Siêu thị ngừng bán sản phẩm của Johnson & Johnson

(Dân trí) - Trao đổi với phóng viên Dân trí chiều qua, ông Nguyễn Thái Dũng, Phó Tổng Giám đốc Big C cho biết, hiện tại, toàn bộ sản phẩm sữa tắm, dầu gội của Johnson & Johnson tại siêu thị đã được thu gom, ngừng bán ra cho khách hàng.

Người tiêu dùng dè dặt với dầu tắm, gội trẻ em

Ông Dũng cho biết, sau khi nhận được thông tin sữa tắm, dầu gội của Johnson & Johnson có chứa chất Formaldehyd và 1,4 -dioxane, các chất này có thể gây hại cho sức khỏe, siêu thị Big C đã tiến hành thu gom tất cả các sản phẩm sữa tắm, dầu gội của hãng được bày bán tại siêu thị. Đồng thời có văn bản gửi đến đại diện Johnson & Johnson tại Việt Nam yêu cầu cung cấp rõ thông tin.

Theo ông Dũng, dù chưa có thông tin phản hồi chính thức từ phía công ty sản xuất cũng như nhà quản lý nhưng việc thu hồi, tạm ngừng bàn sản phẩm này là cần thiết để bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng, đặc biệt là trẻ em. Ngay sau khi có thông báo chính thức từ những bên liên quan, siêu thị Big C sẽ có thông báo chính thức về việc bán hay không bán loại mặt hàng này.

Trong khi đó, hệ thống bán lẻ tại các quầy tạp hóa, cửa hàng mỹ phẩm... phản ứng rất dè dặt với thông tin này. Theo khảo sát của phóng viên Dân trí tại các hàng mỹ phẩm lớn như Cẩm Tú (khu vực Thanh Xuân, Giảng Võ), các quầy hàng bán đồ sơ sinh, trẻ em... mặt hàng này vẫn được bày trên kệ bán. Tuy nhiên, theo chủ cửa hàng, mức tiêu thụ có giảm xuống.

Chị Mai (nhà CT2A, Văn Quán) cho biết: Ngay sau khi đọc được thông tin Tổ chức xã hội vì sự an toàn mỹ phẩm thuộc Hiệp hội bảo vệ người tiêu dùng của Mỹ phản ánh về một số sản phẩm mỹ phẩm của một số công ty như Johnson & Johnson, L’oreal chứa chất formaldehyd và 1,4-dioxane gây hại cho sức khỏe người dùng, chị đã ngừng ngay không dám sử dụng cho con và cũng không dám sử dụng sản phẩm cùng loại của hãng khác.

“Dù chưa biết chính xác như thế nào, lại thấy nói hàm lượng chất đó ở mức rất thấp nhưng nghe đến khả năng gây ung thư cho người dùng là đã thấy run. Vì thế, tôi quay về sử dụng phương pháp truyền thống là tắm lá sài đất, mướp đắng, chè xanh... cho bé. Nhưng quả thật, gội đầu bằng những loại nước này, tóc bé rất cứng, bết. Vì thế, cách ngày, tôi sử dụng một chút dầu gội đầu cho thơm tho, còn tắm hoàn toàn bằng các loại lá”, chị Mai chia sẻ.

Tập trung “hậu kiểm” về chất lượng

Ông Trương Quốc Cường, Cục trưởng Cục Quản lý Dược Việt Nam, cho biết: "Dù đến thời điểm này, theo báo cáo sơ bộ ban đầu của các cơ sở sản xuất kinh doanh mỹ phẩm cho thấy, các sản phẩm mỹ phẩm phân phối ở thị trường Việt Nam có hàm lượng formaldehyd nằm trong giới hạn cho phép. Nhưng Cục Quản lý Dược sẽ tăng cường công tác “hậu kiểm” về chất lượng sản phẩm mỹ phẩm nói chung, dầu tắm, gội trẻ em nói riêng xem có đạt đúng tiêu chuẩn mà nhà sản xuất công bố khi xin nhập khẩu vào Việt Nam.

