Vào trường nội trú giúp 1.200 học sinh dân tộc thiểu số tránh nạn tảo hôn

Biên Thùy

(Dân trí) - Theo lãnh đạo Sở Y tế tỉnh Đắk Nông, tình trạng tảo hôn diễn ra phổ biến đối với dân tộc H'Mông trên địa bàn địa phương này. Ngoài ra, tình trạng kết hôn cận huyết thống vẫn còn xảy ra.

Trao đổi với phóng viên Dân trí chiều 3/1, bác sĩ chuyên khoa 2 Huỳnh Thanh Huynh, Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh Đắk Nông cho biết, trong năm qua đơn vị đã tham gia thực hiện dự án "giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi", thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025.

Vào trường nội trú giúp 1.200 học sinh dân tộc thiểu số tránh nạn tảo hôn - 1

Hoạt động tuyên truyền kiến thức về kế hoạch hóa gia đình cho người dân tộc thiểu số tại Đắk Nông năm 2023 (Ảnh: Sở Y tế Đắk Nông).

Theo số liệu của Cục Thống Kê tỉnh Đắk Nông, dân số trung bình của địa phương ước tính đến năm 2023 là gần 682.000 người. Tỉnh có 40 dân tộc, trong đó dân tộc thiểu số chiếm hơn 32,5% dân số. Đắk Nông có dân số khu vực thành thị thấp, dân tộc thiểu số chiếm tỷ lệ cao gần gấp đôi so với dân số khu vực thành thị.

Đáng chú ý, tình trạng tảo hôn diễn ra phổ biến đối với dân tộc H'Mông trên địa bàn tỉnh Đắk Nông, trong khi một số dân tộc khác vẫn còn thực trạng này (tỷ lệ thấp hơn). Ngoài ra, việc kết hôn cận huyết thống vẫn chưa được xóa bỏ, dù chỉ còn tỷ lệ rất thấp.

Để giảm thiểu vấn nạn trên, tại tiểu dự án 9.2, Sở Y tế tỉnh Đắk Nông đã phối hợp với huyện đoàn Đắk Rlấp tổ chức truyền thông về tình trạng tảo hôn, kết hôn cận huyết thống và hệ lụy cho thanh niên tại xã Quảng Tín.

Sở cũng tổ chức nói chuyện về dân số - Kế hoạch hóa gia đình đối với 400 người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số tại các xã Đắk Plao, xã Đắk Ha (huyện Đắk Glong), xã Đắk Mol (huyện Đắk Song) và xã Đắk Nrot (huyện Đắk Mil).

Vào trường nội trú giúp 1.200 học sinh dân tộc thiểu số tránh nạn tảo hôn - 2

Những buổi nói chuyện chuyên đề tảo hôn, kết hôn cận huyết, kế hoạch hóa gia đình được mang đến nhiều khu vực và cả các trường dân tộc nội trú (Ảnh: Sở Y tế tỉnh Đắk Nông).

Bên cạnh đó, những buổi nói chuyện chuyên đề tảo hôn, kết hôn cận huyết thống còn được mang đến trường dân tộc nội trú các huyện Đắk Glong, Đắk Rlấp, Đắk Song và Krông Nô, với tổng số trên 1.200 em học sinh tham dự.

Kế đến, ngành y tế tỉnh cũng quan tâm tổ chức lớp tập huấn nâng cao chuyên môn, nghiệp vụ và tuyên truyền nội dung về giảm tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống cho hàng trăm cộng tác viên dân số tại huyện Krông Nô, Tuy Đức và Đắk Glong.

Theo lãnh đạo Sở Y tế Đắk Nông, nhìn chung các hoạt động triển khai có hiệu quả, được nhân dân nhiệt tình hưởng ứng tham gia, phù hợp với tình hình thực tế địa phương có đông đồng bào dân tộc thiểu số. Ngoài ra, nhờ các ngành, các cấp quan tâm chỉ đạo nên việc triển khai hoạt động thuận lợi.

Sở Y tế đề xuất UBND tỉnh Đắk Nông tạo điều kiện cấp kinh phí, để đơn vị triển khai các hoạt động truyền thông, tập huấn nâng cao nhận thức của người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số mang lại hiệu quả tốt hơn.

Theo Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình tỉnh Đắk Nông, công tác truyền thông, giáo dục về dân số tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn gặp nhiều khó khăn do bất đồng ngôn ngữ, còn tồn tại nhiều phong tục tập quán lạc hậu;

Do địa hình nhiều đồi núi, dân cư sống rải rác không tập trung nên còn khó khăn cho việc đi lại, đặc biệt là việc tiếp cận với những vùng dân cư ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồi núi có người mới nhập cư sinh sống. Từ đó đã ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng truyền thông dân số ở cơ sở.

Khó khăn lớn nhất trong quá trình triển khai các hoạt động mô hình truyền thông dân số tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số là sự thiếu hụt về mặt nhân lực.