Tìm ra gene giúp con người phát triển ngôn ngữ

(Dân trí) - Một nhóm các khoa học về thần kinh vừa phát hiện loại gene có thể là lời giải cho khả năng độc nhất của loài người về việc phát triển, truyền đạt và hiểu ngôn ngữ.

Tất cả các loài động vật đều có sự giao tiếp với nhau, nhưng duy nhất con người có khả năng tạo ra và hiểu ngôn ngữ. Foxp2 là một trong những gen mà các nhà khoa học tin rằng có thể góp phần vào việc phát triển các kỹ năng ngôn ngữ. Gene này lần đầu tiên được xác định trong một nhóm các thành viên gia đình những người gặp khó khăn nghiêm trọng trong việc nói và hiểu tiếng nói và được phát hiện mang một phiên bản đột biến của gene Foxp2.

Tìm ra gene giúp con người phát triển ngôn ngữ

Theo bà Ann Graybiel - Giáo sư Viện MIT, thành viên của Viện Nghiên cứu Não McGovern, tác giả chính của nghiên cứu, gene Foxp2 có thể là mấu chốt giúp con người học ngôn ngữ, chẳng hạn như chúng ta nghe được từ “cái cốc” khi được đưa cho xem một cốc nước, chúng ta sẽ gần như tự động liên tưởng từ đó với các vật có hình dáng và tính năng như những cái cốc. “Đây thực sự là một sự khởi đầu quan trọng để chứng minh rằng cấu tạo gene cho phép chúng ta nói cũng có thể khiến cho chúng ta có khả năng học và liên hệ về mặt nhận thức để có thể tự động hành động dựa trên những tín hiệu xung quanh chúng ta”, bà Graybiel nói.

Vào năm 2009, ông Svante Paabo - Giám đốc Viện Nhân chủng học Tiến hóa Max Planck cùng các cộng sự đã tạo ra những con chuột mang gen Foxp2 của người, loại gen có tính năng mã hóa loại protein khiến những con chuột này khác với các con chuột bình thường khác. Sau đó, các nhà khoa học đã phát hiện ra rằng những con chuột mang gen Foxp2 có nhánh não thần kinh chỉ huy khả năng giao tiếp của con người ở vùng vân – khu vực não liên quan đến sự hình thành thói quen – có xu hướng dài hơn.

Các nhánh não này cũng có xu hướng hoạt động tốt hơn trong việc hình thành những khớp thần kinh mới hoặc các kết nối giữa các tế bào thần kinh. Bên cạnh đó, các nhà khoa học còn nhận thấy rằng những con chuột mang gene Foxp2 học được cách chạy trong mê cung hình chữ T tốt hơn, nơi mà những con chuột phải quyết định rẽ trái hoặc phải ở một ngã ba hình chữ T, dựa trên cấu trúc của tầng mê cung, để kiếm được một phần thưởng thức ăn. Những con chuột mang gen Foxp2 của người biểu hiện giống như những con chuột thường khi chỉ cần một loại trí nhớ, nhưng chúng lại thể hiện vượt trội khi cần chuyển đổi những trí nhớ thành thói quen thường xuyên. Do đó, các nhà khoa học nhận định rằng gene Foxp2 có thể góp phần khiến việc chuyển đổi từ hành động trí óc sang thành những thói quen hành vi.

Protein do Foxp2 sản xuất là một nhân tố sao chép, nó có thể bật và tắt các gen khác. Trong nghiên cứu này, các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng gene Foxp2 xuất hiện để bật gen liên quan đến các quy định về kết nối khớp thần kinh giữa các tế bào thần kinh. Ngoài ra, hoạt động của dopamine cũng được tăng cường trong một phần vùng vân có liên quan tới sự hình thành các hành vi thường xuyên. Đồng thời, các tế bào thần kinh của một số vùng vân có thể được tắt trong một thời gian lâu hơn, điều này cần thiết cho việc học những nhiệm vụ mới và hình thành ký ức. Các nhà nghiên cứu tin rằng những thay đổi này có thể giúp "điều chỉnh" bộ não thích ứng với lời nói và ngôn ngữ. Hiện các nhà khoa học đang tiếp tục nghiên cứu làm thế nào Foxp2 có thể tương tác với gen khác để tạo hiệu ứng của nó đối với việc học và sử dụng ngôn ngữ.

Nghiên cứu trên được cho rằng đã "cung cấp những cách thức mới để suy nghĩ về sự tiến hóa của chức năng gen Foxp2 trong não". Ông Genevieve Konopka - Trợ lý giáo sư về khoa học thần kinh tại Đại học Y Tây Nam Texas - là một người không tham gia nghiên cứu trên nhận xét: "Nghiên cứu trên cho thấy rằng gene Foxp2 của người tạo điều kiện cho việc học và dẫn đến lời nói và ngôn ngữ ở người. Những sự khác nhau các mức dopamine và sự trầm cảm kéo dài trong một vùng hay một loại cụ thể được quan sát thấy cũng bắt đầu cung cấp những chi tiết cơ học về việc làm thế nào mà sự tiến hóa phân tử của một gene có thể dẫn đến những thay đổi trong hành vi”.
 
Hà Anh