DNews

Chuyên gia hàng đầu về AI hiến kế giúp Việt Nam tiếp cận trí tuệ nhân tạo

Đoàn Trung Nam

(Dân trí) - Việt Nam ngày càng hội nhập với thế giới, để chúng ta có vị thế trong cuộc đua toàn cầu về AI đòi hỏi sự đầu tư phối hợp chặt chẽ giữa các doanh nghiệp và Chính phủ.

Chuyên gia hàng đầu về AI hiến kế giúp Việt Nam tiếp cận trí tuệ nhân tạo

Một trong những thách thức mà Việt Nam gặp phải trong việc ứng dụng AI để phát triển kinh tế, xã hội chính là chưa có sẵn kho dữ liệu.

Yếu tố mấu chốt chính là chúng ta cần thu thập, tổng hợp, tinh chỉnh và "làm sạch" dữ liệu để có thể sử dụng một cách hiệu quả. 

Câu chuyện này cần sự vào cuộc, hợp tác giữa các doanh nghiệp và Chính phủ, đảm bảo  đủ nguồn lực đầu tư vào cơ sở hạ tầng, giúp chia sẻ lợi ích AI mang lại trong cộng đồng. 

Việt Nam cần hành động để có vị thế trong cuộc đua AI toàn cầu

Chia sẻ với phóng viên bên lề Tuần lễ Khoa học VinFuture 2023, Chủ tịch Hội đồng điều hành Telangana AI Mission (T-AIM) Graphic, Tiến sĩ Padmanabhan Anandan chỉ ra 3 điều giúp Việt Nam có vị trí trong cuộc đua AI toàn cầu:

Thứ nhất, Việt Nam cần có một hạ tầng số bền vững, nó được dùng để thu thập, lưu trữ và chia sẻ dữ liệu. Đây là một vấn đề rất quan trọng trong công nghệ trí tuệ nhân tạo. 

Chuyên gia hàng đầu về AI hiến kế giúp Việt Nam tiếp cận trí tuệ nhân tạo - 1

Cơ sở hạ tầng dữ liệu phục vụ cho công cụ trí tuệ nhân tạo Gemini mới ra mắt của Google (Ảnh: Google).

Thứ hai, chúng ta phải có một hệ sinh thái toàn diện và sôi động. Các doanh nghiệp, công ty khởi nghiệp cần một môi trường thuận lợi giúp họ phát triển ý tưởng đột phá về công nghệ, những đổi mới sáng tạo có thể dẫn đầu.

Môi trường thuận lợi ở đây chính là sự chung tay của cộng đồng, doanh nghiệp và Chính phủ.

"Mọi ý tưởng nếu như chúng không được ươm mầm, hỗ trợ để phát triển thì chúng sẽ mãi nằm đó và không trở thành một giải pháp để đóng góp cho cộng đồng", Tiến sĩ Anandan khẳng định. 

Cuối cùng, liên quan đến lĩnh vực chăm sóc sức khỏe, y tế công cộng. Khi một đất nước có một hạ tầng dữ liệu như vậy, chúng ta phải có một quá trình tập huấn, đào tạo bài bản cho đội ngũ y bác sĩ, điều dưỡng.

Họ có thể sử dụng những hạ tầng về công nghệ đó, mang lại chất lượng tốt hơn trong dịch vụ chăm sóc sức khỏe cho người dân. Tôi nghĩ đó là ba bước quan trọng mà một đất nước như Việt Nam cần thực hiện. 

AI hiện nay đang rất phổ biến, tất cả mọi người, doanh nghiệp, tập đoàn lớn đều muốn tham gia vào cuộc đua này, làm cho công nghệ AI trở nên ngày càng hoàn hảo hơn. 

Chuyên gia hàng đầu về AI hiến kế giúp Việt Nam tiếp cận trí tuệ nhân tạo - 2

Để chiến thắng trong cuộc đua này trên toàn cầu không phải là một điều dễ dàng, do các công cụ AI phục vụ trong một lĩnh vực rất nhiều, việc dự đoán công nghệ nào sẽ đồng hành cùng con người là một vấn đề khó. 

"Trước đây chúng ta đã biết đến một công nghệ trí tuệ nhân tạo là deep-learning. Nó được sử dụng trong rất nhiều lĩnh vực liên quan đến giám sát và theo dõi. Trong cộng đồng chúng ta nhiều người nói rằng, việc phát triển quá nhiều công nghệ đôi lúc nó khiến họ cảm thấy bị làm phiền. 

Điều này cho chúng ta biết rằng, không ai biết chắc chắn xu hướng công nghệ trong tương lai sẽ phát triển cụ thể như thế nào? Trong 5 năm tới sẽ là thời điểm mà con người chứng minh những công nghệ nào sẽ tồn tại và công nghệ nào sẽ biến mất", Tiến sĩ Padmanabhan Anandan chia sẻ. 

