1. Dòng sự kiện:
  2. Công nhân Vĩnh Phúc ngộ độc tập thể

Vào bệnh viện ở TPHCM bán thuốc lậu: Có bác sĩ tiếp tay vì lòng tham?

Hoàng Lê

(Dân trí) - Nhiều bác sĩ tại TPHCM cho biết, đã từng được trình dược viên chào mời thuốc lậu. Họ nhận định có cầu mới có cung, và vì tiền khiến một bộ phận nhân viên y tế tiếp tay cho cái xấu.

Liên quan đến phản ánh của Dân trí về việc có đối tượng ngang nhiên vào Bệnh viện Chợ Rẫy chào mời mua thuốc lậu và cho biết đã tuồn thuốc ung thư trôi nổi đến nhiều bệnh viện, các bác sĩ công tác tại hệ thống y tế công lập ở TPHCM đã có những ý kiến, nhận định xoay quanh câu chuyện này.

Vào bệnh viện ở TPHCM bán thuốc lậu: Có bác sĩ tiếp tay vì lòng tham? - 1

Bệnh nhân chờ lấy thuốc tại Bệnh viện Chợ Rẫy, TPHCM (Ảnh: BV).

Mua thuốc lậu cho bệnh nhân dùng vì tiền?

Chia sẻ với phóng viên, Trưởng khoa Ung bướu một bệnh viện đa khoa ở TPHCM cho biết, thỉnh thoảng có một số trình dược viên đến khoa giới thiệu thuốc trị ung thư, nói là "hàng xách tay", không có giấy tờ và cam kết chất lượng.

Để đảm bảo an toàn, lãnh đạo khoa không lấy loại thuốc này cho bệnh nhân dùng, đồng thời cũng không cho trình dược viên gặp trực tiếp bệnh nhân. Kể cả trường hợp thiếu thuốc, bệnh nhân sẽ được bác sĩ kê toa và hướng dẫn ra nhà thuốc để mua.

Bệnh nhân cũng được khuyến cáo yêu cầu nhà thuốc có trách nhiệm trong việc chứng minh, đảm bảo nguồn gốc. "Thuốc nếu mua bên ngoài, trước khi truyền cho bệnh nhân, chúng tôi cũng sẽ kiểm tra hoạt chất và hàm lượng rồi mới tiến hành sử dụng điều trị", nguồn tin cho biết.

Còn lãnh đạo một khoa tại Bệnh viện Ung bướu TPHCM thì chia sẻ, những bác sĩ chuyên khoa Nội và các bác sĩ ngồi phòng khám sẽ không xa lạ gì với tình trạng chào mời và sử dụng thuốc lậu, thuốc trôi nổi. Ông cho rằng, có cầu thì có cung.

Vào bệnh viện ở TPHCM bán thuốc lậu: Có bác sĩ tiếp tay vì lòng tham? - 2

Một bảng giá "thuốc song song, không hóa đơn" được mang vào Bệnh viện Chợ Rẫy chào mời (Ảnh: CTV).

Một nhân viên y tế công tác lâu năm tại Bệnh viện Chợ Rẫy tiết lộ, cách đây vài tháng - thời điểm tình trạng thiếu thuốc rất căng thẳng, các thuốc đường tiểu ngạch đã âm thầm len lỏi vào bệnh viện, khi nhiều bác sĩ tìm đến nguồn này để bệnh nhân có thêm cơ hội điều trị.

Tuy nhiên khi tình trạng thiếu thuốc được giải quyết, việc dùng thuốc lậu dường như vẫn tiếp diễn.

Bác sĩ này nhận định, ngoài quy luật "cung - cầu" và lý do dễ dàng khi tiếp cận, không thể không nhắc đến vấn đề lợi ích. Hay nói thẳng ra, có một bộ phận nhân viên y tế vì "tham" mà để bệnh nhân dùng thuốc lậu.

"Như báo đã viết, thuốc lậu khi được chiết khấu và kê giá lên sẽ giúp bác sĩ có tiền lời mỗi khi bán cho bệnh nhân. Nhưng nhiều loại thuốc bên ngoài, dù giá có kê lên vẫn rẻ hơn thuốc trong bệnh viện rất nhiều, rẻ một cách khó hiểu.

