Việt Nam trở thành thành viên của Liên đoàn Vật lý trị liệu thế giới

Hà An

(Dân trí) - Ông Trần Văn Dần, Chủ tịch Hội Vật lý trị liệu Việt Nam cho biết, vật lý trị liệu can thiệp vào tất cả các giai đoạn của sức khỏe từ phòng bệnh, chữa bệnh, phục hồi chức năng...

Chẳng hạn, tập luyện phòng ngừa cong vẹo cột sống ở tuổi học đường, phòng ngừa tim mạch, hô hấp, tiểu đường, mỡ máu, phòng té ngã tuổi già…

Chữa bệnh không dùng thuốc là dùng các phương pháp vật lý trong các bệnh cơ xương khớp, thần kinh... như: Thoát vị đĩa đệm, đau thần kinh tọa, đau cổ vai gáy, hội chứng đường hầm cổ chân, cổ tay, đông cứng khớp vai, các chấn thương thể thao...

Ví như các bệnh lý của dân văn phòng, vật lý trị liệu hỗ trợ rất hiệu quả. Ngồi làm việc duy trì một tư thế lâu 7 - 8 tiếng/ngày, cộng thêm thói quen lười vận động khiến nhiều dân văn phòng mắc các những bệnh lý về xương khớp như đau lưng, đau vai gáy…

Dân văn phòng, những người hay phải ngồi làm việc nhiều, sử dụng máy tính thường xuyên chủ yếu gặp các vấn đề về đốt sống lưng và đốt sống cổ. Cụ thể, do khối lượng đầu mặt cổ đè lên cột sống cổ, khối lượng toàn thân đè lên cột sống lưng trong thời gian dài có thể gây co cứng cơ liên tục, thoái hóa cột sống lưng, cột sống cổ. Sự chèn ép này cũng gây phình đĩa đệm dẫn đến thoái hóa đĩa đệm.

Ngoài ra, khi làm việc nhiều giờ với máy tính, việc hai bàn tay phải gõ phím và dùng chuột liên tục cũng sẽ khiến các khớp bàn tay bị đau nhức.

Việt Nam trở thành thành viên của Liên đoàn Vật lý trị liệu thế giới - 1

Tư thế ngồi sai và tư thế ngồi đúng khi làm việc với máy tính (Ảnh: System).

Thông thường độ tuổi trung bình khi bị thoái hóa khớp là 45 - 50 tuổi nhưng hiện nay dân văn phòng mới bước sang tuổi 35 đã gặp những triệu chứng của căn bệnh này.

Các động tác vận động giữa giờ là một biện pháp hữu hiệu giúp dân văn phòng phòng ngừa các vấn đề sức khỏe đặc trưng. Thời điểm này cần vai trò của vật lý trị liệu, vừa điều trị vừa có các bài tập phòng ngừa cho giới văn phòng ngồi lâu.

Theo ông Dần, vật lý trị liệu cũng bao gồm cả phục hồi chức năng cho người khuyết tật như người bị đột quỵ, chấn thương tủy sống, bại liệt, bại não, nứt đốt sống, cong vẹo cột sống, bàn chân bẹt, Parkinson…

Việt Nam trở thành thành viên của Liên đoàn Vật lý trị liệu thế giới - 2

Ông Trần Văn Dần, Chủ tịch Hội Vật lý trị liệu Việt Nam (ngồi đầu tiên từ trái sáng) tại đại hội (Ảnh: N.J).

Mới đây, tại Dubai, Các tiểu vương quốc Arab Thống nhất đã diễn ra đại hội lần thứ 20 của Liên đoàn Vật lý trị liệu thế giới. Đây là hoạt động diễn ra mỗi 4 năm của liên đoàn. Đại hội quy tụ đại diện từ 129 quốc gia thành viên trên thế giới để thảo luận về các vấn đề liên quan.

Mục tiêu là để giúp ngành vật lý trị liệu ngày càng phát triển nhằm bảo vệ sự an toàn cho người bệnh, tối đa hóa chức năng của mọi người và nâng cao sức khỏe toàn dân. Hội Vật lý trị liệu Việt Nam trở thành thành viên chính thức của Liên đoàn Vật lý trị liệu thế giới kể từ tháng 1/2021.

Trong quá trình diễn ra đại hội, các chuyên gia cũng đã chia sẻ những thành công trong việc thay đổi nhìn nhận của xã hội về chuyên viên vật lý trị liệu. Theo đó, xóa bỏ tên gọi kỹ thuật viên (technician) để trở thành đúng nghĩa là nhà trị liệu (therapist). Đồng thời, cũng được công nhận tính tự chủ trong hành nghề chuyên môn và hợp tác hiệu quả với các nhân viên y tế khác với nguyên tắc lấy người bệnh làm trung tâm và thực hành dựa trên chứng cứ.