1. Dòng sự kiện:
  2. Công nhân Vĩnh Phúc ngộ độc tập thể

Thức ăn hè phố - Đâu đâu cũng bẩn!

(Dân trí) - Tận mắt nhìn đôi tay cáu bẩn, móng tay đen nhẻm của chủ 1 quán phở, người vừa ít phút trước đó chơi bài, hút thuốc lào, tôi bịt miệng, lắc đầu không dám ăn. Cậu bạn đi cùng an ủi: "Thôi cố ăn chút cho khỏi đói, quán nào chẳng vậy”.

Đa số bị nhiễm bẩn

 

Thức ăn đường phố được bày bán nhan nhản trên vỉa hè các con phố. Các quán cơm rang, bún, phở, bánh cuốn ngay trên vỉa hè các phố Kim Liên, Nguyễn Quý Đức, đường Láng... mọc lên nhan nhãn, sẵn sàng đáp ứng nhu cầu của thực khách bất cứ lúc nào. Khách hàng cứ vô tư "thưởng thức" món ăn lẫn với bụi và khói dày đặc bởi mật độ xe qua lại quá đông.

 

Theo khuyến cáo của PGS.TS Trần Đáng, Cục An toàn Vệ sinh thực phẩm, thức ăn đường phố phần lớn đều bị nhiễm bẩn do bụi, khói, do chế biến không đảm bảo vệ sinh.

 

Tại diễn đàn sức khoẻ môi trường mới đây tại Hà Nội, ông Đáng đưa ra những con số ảnh hưởng của thực phẩm tới sức khoẻ cộng đồng khiến không ít người phải giật mình.

 

Theo một kết quả khảo sát của Cục An toàn vệ sinh thực phẩm cho thấy, tỉ lệ thực phẩm chín bày bán trên đường phố nhiễm E.coli với tỷ lệ rất cao:

 

- Tại TPHCM, kem ký bán ở cổng trường tiểu học tỷ lệ số mẫu nhiễm E.coli là 96,7%; kem que bán ở cổng trường tiểu học 83,3%; thức ăn sẵn bán ở đường phố 90,0%.

 

- Thức ăn chín đường phố Hà Nội cũng không “kém cạnh” với tỷ lệ nhiễm khuẩn E.coli cao: món nộm thập cẩm với tỷ lệ 78,0%; nem chua 88,0%; giò, nem chạo 88,0%...

 

- Đặc biệt, tình trạng một số thức ăn sẵn nhiễm khuẩn ở Nam Định “đạt tới” con số 100%, như các món nem chạo, nem chua, lòng lợn chín.

 

Theo ông Đáng, sở dĩ thực phẩm chế biến sẵn có tỷ lệ nhiễm E.coli cao đến vậy là do việc chế biến không đảm bảo tuân thủ theo quy trình vệ sinh. Thực phẩm đã chế biến sẵn bán tại các chợ, đường phố là rất phổ biến, trong khi đó, điều kiện vệ sinh cơ sở, vệ sinh dụng cụ chế biến và vệ sinh cá nhân người trực tiếp chế biến thực phẩm chưa bảo đảm.

 

Cũng theo một kết quả điều tra do Cục An toàn vệ sinh thực phẩm cho thấy, tỷ lệ bàn tay người làm dịch vụ thực phẩm nhiễm khuẩn E.coli cũng rất ”ấn tượng”:

 

- Tại Hà Nội tỷ lệ bàn tay người làm dịch vụ thực phẩm thức ăn đường phố nhiễm E.coli là 43,42%; người làm trong khách sạn, nhà hàng là 62,5%; trong bếp ăn tập thể là 40%.

 

- Còn tại TPHCM, tỷ lệ bàn tay người chế biến thực phẩm nhiễm loại khuẩn này là 67,5%.

 

Nguồn lây bệnh

 

Đó là lời khẳng định của rất nhiều chuyên gia sức khoẻ trước tình trạng nhiễm bẩn thức ăn đường phố ngày càng thêm trầm trọng.

 

Ăn thức ăn bị nhiễm bẩn, nhiễm khuẩn, người bệnh có nguy cơ bị ngộ độc thực phẩm rất cao. Tại Trung tâm chống độc (Bệnh viện Bạch Mai), không ngày nào là không có trường hợp bị ngộ độc thức ăn hè phố.

 

Việc chế biến thực phẩm không đảm bảo vệ sinh, tay người chế biến thực phẩm bẩn… là nguồn lây bệnh rất lớn khi mà:

 

- Tỷ lệ người bán hàng bốc bốc thức ăn bằng tay là 67,3 %

 

- Không rửa tay trước khi chế biến thức ăn là 46,1%

 

- Tỷ lệ móng tay dài là 22,5%

 

- Tỷ lệ nhổ nước bọt, xỉ mũi là 26,7%.

 

Với thực trạng chế biến thức ăn như thế, việc bị ngộ độc thực phẩm, nhiễm bệnh đường ruột, nhiễm các loại giun, sán qua thức ăn hè phố là điều khó tránh khỏi.

 

Không những thế, thức ăn hè phố còn có tỷ lệ dùng các chất bảo quản, chất chống mốc, phụ gia không an toàn rất cao.

 

Trên thực tế, từ năm 1999 - 2005, số người bị ngộ độc thực phẩm luôn ở mức báo động. Trong 5 năm, có trên 1.530 vụ ngộ độc thực phẩm với 35.010 người mắc, trong đó, gần 400 trường hợp bị tử vong. Trong những số ca ngộ độc thực phẩm này, nguyên nhân do thức ăn hè phố chiếm tỷ lệ rất lớn.

 

Ăn thực phẩm không đảm bảo vệ sinh rất dễ nhiễm các bệnh như tả, thương hàn, tiêu chảy.... Số liệu thống kê tại Cục An toàn vệ sinh thực phẩm cho thấy, từ năm 1997 - 2005:

 

- Tổng số người nhiễm bệnh tả qua thực phẩm là 1.151 trường hợp

 

- Nhiễm bệnh thương hàn là 99.054 trường hợ (tử vong 69 người);

 

- Nhiễm bệnh tiêu chảy là 8.844.566 trường hợp (tử vong 183 người...).

 

- Ngoài ra, tỷ lệ nhiễm các bệnh sán lá gan, sán lá phổi, giun các loại và các bệnh nhiễm trùng thực phẩm khác cũng chiếm một tỷ lệ rất cao trong cộng đồng.

 

Theo ông Đáng, để bảo vệ người tiêu dùng khỏi nguồn bệnh, cần nâng cao ý thức cả người chế biến thực phẩm và người tiêu dùng. Đồng thời cần tăng cường kiểm tra, thanh tra, có chế tài xử phạt nghiêm khắc với những cơ sở chế biến thực phẩm không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, từng bước nâng cao chất lượng thức ăn đường phố, đảm bảo không ảnh hưởng xấu tới sức khoẻ cộng đồng.

 

Hồng Hải