Có thuốc trị ung thư phổi, bệnh nhân sau khi trừ tiền bảo hiểm y tế phải đóng hàng chục triệu đồng, nhưng mua bên ngoài chỉ vài triệu. Giá như vậy, không thể không nghi ngờ chất lượng thuốc", bác sĩ trên nói.

Vào bệnh viện ở TPHCM bán thuốc lậu: Có bác sĩ tiếp tay vì lòng tham? - 3

Bệnh nhân đến điều trị tại Trung tâm Ung bướu, Bệnh viện Chợ Rẫy (Ảnh: Hoàng Lê).

Nhập thuốc đường chính ngạch tốt sẽ đẩy lùi thuốc lậu

Thậm chí, nhân viên y tế trên còn tiết lộ, có những bác sĩ mở phòng mạch chỉ cho bệnh nhân dùng thuốc lậu, và xem đây là một trong những nguồn thu nhập chính.

Trong khi đó, người bệnh sẽ có tâm lý tin tưởng vào chuyên môn thầy thuốc, nên họ nói sao, kê thuốc gì sẽ nghe vậy. Điều này dẫn đến việc kê toa "linh tinh", không sát với tình trạng sức khỏe, để người bệnh buộc phải tiếp cận nguồn thuốc không chính thống.

"Tôi biết một bác sĩ tên V. mở phòng khám nội tổng hợp tại phường 14 quận 3, cứ khám cho bệnh nhân xong sẽ kê luôn thuốc lậu cho họ, rồi gọi xe ôm lấy từ kho giao đến. Trong khi đó theo quy định, nhiệm vụ của bác sĩ là ra toa, không được bán thuốc", nguồn tin dẫn chứng.

Từ thực tế trên, vị bác sĩ cho biết, để đẩy lùi tình trạng bán thuốc trôi nổi không rõ chất lượng, ngoài sự vào cuộc của cả cơ quan quản lý dược và quản lý y tế, người hành nghề y cần có đạo đức nghề nghiệp.

Đồng thời, bản thân người bệnh cũng phải tỉnh táo. Khi muốn mua hay sử dụng bất kỳ loại thuốc nào cũng cần kiểm tra kỹ xuất xứ, hạn sử dụng, tem nhãn, giấy tờ chứng nhận của thuốc.

Vào bệnh viện ở TPHCM bán thuốc lậu: Có bác sĩ tiếp tay vì lòng tham? - 4

Bệnh nhi điều trị ung thư tại Bệnh viện Nhi đồng 2 (Ảnh: Hoàng Lê).

Bác sĩ chuyên khoa 2 Nguyễn Đình Văn, Trưởng khoa Ung bướu Huyết học, Bệnh viện Nhi đồng 2 (TPHCM) bày tỏ, thuốc lậu, thuốc không rõ không nguồn gốc, xuất xứ tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ.

Nguy cơ thứ nhất là việc thuốc có thể bị làm giả. Thứ hai, nếu là thuốc thật thì việc bảo quản ở các kho bãi cũng không đảm bảo như trong môi trường bệnh viện, nhà thuốc đạt chuẩn về y tế, nên có thể bị hư hỏng, không còn hiệu quả điều trị bệnh.

Bác sĩ Văn chia sẻ, riêng trong lĩnh vực ung thư, có nhiều loại thuốc điều trị là thuốc hiếm, nguồn cung không nhiều và việc nhập khẩu phải đáp ứng đầy đủ quy định về mua sắm, đấu thầu. Do đó, sẽ có lúc xảy ra tình trạng thiếu thuốc, khiến người bệnh phải tìm các nguồn khác ngoài bệnh viện.

Ngoài kiểm soát tốt trong vấn đề kinh doanh dược, bác sĩ Văn cho rằng, cần có thêm nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ cho việc mua sắm, cung ứng thuốc được đảm bảo.

Khi việc mua thuốc đường chính ngạch tốt, người dân thuận lợi tiếp cận với thuốc chính thống cũng góp phần đẩy lùi tình trạng mua bán và sử dụng thuốc lậu.