1. Dòng sự kiện:
  2. Công nhân Vĩnh Phúc ngộ độc tập thể

Kiến ba khoang tràn vào bệnh viện tấn công bệnh nhân

(Dân trí) - Bị sốt xuất huyết phải nhập viện điều trị nhưng chưa kịp bình phục, chị H. bị kiến ba khoang tấn công khiến bệnh nặng thêm. Đại diện bệnh viện xác nhận kiến ba khoang đã xuất hiện nhiều tháng qua, bệnh viện đang bàn với Trung tâm Y tế Dự phòng lên phương án xử lý.

Ngày 16/8, anh Bùi Ngọc Tr. (36 tuổi, ngụ tại quận Thủ Đức) gọi vào đường dây nóng Báo Dân trí tại TPHCM cho biết: “Vợ tôi là Trần Thị H. (28 tuổi) bị sốt xuất huyết, nằm điều trị tại phòng dịch vụ, khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Đa khoa Khu vực Thủ Đức từ ngày 12 đến nay. Khi vợ nằm viện, tôi và người thân phát hiện trong phòng bệnh, khoa bệnh có rất nhiều kiến ba khoang. Chúng tôi biết sự nguy hiểm của loài kiến này nên đã nhiều lần phản ánh lên khoa bệnh, đề nghị bệnh viện có giải pháp xử lý để bảo vệ an toàn cho vợ tôi nói riêng và các bệnh nhân khác nói chung”.

Kiến ba khoang tràn vào bệnh viện tấn công bệnh nhân - 1

Vùng cổ bệnh nhân Trần Thị H. bị nổi mẫn, xuất hiện bóng nước sau khi bị kiến ba khoang tấn công ngay trên giường bệnh (ảnh bạn đọc cung cấp)

Anh Ngọc Tr. bức xúc: “Tuy nhiên, sau nhiều lần chúng tôi phản ánh vẫn không thấy bệnh viện có động thái nào xử lý, bầy kiến ba khoang không chỉ bò trên cửa sổ, tường nhà mà còn bò cả lên giường bệnh. Người nhà và bệnh nhân ăn không ngon, ngủ không yên cứ lo ngay ngáy bị kiến đốt, tìm cách né tránh, xua đuổi chúng. Điều tôi và mọi người lo ngại đã xảy ra, ngày hôm qua trong lúc bị sốt xuất huyết hành, vợ tôi mệt quá, ngủ thiếp đi thì bị kiến bò lên đốt vào cổ. Khi tỉnh dậy thì thấy bỏng rát, nhiều vết phồng da xuất hiện”.

Cũng theo phản ánh của anh Ngọc Tr. sau khi bị kiến tấn công vợ anh mệt nhiều hơn, sốt cao hơn. Tuy nhiên, phía bệnh viện không có giải pháp hỗ trợ điều trị cũng như xử lý tình trạng kiến tràn vào phòng bệnh. Bế tắc trong việc “cầu cứu” bệnh viện, anh Ngọc Tr. quyết định phản ánh đến báo Dân trí để lan tỏa thông tin, cảnh báo cộng đồng và bệnh nhân tại Bệnh viện Đa khoa Khu vực Thủ Đức về vấn nạn kiến ba khoang đang hoành hành tại đây.

Kiến ba khoang tràn vào bệnh viện tấn công bệnh nhân - 2

Kiến ba khoa bò trên tường bệnh viện, thân nhân người bệnh ghi lại hình ảnh

Trao đổi với phóng viên,  đường dây nóng của bệnh viện (0966141010) cho biết: “Kiến ba khoang đã xuất hiện trong bệnh viện từ những tháng mùa hè đến nay. Chúng tôi có nhận được thông tin bệnh nhân phản ánh về sự xuất hiện của kiến ba khoang. Hiện mới chỉ ghi nhận một trường hợp phản ánh bị kiến đốt, phòng Hành chính của bệnh viện đã xuống làm việc với người nhà. Bệnh viện đang bàn phương án phối hợp với Trung tâm Y tế Dự phòng để phun thuốc diệt kiến”.

Sau những đề xuất của phóng viên đề nghị cung cấp thông tin chi tiết về tình hình kiến ba khoang xuất hiện trong bệnh viện; tình trạng sức khỏe của người bệnh bị kiến tấn công; các giải pháp hỗ trợ chăm sóc, điều trị cho bệnh nhân sau khi bị kiến đốt; phương án cảnh báo cho người bệnh và thân nhân trong bệnh viện trước nguy cơ bị kiến đốt; giải pháp diệt kiến bảo vệ an toàn cho người bệnh và người nuôi bệnh. Đại diện bệnh viện cho biết sẽ chuyển thông tin để phòng Hành chính có hồi đáp. Tuy nhiên, hiện chưa nhận được phản hồi từ bệnh viện.

Kiến ba khoang tràn vào bệnh viện tấn công bệnh nhân - 3

Bệnh viện Đa khoa Khu vực Thủ Đức nơi bạn đọc phản ánh kiến ba khoang đang hoành hành

Để phòng chống kiến ba khoang, Cục Y tế Dự phòng khuyến cáo, nếu có sự hiện diện của kiến ba khoang trong khu vực, nên thay đèn huỳnh quang bằng đèn có ánh sáng màu vàng vì kiến ba khoang rất thích ánh sáng đèn huỳnh quang nên chúng bay vào trong nhà theo ánh đèn, đậu vào quần áo, khăn mặt, giường chiếu, chăn màn. Tránh đứng dưới bóng đèn sáng nơi công cộng, nếu bất đắc dĩ phải làm việc vào ban đêm, người dân nên mang đồ bảo hộ khi làm việc dưới ánh đèn.

Trong nọc và dịch cơ thể của kiến ba khoang chứa pederin - một loại chất độc gây rộp, phỏng da, viêm da. Khi phát hiện kiến ba khoang bám trên người, hay quần áo, đồ đạc trong nhà, không nên dùng tay bắt, giết kiến, không chà xát chúng trên da mà nên dùng các vật dụng để kẹp bắt kiến, xua đuổi chúng ra khỏi cơ thể, rửa vùng da tiếp xúc với kiến bằng xà bông. Nếu lỡ tay đập hoặc chà xát xác kiến trên da, phải nhanh chóng rửa sạch nơi tiếp xúc để hạn chế chất độc gây tổn thương khi tiếp xúc với những vùng da lành.

Vân Sơn