81% máy tính cá nhân tại Việt Nam không có bản quyền phần mềm

(Dân trí) - Riêng trong năm 2013, có tới 81% các phần mềm được cài đặt trên các máy tính cá nhân tại Việt Nam là không có giấy phép. Việt Nam đang siết chặt vấn đề quản lý vi phạm bản quyền phần mềm.

Theo điều tra, khảo sát Phần mềm Toàn cầu của Liên minh phần mềm (BSA) mới công bố, tại Việt Nam, trong năm 2013, tỷ lệ máy tính cài đặt phần mềm không có giấy phép lên tới 81% ( bằng với tỷ lệ trong năm 2011). Giá trị thương mại của số lượng phần mềm không có giấy phép được cài đặt cũng lên tới 620 triệu USD

“Tốc độ gia tăng cao của số người tiêu dùng (các hộ gia đình/ cá nhân) sử dụng máy tính cá nhân (9%) và số lượng máy tính trôi nổi không rõ nguồn gốc (10%) đã tạo áp lực làm tăng tỷ lệ phần mềm không có giấy phép tại Việt Nam. Tuy nhiên, với những nỗ lực rất lớn của Chính phủ Việt Nam và các cơ quan chức năng trong việc kiểm soát việc sử dụng phần mềm có giấy phép trong khối doanh nghiệp, nên đã giữ được tỷ lệ tổng thể không tăng…” - Ông Đào Anh Tuấn, đại diện BSA tại Việt Nam nói.

Kết quả điều tra, khảo sát cũng cho thấy, tỉ lệ phần mềm máy tính cá nhân được cài đặt không có giấy phép hợp thức trên toàn cầu đã tăng từ mức 42% trong năm 2011 lên 43% trong năm 2013. Giá trị thương mại của phần mềm không có giấy phép  được cài đặt trong năm 2013 là 62,7 tỉ USD.

Việt Nam đang siết chặt vấn đề quản lý vi phạm bản quyền phần mềm.

Việt Nam đang siết chặt vấn đề quản lý vi phạm bản quyền phần mềm.

BSA cho biết, điều tra năm nay đã tiến hành lấy ý kiến người sử dụng máy tính tại 34 thị trường trong đó có Việt Nam; thực hiện trên gần 22.000 đối tượng người tiêu dùng, người sử dụng máy tính tại các doanh nghiệp và hơn 2.000 nhà quản lý CNTT.

Theo ông Trần Văn Minh, Phó Chánh thanh tra Bộ Văn hóa, Thể thao & Du lịch, tính đến cuối năm 2013, trong giai đoạn 5 năm, lực lượng thanh tra liên ngành đã tiến hành thanh tra, kiểm tra 338 doanh nghiệp, kiểm tra 14,562 máy tính và xử phạt với tổng số tiền phạt lên tới 3,5 tỷ đồng.

Đơn cử, vào cuối năm 2013 đã diễn ra vụ kiện ra tòa đầu tiên để xử lý vi phạm trong lĩnh vực bản quyền phần mềm. Chỉ hai tháng sau, vụ kiện đã khép lại khi Công ty Gold Long John đã chấp thuận xin lỗi công khai và đền bù 100% giá trị phần mềm vi phạm cho chủ sở hữu. Như vậy, sau 9 năm xử lý hành chính, vụ việc này khẳng định hệ thống pháp luật Việt Nam đã sẵn sàng cho việc xử lý vi phạm bản quyền phần mềm nghiêm khắc hơn.

Phạm Thanh