Thủ tục KCBMP cho trẻ dưới 6 tuổi:

Rườm rà và nhiêu khê đến bao giờ?

(Dân trí) - Hành trình vất vả để có được tấm thẻ KCBMP mới chỉ là khởi đầu bởi mỗi khi đưa trẻ đến khám, bố mẹ sẽ phải có thêm 3 - 4 loại giấy tờ và phải kê khai thêm một hồ sơ dài …4 trang mà chỉ để nhận mấy viên thuốc cảm.

Hành trình lắt léo   Không phải đến bây giờ, vấn đề về thủ tục KCBMP cho trẻ dưới 6 tuổi mới được đưưa ra bàn luận. Thế nhưng, sau hơn một năm thực thi, thủ tục KCBMP cho trẻ dưới 6 tuổi vẫn chưa hết… rườm rà.   Uỷ ban Dân số Gia đình và Trẻ em (UBDSGĐ&TE)) Hà Nội cho biết, trong số 14 quận, huyện trên địa bàn thành phố thì quận Hai Bà Trưng nơi được coi là đã hoàn thành việc cấp phát thẻ KCBMP nhanh nhất thì thời gian làm thủ tục cũng mất khoảng 2 tuần, còn lại những nơi khác thời gian tiến hành làm các thủ tục phải mất trên 3 tuần. Riêng đối với trẻ sơ sinh thì quá quá trình làm thẻ sẽ mất ít nhất gần 2 tháng.   Bà Nguyễn Thị Xuyến, Phó Giám đốc TTYT quận Hoàn Kiếm cho biết, để tấm thẻ KCBMP đến tay người dân, nó đã phải trải qua rất nhiều khâu theo quy định, đó là 3 ngày đầu, từng phường lập danh sách, có giấy khai sinh (nếu trẻ ở nơi khác đến địa bàn phường thường xuyên trong vòng 6 tháng trở lên phải có bản photo khai sinh gốc) gửi về quận.   Sau vài ngày, UBDSGĐ&TE quận chuyển về từng phường, danh sách trẻ em được quyền nhận thẻ để kiểm tra độ chính xác của thông tin. Sau đó, phường gửi lại bản danh sách đã kiểm tra và xác nhận về lại UBDSGĐ&TE. Nhận được xác nhận của phường rồi, “ông” quận mới tiếp tục chuyển thẻ in chính thức về phường để trình ký và đóng dấu của Chủ tịch UBND phường. Đến lúc này hành trình mới được một nửa.   Số thẻ này lại tiếp tục hành trình quay trở lại quận sau khi ban DSGĐ&TE phường đã ký, đóng dấu. Rồi tại phiên giao ban định kỳ hàng tháng, quận sẽ gửi lại thẻ đã được ép hoàn chỉnh cho Ban DSGĐ&TE của từng phường… Cuối cùng, phải mất gần 10 ngày nữa, thẻ KCBMP mới đến tay từng hộ gia đình.   Bà Nguyễn Thị Thanh Hương, Chủ nhiệm UBDSGĐ&TE Hà Nội cho rằng, để giảm bớt những thủ tục không cần thiết, việc cấp phát thẻ KCBMP cho trẻ dưới 6 tuổi có thể sẽ giao cho phường, xã trực tiếp quản lý bằng hệ thống tin học. Cách làm này đã được thí điểm ở quận Cầu Giấy và UBDSGĐ&TE Hà Nội. Theo bà Hương thì cách quản lý này sẽ đem lại hiệu quả cao và giảm được rất nhiều thời gian cũng như công sức cho khâu quản lý hành chính.   Khai 4 trang hồ sơ để nhận mấy viên thuốc cảm   “Tôi đã chứng kiến không ít trường hợp ở nhiều bệnh viện (BV), bệnh nhi bị cảm sốt thông thường và đến khám chỉ để nhận mấy viên thuốc cảm, vậy mà phải kê khai đủ thứ giấy tờ…”, ông Nguyễn Viết Chức, Phó chủ nhiệm UBVHGD Thanh thiếu niên và Nhi đồng Quốc hội than thở.   Chị Phạm Bích Thảo (Hà Nội) cho biết: Khi đưa con đi khám bệnh bằng thẻ KCBMP, ngoài việc phải kê khai mẫu hồ sơ dài đến 4 trang giấy chị còn phải mang đủ hồ 3- 4 loại giấy tờ như thẻ KCBMP, giấy khai sinh, hồ sơ bệnh án cũ… thì mới được khám.   Đã không ít trường hợp trẻ em nghèo bị bệnh nặng ở các tỉnh muốn lên khám bằng thẻ KCBMP tại các bệnh viện TW phải ngậm ngùi quay về hoặc bỏ tiền túi để khám dịch vụ vì không có đủ các loại giấy tờ theo yêu cầu chung.   Theo ông Chức, chính những thủ tục hành chính lằng nhằng này khiến nhiều gia đình ngại đưa con đến khám, chữa bệnh bằng thẻ tại các TTYT hoặc BV mà chuyển sang KCB cho con tại các BV và phòng khám tư  cho nhanh.   Trong khi vấn đề KCBMP vẫn còn đang gây tranh cãi và rối rắm như hiện nay thì phó giám đốc Sở Tài chính Hà Nội Trần Thị Lê Trinh đề nghị: “Nên chăng chuyển công việc này sang bảo hiểm y tế. Thuận lợi là hệ thống chính sách, thanh toán chi phí đã có sẵn. Bác sĩ chỉ phải lo khám chữa bệnh”!?   Có thể thấy, vấn đề KCBMP cho trẻ em dưới 6 tuổi dù đã có một thời gian dài vận hành nhưng vẫn nảy sinh nhiều rắc rối và tranh cãi. Và thiệt thòi nhất có lẽ chính là số trẻ được hưởng các chính sách này. Không biết đến khi nào thì các cháu mới thực sự được tạo điều kiện để KCBMP một cách dễ dàng, đơn giản. 

Phạm Thanh