TPHCM chi tiền hỗ trợ bắt muỗi: Hiểm nguy khi dùng người làm "mồi"

Hoàng Lê

(Dân trí) - Theo chuyên gia Viện Pasteur TPHCM, ngoài bắt muỗi đêm, trong lĩnh vực y tế còn có hoạt động bắt muỗi ban ngày, để phòng chống 2 dịch bệnh khác nhau. Cán bộ đi bắt muỗi có nguy cơ mắc bệnh nguy hiểm.

Mới đây, tại kỳ họp thứ 11 của HĐND TPHCM khóa X, nghị quyết quy định nội dung chi, mức chi một số hoạt động y tế - dân số trên địa bàn giai đoạn 2023-2025 đã được thông qua.

Trong đó, TPHCM dự kiến chi hỗ trợ người làm mồi và người đi bắt muỗi đêm 130.000 đồng/người/đêm; chi hỗ trợ người trực tiếp phun, tẩm hóa chất diệt muỗi bằng 1,5 lần mức lương tối thiểu vùng.

Ngoài ra, chi hỗ trợ người trực tiếp thực hiện các hoạt động vệ sinh môi trường, diệt bọ gậy, lăng quăng tại hộ gia đình và trong các đợt tổ chức chiến dịch với 3.000 đồng/hộ/lần.

TPHCM chi tiền hỗ trợ bắt muỗi: Hiểm nguy khi dùng người làm mồi - 1

Nhân viên y tế đang làm mồi người bắt muỗi trong nhà (Ảnh: HCDC).

Bắt muỗi để làm gì?

Thông tin trên khiến dư luận chú ý. Một số ý kiến thắc mắc việc bắt muỗi nói chung và bắt muỗi đêm có mục đích, ý nghĩa gì để được hỗ trợ?

Trao đổi với phóng viên Dân trí, thạc sĩ Lý Huỳnh Kim Khánh, phụ trách khoa Côn trùng và Động vật Y học, Viện Pasteur TPHCM cho biết, bắt muỗi trong lĩnh vực y tế, dân số hiện nay có 2 hoạt động chính, là bắt muỗi trong hoạt động phòng chống sốt xuất huyết và bắt muỗi trong phòng chống bệnh sốt rét.

Theo hướng dẫn của Bộ Y tế, bắt muỗi trong phòng chống sốt xuất huyết chủ yếu thực hiện vào ban ngày, còn bắt muỗi trong phòng chống sốt rét thực hiện vào ban đêm.

Mục đích chung của hoạt động bắt muỗi là xác định thành phần loài, mật độ, diễn biến các chỉ số quần thể muỗi theo thời gian tại điểm các điểm được giám sát. Từ đó, ngành y tế sẽ đưa ra biện pháp phòng chống dịch kịp thời, hiệu quả.

Từ khi thành lập vào năm 2010, khoa Côn trùng và Động vật Y học, Viện Pasteur TPHCM đã triển khai hoạt động bắt muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết tại các điểm giám sát trọng điểm hàng tháng.

Ngoài ra, Viện cũng tiến hành bắt muỗi giám sát hoạt động phòng chống sốt xuất huyết tại 20 tỉnh, thành khu vực phía Nam. Hầu hết các cán bộ của khoa trên đều tham gia hoạt động bắt muỗi.

TPHCM chi tiền hỗ trợ bắt muỗi: Hiểm nguy khi dùng người làm mồi - 2

Từ hoạt động bắt muỗi giám sát, ngành y tế sẽ đưa ra biện pháp phòng chống dịch kịp thời, hiệu quả (Ảnh: HCDC).

Đại diện Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TPHCM (HCDC) cho biết thêm, để phục vụ giám sát, điều tra muỗi truyền bệnh sốt rét, nhân viên chuyên trách có thể dùng những phương pháp khác nhau.

Điển hình như bắt muỗi trú đậu trong nhà ngày và đêm, bắt ở ngoài vào ban ngày, ở chuồng gia súc ban đêm; dùng bẫy đèn, bẫy màn bắt muỗi. Đặc biệt là lấy thân mình làm mồi cho muỗi đốt máu ban đêm để bắt.

Phương pháp dùng mồi người bắt muỗi đêm được thực hiện theo hướng dẫn của Bộ Y tế về giám sát và phòng chống sốt rét, ban hành tại Quyết định số 4922/QĐ-BYT ngày 25/10/2021. Theo đó, người bắt muỗi phải bộc lộ các phần cơ thể (tay, chân…) để dẫn dụ muỗi bay đến bám đậu, chích hút máu để bắt.

