1. Dòng sự kiện:
  2. Công nhân Vĩnh Phúc ngộ độc tập thể

Giám đốc Sở Y tế Cần Thơ: "Bệnh nhân Tây vô bệnh viện thì… hơi căng"

Hoàng Lê

(Dân trí) - Giám đốc Sở Y tế Cần Thơ cho biết, địa phương hầu như chỉ có người Campuchia là khách ngoại quốc sang chữa bệnh, và bác sĩ giao tiếp với họ bằng tiếng Việt. Nếu bệnh nhân Tây vào viện thì… hơi căng.

Tại hội thảo Phát triển du lịch y tế Việt Nam - TPHCM, nằm trong khuôn khổ Hội chợ Du lịch quốc tế TPHCM 2023 (diễn ra từ ngày 7/9 đến ngày 9/9), tiến sĩ, bác sĩ Hoàng Quốc Cường, Giám đốc Sở Y tế Cần Thơ cho biết, 60% trong tổng số bệnh nhân khám chữa bệnh tại địa phương là người từ nơi khác.

Giám đốc Sở Y tế Cần Thơ: Bệnh nhân Tây vô bệnh viện thì… hơi căng - 1

Quang cảnh hội thảo Phát triển du lịch y tế Việt Nam - TPHCM (Ảnh: Hoàng Lê).

Khám chữa bệnh cho người Campuchia bằng… tiếng Việt

Trong đó, có hàng chục ngàn lượt bệnh nhân Campuchia đến điều trị mỗi năm. Đây cũng là nhóm khách nước ngoài duy nhất đến Cần Thơ để du lịch y tế, tính đến thời điểm này.

Bác sĩ Cường tiết lộ, khách Campuchia đến thủ phủ miền Tây điều trị bệnh qua các cửa khẩu biên giới như An Giang, Kiên Giang, Long An, với đối tượng khá đa dạng, từ người nghèo đến người có kinh tế, quan chức…

Có một thực tế đang diễn ra, là việc bác sĩ ở Cần Thơ hầu hết chỉ sử dụng chính tiếng Việt để giao tiếp, điều trị cho bệnh nhân Campuchia, thay vì dùng ngôn ngữ quốc tế là tiếng Anh.

"Chủ yếu là khám cho bệnh nhân Campuchia, họ nói được tiếng Việt. Bệnh nhân Tây vô bệnh viện thì hơi căng. Nhưng nhiều bệnh nhân Campuchia cũng muốn đi thẳng đến TPHCM để điều trị", Giám đốc Sở Y tế Cần Thơ chia sẻ với phóng viên Dân trí.

Lý giải về tình trạng trên, bác sĩ Cường cho biết, dù ngành y tế địa phương đã quan tâm trong vấn đề đào tạo ngoại ngữ, nhưng bác sĩ không có nhiều môi trường để tập luyện, giao tiếp tiếng Anh, vì không phải ngày nào cũng có bệnh nhân nước ngoài. Do đó, vấn đề cải thiện ngôn ngữ chưa có nhiều hiệu quả.

Bên cạnh đó, Cần Thơ cũng còn trở ngại nhiều về hệ thống hạ tầng. Địa phương chưa có nhiều bệnh viện chuẩn quốc tế, các cơ sở y tế cũng chưa đồng chất lượng với TPHCM. Ngoài ra, Cần Thơ cũng không có nhiều đường bay thẳng từ quốc tế về, nên việc tiếp cận khách nước ngoài còn hạn chế.

Giám đốc Sở Y tế Cần Thơ: Bệnh nhân Tây vô bệnh viện thì… hơi căng - 2

Một trường hợp bệnh nhân Campuchia điều trị tại Cần Thơ (Ảnh: BV).

Trên bình diện lớn hơn, Giám đốc Sở Y tế Cần Thơ nhận định, hiện nay nước ta đã có nhiều Việt kiều về nước chăm sóc da, làm đẹp, chăm sóc sức khỏe tổng quát.

Việt Nam có thể học hỏi mô hình "Ningen Dock" của Nhật Bản (mô hình tầm soát sức khỏe toàn diện - chuyên sâu - chi tiết - chính xác - hiệu quả) để phát triển du lịch y tế. Tại TPHCM, Bệnh viện Chợ Rẫy là nơi có trung tâm khám sức khỏe theo mô hình trên.

"Ở Nhật đã có các trung tâm, phòng khám chất lượng đặt trong các khách sạn 5 sao. Việt Nam cũng có thể làm điều này", bác sĩ Cường phân tích.

Vì sao Thái Lan thu du lịch y tế 5 tỷ USD/năm?

Ông Ruben Toral, Giám đốc hệ thống chăm sóc sức khỏe QUO (Thái Lan) cho biết, cách đây 20 năm, không ai đến Thái Lan làm dịch vụ y tế, mà chỉ đi các nước như Anh, Đức, Mỹ. Nhưng chỉ trong ngần ấy thời gian, quốc gia này đã phát triển lĩnh vực du lịch y tế mạnh mẽ.

Hiện nay, du lịch y tế mang về cho Thái Lan doanh thu 5 tỷ USD/năm, chiếm 15% thị phần du lịch y tế toàn cầu và tốc độ tăng trưởng đạt 18% mỗi năm. Để có được kết quả nêu trên, ông Ruben Toral chia sẻ, Thái Lan đã có đẩy mạnh phát triển kết hợp giữa y tế chuyên sâu, cơ sở hạ tầng với chất lượng dịch vụ.

Bác sĩ Rafi Kot, nhà sáng lập một trong những phòng khám tư đầu tiên sở hữu bởi người nước ngoài tại Hà Nội chia sẻ, Việt Nam không thua kém Thái Lan ở cơ sở hạ tầng, trang thiết bị y tế. Điều cần thay đổi là văn hóa giao tiếp với bệnh nhân và vấn đề ngôn ngữ.

Giám đốc Sở Y tế Cần Thơ: Bệnh nhân Tây vô bệnh viện thì… hơi căng - 3

Một bệnh nhân người Úc điều trị tại bệnh viện ở TPHCM (Ảnh: BV).

Để làm được điều này là cả quá trình, không phải một sớm một chiều. Y bác sĩ phải bắt đầu học nói tiếng Anh ở toàn bộ trường đào tạo y tế, các bệnh viện.

Ngoài ra, Việt Nam hiện cũng chưa có dịch vụ bảo hiểm đủ tốt trong hệ thống y tế. Do đó, càng cần cải thiện về chất lượng dịch vụ và ngôn ngữ để có những hợp đồng tốt hơn với các công ty bảo hiểm nước ngoài.

"Người nước ngoài sẽ thích đến Việt Nam sử dụng dịch vụ y tế nếu thấy thoải mái, tốt và an toàn. Đây là điều không chỉ khách du lịch cần mà với toàn bộ hệ thống y tế,

Phát triển du lịch y tế không phải là đi du lịch rồi sẵn tiện ghé bệnh viện, mà phải để người dân chủ động đến để kiểm tra sức khỏe", chuyên gia định hướng.