Điện tử viễn thông VN: Thiếu sân chơi cho những anh tài?

(Dân trí) - Lần đầu tiên một cuộc hội thảo mang tên “Tầm nhìn điện tử Việt Nam 2006” nhằm định hướng phát triển cộng đồng điện tử vừa được Diễn đàn Điện tử Việt Nam (www.dientuvietnam.net) tổ chức tại Hà Nội.

Hội thảo không chỉ giúp các bạn sinh viên ngành điện tử lắng nghe, học hỏi, giao lưu với những người có kinh nghiệm là những vị khách mời, những giảng viên trẻ, giới doanh nghiệp trong ngành mà còn là một cuộc offline quy mô lớn của một diễn đàn hàng đầu về điện tử viễn thông với gần 5.000 thành viên tham gia thường xuyên.

 

Cuộc hội thảo tập trung vào vấn đề khá “nóng” là tầm nhìn, tương lai của ngành điện tử viễn thông nước nhà. Với trình độ phát triển hiện tại, tầm của điện tử Việt Nam vẫn chưa có một vị trí nào đáng kể trong khu vực và trên thế giới.

 

Đó là thực trạng một nền công nghệ điện tử với những kỹ sư trẻ đầy nhiệt huyết nhưng thiếu điều kiện học hỏi, nâng cao tay nghề để tạo ra những sản phẩm có tính ứng dụng và thương mại cao. Nhiều kỹ sư trẻ ra trường thiếu “sân chơi”, thậm chí việc thực hành trên những thiết bị tiến tiến đối với họ chỉ là những điều trong mơ.

 

Kỹ sư Bình Anh, một trong những thành viên điều hành diễn đàn Điện tử Việt Nam cho biết, Chính phủ và Bộ BC-VT đã có những văn bản định hướng phát triển CNTT và ĐTVT tầm nhìn đến 2020 nhưng dường như vẫn thiên về phát triển CNTT mà bỏ ngõ lĩnh vực ĐTVT.

 

“Với định hướng như vậy thì đến 2020 chúng ta vẫn khó mà bước đi đều trên hai chân được. Nền tảng để phát triển công nghệ phần mềm là phần cứng nhưng thị trường này vẫn còn bỏ ngõ, mạnh ai nấy làm. Để đạt đến trình độ chuyên môn hóa và tự động hóa cao như các nước khác thì bản thân các doanh ngiệp và đội ngũ kỹ sư trong ngành điện tử khó có thể làm được, họ cần có một “cú hích” từ cơ chế chính sách” - kỹ sư Bình Anh nhận xét.

 

Cùng với những vấn đề vĩ mô được đem ra thảo luận, đông đảo sinh viên tham dự hội thảo lại quan tâm đến những kinh nghiệm của người đi trước truyền lại. Đó là vốn kiến thức quý báu mà học hỏi được từ góc kinh nghiệm của diễn đàn và qua giao lưu trực tiếp với các “thần tượng” của mình.

 

T.Đ.