Về quản lý các mặt hàng mỹ phẩm tại Việt Nam, ông Cường cho biết: Ngày 2/9/2003, Bộ trưởng Bộ Thương mại Trương Đình Tuyển, thay mặt Chính phủ Nước cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã ký kết Hiệp định hoà hợp Asean trong quản lý mỹ phẩm. Để triển khai Hiệp định tại Việt Nam, ngày 31/12/2007, Bộ trưởng Bộ Y tế đã ký Quyết định số 48/2007/QĐ-BYT về việc ban hành Quy chế Quản lý mỹ phẩm và có hiệu lực thi hành từ ngày 10/3/2008. Về cơ bản, nội dung của Quy chế phù hợp với Hiệp định Hoà hợp Asean trong quản lý mỹ phẩm, hình thức quản lý được chuyển từ “tiền kiểm” sang “hậu kiểm”.

Theo đó, các tổ chức, cá nhân phải thực hiện công bố với cơ quan có thẩm quyền trước khi đưa mỹ phẩm ra lưu thông trên thị trường; các tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm đưa sản phẩm ra thị trường phải hoàn toàn chịu trách nhiệm về chất lượng sản phẩm mỹ phẩm trước cơ quan quản lý Nhà nước và người tiêu dùng; các cơ quan quản lý nhà nước như Thanh tra y tế, Quản lý thị trường, Hải quan, Công An kinh tế, Bộ đội biên phòng... có trách nhiệm phối hợp chặt chẽ để thực hiện việc thanh tra, kiểm tra giám sát chất lượng mỹ phẩm từ khâu sản xuất, nhập khẩu và lưu thông trên thị trường.

Vì thế, trong trường hợp phát hiện dầu gội có chứa chất độc hại, công ty sản xuất phải chịu trách nhiệm hoàn toàn về sản phẩm của mình. Cục Quản lý Dược cũng đã nhận được phản hồi của Văn phòng đại diện Johnson & Johnson tại Việt Nam với khẳng định: Tất cả các sản phẩm của họ đều an toàn.

Hơn nữa, tại Việt Nam  không có tiêu chuẩn riêng cho các chất này trong mỹ phẩm mà tuân theo tiêu chuẩn chung của khối ASEAN. Nếu ứng theo tiêu chuẩn này thì các sản phẩm trên đều thấp hơn ngưỡng cho phép. Vì thế, tại Việt Nam, các sản phẩm này chưa phải thu hồi.

Tuy nhiên, để nắm bắt tình hình chặt chẽ hơn, trong ngày 19/3, Bộ Y tế đã ký liên tiếp hai quyết định thành lập đội công tác đặc nhiệm thanh, kiểm tra đột xuất việc thực hiện các quy định hành nghề dược, mỹ phẩm, trang thiết bị y tế và các cơ sở hành nghề y tư nhân tại một số tỉnh, thành phố. 

Theo đó, các đội thanh, kiểm đặc nhiệm này sẽ tập trung thanh, kiểm tra về việc thực hiện quy chế chuyên môn như quản lý chất lượng thuốc, đăng ký thuốc, quy định về nhãn thuốc... Đối với mỹ phẩm và trang thiết bị y tế, công tác thanh, kiểm tra sẽ tập trung việc hậu kiểm về công bố tiêu chuẩn chất lượng...

“Trong trời gian tới, cơ quan quản lý sẽ tiến hành lấy mẫu, xét nghiệm xác minh chất lượng các sản phẩm trong danh sách chứa hóa chất không cần thiết. Đồng thời, Cục Quản lý Dược vẫn tiếp tục phối hợp với cơ quan quản lý dược các nước theo dõi và có các biện pháp kịp thời ngay khi có kết luận chính thức về tính an toàn của sản phẩm”, ông Cường cho hay.

Hồng Hải