Hà Nội: Hơn 1.700 ca sốt xuất huyết, giám sát chặt các ổ dịch

Minh Nhật

(Dân trí) - Mặc dù số ca mắc sốt xuất huyết đã giảm trong 3-4 tuần gần đây, nhưng vẫn đang ở mức cao, người dân không được chủ quan.

Hà Nội: Hơn 1.700 ca sốt xuất huyết, giám sát chặt các ổ dịch (Video: Đoàn Thủy - Trần Vi).

Theo thông tin từ Sở Y tế Hà Nội, trong tuần qua (24/11-1/12), toàn thành phố ghi nhận 1.715 trường hợp mắc sốt xuất huyết tại 30 quận, huyện, thị xã, giảm 552 ca so với tuần trước đó.

Hà Nội cũng ghi nhận 33 ổ dịch tại 13 quận, huyện, thị xã; giảm 16 ổ dịch so với tuần trước.

Các ổ dịch ghi nhận gồm: Đống Đa (6 ổ dịch); Hoàng Mai, Hà Đông ( mỗi nơi 4 ổ dịch); Thanh Oai, Ba Đình, Hai Bà Trưng (mỗi nơi 3 ổ dịch); Sơn Tây, Chương Mỹ, Bắc Từ Liêm ( mỗi nơi 2 ổ dịch); Thường Tín, Thanh Trì, Ba Vì, Sóc Sơn (mỗi nơi một ổ dịch).

Tính từ đầu năm 2023 đến nay, thành phố Hà Nội đã ghi nhận 37.441 trường hợp mắc sốt xuất huyết và 4 ca tử vong. Số ca mắc tăng gấp 2,4 lần so với cùng kỳ năm 2022. Hà Nội ghi nhận 1.923 ổ dịch, hiện còn 88 ổ dịch đang hoạt động tại 19 quận, huyện, thị xã.

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố Hà Nội khuyến cáo rằng, mặc dù số ca mắc sốt xuất huyết đã giảm trong 3-4 tuần gần đây, nhưng vẫn đang ở mức cao, yêu cầu người dân không được chủ quan.

Bệnh nhân sốt xuất huyết cần tái khám và làm xét nghiệm hàng ngày. Nếu có dấu hiệu cảnh báo, cần nhập viện điều trị ngay.

Trong thời gian tới, Hà Nội sẽ tiếp tục tăng cường công tác giám sát phòng chống sốt xuất huyết tại các ổ dịch: Hà Đông, Tây Hồ, Phú Xuyên.

Hà Nội: Hơn 1.700 ca sốt xuất huyết, giám sát chặt các ổ dịch - 1

Tiến hành phun hóa chất diệt muỗi tại một trường học trên địa bàn phường quận Tây Hồ (Ảnh: Sở Y tế).

Đồng thời, sẽ tổ chức điều tra và xử lý kịp thời các ca bệnh, ổ dịch được ghi nhận trong tuần, để ngăn chặn sự lan rộng của dịch bệnh.

Bệnh sốt xuất huyết đến nay chưa có vaccine phòng bệnh và chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, biện pháp phòng bệnh chủ yếu và hiệu quả là diệt muỗi, diệt loăng quăng/bọ gậy và phòng muỗi đốt.

Bộ Y tế nhấn mạnh khi bị sốt xuất huyết, người dân cần đến cơ sở y tế để được khám và điều trị, không nên tự ý điều trị tại nhà.

Theo chuyên gia, sốt xuất huyết chia thành các giai đoạn (các pha) khác nhau, cụ thể:

Pha 1: Bệnh nhân sốt cao, đau đầu, khó chịu kéo dài khoảng 3 ngày. Pha này khiến bệnh nhân rất khó chịu do sốt cao, đau đầu, nôn, nhưng ít gây biến chứng nặng. Bệnh nhân chỉ cần uống thuốc hạ sốt, uống oresol.

Pha 2: Giai đoạn này xảy ra từ cuối ngày thứ 3 đến hết ngày thứ 7. 

Bệnh nhân có 2 tình trạng điển hình. Ở nhóm bệnh nhân diễn biến tốt (94% số bệnh nhân) sẽ dần khỏi.

6% bệnh nhân còn lại, nguy cơ diễn biến nặng, máu trong lòng mạch cô đặc. Nếu nặng có thể dẫn đến tụt huyết áp, sốc vì thoát dịch khỏi thành mạch.

Điều lo ngại nhất ở bệnh nhân mắc sốt xuất huyết là tình trạng sốc, thường xảy ra ở pha 2, khó theo dõi. Nếu bệnh nhân được can thiệp tốt ngay từ khi có dấu hiệu cảnh báo, chưa sốc thì phục hồi nhanh.

Nếu không phát hiện được để diễn tiến sang sốc tiên lượng vô cùng xấu, tỷ lệ cứu sống không cao.

Do đó, khi có những dấu hiệu cảnh báo sốt xuất huyết chuyển nặng người dân cần đến ngay cơ sở y tế:

- Bệnh nhân mệt: Người già có thể lờ đờ, li bì, chậm chạp. Trẻ em những ngày trước khóc nhiều bất ngờ chuyển sang mệt mỏi, chậm chạp.

- Đau tức vùng gan, đau khắp bụng.

- Nôn, buồn nôn (nôn 3 lần/8 tiếng được tính là nôn nhiều).

- Chảy máu chân răng, xuất huyết.

- Xét nghiệm thấy giảm tiểu cầu, cô đặc máu, men gan tăng.