thường ủ bệnh trong khoảng 2 ngày, có dấu hiệu sốt, ớn lạnh, nhức đầu (Ảnh: Canva).

Bên cạnh đó, việc tồn tại của virus trong môi trường máy lạnh, đặc biệt trong các khu vực đông người và thiếu thông gió, nhiệt độ thấp, đã góp phần làm gia tăng số lượng ca nhiễm bệnh. Chính đặc tính dễ lây lan qua các giọt bắn đã khiến virus lan tỏa rộng rãi trong không khí, nhất là khi người mắc bệnh ho hoặc hắt hơi.

Nguy cơ lây nhiễm càng gia tăng khi hiện là thời điểm khởi đầu năm học, trẻ em và học sinh quay trở lại trường học và tiếp xúc thường xuyên trong môi trường cộng đồng. Vì thế, việc áp dụng các biện pháp phòng ngừa và kiểm soát cúm mùa hiện nay cần thiết hơn bao giờ hết.

Chủ quan bệnh cúm mùa có thể để lại nhiều hệ lụy khôn lường - 2

Nhiều phụ huynh đưa trẻ đi tiêm phòng bệnh cúm tại phòng tiêm chủng Thu Cúc TCI (Ảnh: TCI).

Thạc sĩ, bác sĩ Đặng Thị Kim Hạnh, trưởng đơn vị tiêm chủng Thu Cúc TCI cho biết, dịch cúm mùa thường gặp và nhiều người chưa nhận thức đầy đủ về những biến chứng có thể xảy ra khi bệnh trở nên nghiêm trọng.

Các tình trạng biến chứng như suy hô hấp, viêm phổi, hen phế quản, suy tim, đái tháo đường, viêm tai giữa, suy giảm miễn dịch... thường xuất hiện ở các đối tượng như trẻ em và người già trên 65 tuổi, cũng như nhóm người mang bệnh nền như tiểu đường, bệnh tim mạch, các bệnh mãn tính như hen và cả nhóm phụ nữ mang thai.

"Một trong những tác động nghiêm trọng của hậu Covid-19 đến sức khỏe là suy giảm hệ miễn dịch, do đó khả năng chống lại các tác nhân gây bệnh của những người từng mắc Covid-19 sẽ giảm sút đáng kể", bác sĩ Đặng Thị Kim Hạnh chia sẻ thêm.

Tiêm vaccine phòng cúm định kỳ hằng năm

Vaccine phòng cúm hoạt động bằng cách kích thích cơ thể sản xuất kháng thể đặc hiệu chống lại virus gây cúm. Sau khi tiêm vaccine, cơ thể cần khoảng 2-3 tuần để phát triển những kháng thể. Các kháng thể đặc hiệu này có khả năng trung hòa và tiêu diệt virus cúm khiến cho nguy cơ nhiễm bệnh giảm đi đáng kể, đồng thời làm giảm mức độ nặng của bệnh trong trường hợp nhiễm bệnh.

Tuy nhiên, theo thời gian, sự hiện diện của kháng thể trong cơ thể sẽ dần giảm đi, cùng với sự biến đổi của các chủng virus cúm từ năm này sang năm khác. Vì thế mà thành phần của vaccine phòng cúm cũng được cập nhật qua mỗi năm. Theo đó, tiêm vaccine phòng cúm định kỳ 1 lần/năm là cần thiết.

Chủ quan bệnh cúm mùa có thể để lại nhiều hệ lụy khôn lường - 3

WHO khuyến cáo, tiêm vaccine là biện pháp hiệu quả phòng ngừa cúm mùa (Ảnh: TCI).

Lo lắng vì sắp vào thời điểm giao mùa, cúm có nguy cơ bùng phát trở lại, chị N.T.Yến (Hà Nội) cho biết, bản thân chị từ khi trải qua dịch Covid-19 vừa qua đã nhận thức được mức độ lây lan và nguy hiểm của các bệnh truyền nhiễm. Với điều kiện phải làm việc trong môi trường văn phòng lưu thông không khí kém, nhiệt độ thấp nên chị cũng như gia đình đã chủ động đến phòng tiêm chủng Thu Cúc TCI để tiêm phòng cúm mùa.

Cục Y tế dự phòng khuyến cáo, vaccine cúm mùa là giải pháp đem lại hiệu quả vượt trội việc phòng ngừa bệnh cúm, đồng thời mang lại nhiều lợi ích về khía cạnh kinh tế, sự phát triển và bảo vệ sức khỏe thế hệ tương lai...

Vaccine cúm có khả năng phòng chống các biểu hiện nhẹ và nặng của cúm, với mức độ bảo vệ dao động từ 70-90%. Đặc biệt, việc áp dụng vaccine cúm mùa đối với những nhóm dễ nhiễm bệnh cúm nặng và có nguy cơ tử vong (bao gồm phụ nữ mang thai, trẻ em dưới 5 tuổi, người cao tuổi, bệnh nhân mãn tính và nhân viên y tế) được khuyến nghị rộng rãi.

Chủ quan bệnh cúm mùa có thể để lại nhiều hệ lụy khôn lường - 4

Mọi người từ 6 tháng tuổi trở lên nên tiêm vaccine phòng cúm hàng năm, kể cả người lớn khỏe mạnh (Ảnh: TCI).

Các bác sĩ phòng tiêm chủng Thu Cúc TCI cũng đưa ra lời khuyên, tiêm vaccine đóng vai trò quan trọng trong việc tạo ra miễn dịch tự nhiên, song song với việc áp dụng các biện pháp phòng ngừa như đeo khẩu trang khi tiếp xúc với đám đông, thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, vệ sinh mũi và họng hàng ngày bằng nước muối, duy trì chế độ ăn uống cân đối và tập thể dục để tăng cường sức kháng và cải thiện sức khỏe.

Sức khỏe chủ động là chuyên mục do Báo điện tử Dân trí và Hệ thống Y tế Thu Cúc TCI phối hợp thực hiện. Các bài viết có sự tham gia cố vấn của đội ngũ bác sĩ, chuyên gia kinh nghiệm của TCI, nhằm mang đến cho độc giả những kiến thức hữu ích về chăm sóc sức khỏe chủ động.