Muỗi sau khi bắt về sẽ được xác định thành phần loài, tính mật độ muỗi để phục vụ giám sát, điều tra, hoặc dùng thử nghiệm sinh học, xác định mức nhạy cảm của muỗi đối với hóa chất và đánh giá hiệu lực diệt tồn lưu của hóa chất.

Cũng theo HCDC, trước đây, người làm mồi và người đi bắt muỗi đêm được hỗ trợ 130.000 đồng/người/đêm theo quy định của Bộ Tài chính về quản lý và sử dụng kinh phí sự nghiệp thực hiện Chương trình mục tiêu Y tế - Dân số giai đoạn 2016-2020.

Tuy nhiên hiện nay, Thông tư nói trên hết hiệu lực. Do đó, TPHCM đưa ra đề xuất hỗ trợ khác.

TPHCM chi tiền hỗ trợ bắt muỗi: Hiểm nguy khi dùng người làm mồi - 3

Nhân viên y tế phối hợp bắt muỗi ở vị trí trong nhà (Ảnh: HCDC).

Hiểm nguy khi dùng "mồi" bắt muỗi là người

Người phụ trách khoa Côn trùng và Động vật Y học, Viện Pasteur TPHCM tiết lộ, cán bộ đi bắt muỗi có nguy cơ bị mắc các bệnh do muỗi truyền (sốt rét, sốt xuất huyết) nếu bị muỗi mang ký sinh trùng/virus Dengue chích.

Vì vậy, để tự bảo vệ khỏi nguy cơ trên, cán bộ y tế phải mặc áo dài tay, thoa kem chống muỗi phần da hở để tránh muỗi đốt.

Còn theo thông tin từ Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng Quy Nhơn, thực tế cán bộ, kỹ thuật viên côn trùng không cần thiết phải chờ đến khi muỗi truyền bệnh đốt người rồi mới bắt, mà có thể bắt muỗi ngay khi chúng vừa đậu lên chân (với phương pháp dùng mồi người bắt muỗi).

Hiện nay, các nhà khoa học khuyến cáo nên sử dụng chỉ số tỷ lệ muỗi đậu lên da thay thế cho chỉ số tỷ lệ muỗi đốt người để thực hiện phương pháp mồi người bắt muỗi ban đêm. Bên cạnh đó, để giảm thiểu sự nguy hiểm, người đi bắt muỗi cần tự bảo vệ bằng cách uống thuốc dự phòng sốt rét.

TPHCM chi tiền hỗ trợ bắt muỗi: Hiểm nguy khi dùng người làm mồi - 4

Cán bộ đi bắt muỗi có nguy cơ bị mắc các bệnh do muỗi truyền như sốt rét, sốt xuất huyết (Ảnh minh họa: HCDC).

Các chuyên gia chia sẻ, mỗi người dân cần chủ động, tích cực, trách nhiệm và thường xuyên thực hiện các biện pháp đơn giản để phòng bệnh sốt xuất huyết Dengue (SXHD) và cả bệnh do virus Zika bằng cách diệt lăng quăng, diệt muỗi, qua các hành động đơn giản.

Để diệt lăng quăng, mỗi gia đình mỗi tuần bỏ ra 10 phút để kiểm tra, phát hiện, đậy kín dụng cụ chứa nước sinh hoạt, thả cá vào dụng cụ chứa nước lớn, súc rửa dụng cụ chứa nước vừa và nhỏ.

Ngoài ra, cần thu dọn các vật dụng, lật úp dụng cụ không chứa nước xung quanh nhà; thay nước bình hoa/bình bông, bỏ muối hoặc dầu vào chân chén.

Để diệt muỗi, có thể dùng vợt bắt muỗi, xịt hóa chất diệt muỗi; tích cực phối hợp với ngành y tế trong các đợt phun hóa chất phòng, chống dịch. Cần ngủ màn, mặc quần áo dài kể cả ban ngày, dùng kem xua muỗi, hương muỗi để phòng bị muỗi đốt.

"Người dân cần hợp tác tốt với cơ quan y tế trong các đợt ra quân chiến dịch diệt lăng quăng và xử lý ổ dịch sốt xuất huyết hay Zika", thạc sĩ Lý Huỳnh Kim Khánh nói.