Như tại Việt Nam, chúng ta biết đến công cụ ChatGPT là một công nghệ AI hỗ trợ rất mạnh về mặt ngôn ngữ. Nhưng hiện nó chưa được tích hợp nhiều ngôn ngữ khác.

"Trong cuộc đua này, việc tích hợp tiếng Việt vào trong ChatGPT sẽ không tự động xảy ra nếu các doanh nghiệp lớn cũng không muốn đầu tư vào lĩnh vực này. Khi đó, nó đòi hỏi nỗ lực của Chính phủ và đây là điểm mấu chốt mà tôi muốn nói rằng, Việt Nam cần hành động để có được thành tựu, vị thế của riêng mình trong cuộc đua về AI", Anandan giải thích. 

Con người có thể biến AI thành vũ khí hủy diệt?

Mọi khía cạnh của cuộc sống ngày nay đều liên quan đến AI như việc mua sắm, thuê một chiếc ô tô, giao dịch ngân hàng, chụp một bức ảnh từ smartphone... Trong lĩnh vực y tế, ngày càng có nhiều phương pháp điều trị và chẩn đoán được thực hiện bằng trí tuệ nhân tạo hay các doanh nghiệp vận hành trên nền tảng AI.

AI đã trở thành một phần của mọi khía cạnh của cuộc sống. Nó đang thay đổi cách chúng ta làm mọi việc giúp con người trở nên khác biệt, có được năng suất công việc tốt và hiệu quả hơn. Thực tế nó đang thay đổi những gì chúng ta làm, cách chúng ta sống.

Tiến sĩ Padmanabhan Anandan cho rằng: "AI tùy thuộc vào cách con người sử dụng. Nó giúp chúng ta làm mọi việc tốt, nhanh và hiệu quả hơn hay cho phép người dùng có phạm vi tiếp cận lớn hơn như những người không có quyền truy cập vào một số dịch vụ nhất định có thể có được nhờ AI. 

Chuyên gia hàng đầu về AI hiến kế giúp Việt Nam tiếp cận trí tuệ nhân tạo - 3

Máy bay không người lái (UAV) tích hợp AI đang là vũ khí đáng sợ trong các cuộc xung đột.

Tuy nhiên, nhiều người đã sử dụng AI vào mục đích xấu như chia rẽ mọi người, tuyên truyền những thông tin sai sự thật, tin giả".

Theo Anandan, bản thân AI không phải là mối đe dọa đối với con người. Bởi vì nó giống như bất kỳ công nghệ nào khác, đây là một công cụ. Nó có một lượng kiến thức đáng kinh ngạc, học hỏi từ những gì chúng ta làm. Trong nghiên cứu khoa học, AI thực sự đang có những tiến bộ vượt bậc.

Nhưng AI có thể bị con người lợi dụng để làm điều xấu như vũ khí hóa như bất kỳ công cụ nào khác. Điều này, có thể biến AI thành một vũ khí hủy diệt.

"Dù thực tế AI được coi là một vũ khí rất mạnh, nhưng khởi nguồn của nó không đến từ chính công nghệ này mà do con người.

AI có thể là vũ khí mạnh hơn vũ khí hạt nhân vì nó là vũ khí thông tin và kẻ xấu lợi dụng để làm việc xấu", Tiến sĩ Anandan khẳng định. 

AI: Mối đe dọa với an ninh toàn cầu

Chuyên gia hàng đầu về AI hiến kế giúp Việt Nam tiếp cận trí tuệ nhân tạo - 4

Tiến sĩ Anandan, thành viên Hội đồng Giám khảo Giải thưởng VinFuture 2023 trong buổi gặp mặt với báo chí.

Theo tiến sĩ Anandan, tự thân AI sẽ không trở thành mối đe dọa đối với an ninh toàn cầu. Chúng ta đều phải hiểu rõ toàn cầu là gì? Nó sẽ bao gồm nhiều quốc gia, nhiều chủ thể, nhiều các bên liên quan khác nhau.

Chắc chắn rằng, không một cá nhân hay một chủ thể nào đó có thể làm chủ được thế giới. Nhưng vẫn có một xác suất xảy ra, đó là những người muốn sử dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo vào những mục đích xấu.

Về bản thân AI, chúng không thể trở thành một mối đe dọa vì chúng được thiết kế để phục vụ con người.

"AI sẽ không trở thành một mối đe dọa đối với an ninh toàn cầu, mà đó chính là công nghệ vũ khí sinh học và vũ khí nguyên tử, chính hai điều đó mới là mối đe dọa đối với chúng ta", Tiến sĩ Anandan thông tin.