Tâm điểm
Hoàng Anh Tú

Lòng tốt chờ… phê duyệt!

Hơn 130 tỷ đồng là số tiền quyên góp nhằm hỗ trợ cho các nạn nhân, gia đình nạn nhân trong vụ cháy chung cư mini phố Khương Hạ. Vụ cháy xảy ra đêm 12/9/2023, kênh tiếp nhận quyên góp đóng lại ngày 16/10.

"Thương người như thể thương thân", những đồng tiền hỗ trợ đã nhanh chóng được người dân cả nước gửi đi sau vụ hỏa hoạn thảm khốc, nhưng việc giải ngân như thế nào thì đang đợi thành phố phê duyệt phương án.

Theo quy định, việc giải ngân sẽ được thực hiện trong vòng không quá 20 ngày kể từ ngày kết thúc quyên góp. Như vậy là muộn nhất, ngày 4/11/2023 số tiền nói trên sẽ được giải ngân.

Cho đến nay theo thông tin được cung cấp bởi đại diện MTTQ thành phố Hà Nội thì quy trình là hoàn toàn đúng theo hướng dẫn tại Nghị định số 93/2021/NĐ- CP về vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng các nguồn đóng góp tự nguyện hỗ trợ khắc phục khó khăn do thiên tai, dịch bệnh, sự cố, hỗ trợ bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo.

Lòng tốt chờ… phê duyệt! - 1

Người dân mang nhiều đồ dùng thiết yếu, thực phẩm đến quyên góp cho các nạn nhân và gia đình nạn nhân trong vụ cháy chung cư mini khiến 56 người tử vong (Ảnh: Mạnh Quân).

Cứ đúng luật thì sẽ chẳng sợ sai, hơn nữa mọi thứ cần được rà soát và làm theo các bước chặt chẽ. Tôi hoàn toàn đồng tình quan điểm này.

Chỉ là những người dân đã gửi tiền hỗ trợ chắc là đang mong rằng sự hảo tâm của mình không những đến đúng địa chỉ mà còn kịp thời. Chúng ta không nói thay các nạn nhân vụ cháy và gia đình của họ, nhưng theo lẽ thường, bất cứ ai trong hoàn cảnh khó khăn cũng cần sự hỗ trợ đến với mình kịp thời nhất có thể.

Không phải tự nhiên mà nhiều đại biểu Quốc hội đã quan tâm về vấn đề này. Đơn cử, đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) cho rằng các đơn vị liên quan cần xem xét để sớm giải ngân, đưa tận tay số tiền ủng hộ đến các nạn nhân và gia đình trong vụ cháy chung cư mini ở quận Thanh Xuân. "Nếu chi đúng đối tượng với tâm trong sáng thì không sợ sai. Quá trình giải ngân, có vướng mắc ở đâu thì phải sửa ngay", ông nói.

Cũng như đại biểu Hòa, những ngày này mạng xã hội và báo chí đã có nhiều ý kiến chia sẻ sự nóng lòng khi dõi theo quá trình thực hiện phương án hỗ trợ.

Đúng luật. Điều đó là tốt. Cũng như số tiền hơn 130 tỷ đồng cần được trao đúng người, đúng mức. Tiền từ thiện luôn là thứ nhạy cảm vì nó mang trên mình lòng tốt của hàng nghìn người. Những ai thực hiện quá trình này đều phải trách nhiệm với từng đồng được trao, nhất là khi "phải xét theo hàng thừa kế, mức độ thiệt hại cũng như nhiều tiêu chí khác". Ở đây số tiền rất lớn nên càng phải trách nhiệm cao hơn. Bởi chỉ một sơ sảy, một sơ suất, một sai sót thôi cũng thành điều tiếng, thành vi phạm pháp luật.

Nói vậy để thấy rằng công việc của cơ quan MTTQ liên quan đến quá trình tiếp nhận, đề xuất phương án, triển khai hỗ trợ là vô cùng vất vả. Tất cả công việc này không dễ như chúng ta nói với nhau trên mạng xã hội. Những đề xuất kiểu như dùng hơn 130 tỷ đồng đó xây lại một chung cư mini xịn xò, an toàn, cho tất cả cư dân được ở miễn phí 10 năm-20 năm, nghe qua thì hay nhưng liệu có đúng luật và có khả thi, hơn nữa có được sự đồng thuận của các nạn nhân và gia đình nạn nhân?

Công việc này càng không phải chia bổ theo đầu người; hay không phải hơn 130 tỷ đồng giải ngân một lần cho hết. Bởi số tiền đó ngoài cứu trợ tức thời còn là cứu trợ lâu dài, như những đứa trẻ mất cha mẹ cần được nuôi ăn học đến khi đủ 18 tuổi, như những người già mất con cái, hết nương dựa cậy vào thu nhập của con, phải được tiếp tục sống. Và còn nhiều nữa những trường hợp, hoàn cảnh mà chi bao nhiêu, hỗ trợ thế nào đều cần lên phương án cụ thể, đúng luật, hợp lý.

Nhưng. Trách nhiệm với số tiền thì có luật quy định, có các cấp thẩm quyền cùng tham mưu, bàn bạc. Trách nhiệm với những nỗi đau thì chẳng có luật định nào cả. Dù những ngày qua, nói như lãnh đạo chính quyền địa phương, "đã hỗ trợ người dân, có những người hỗ trợ đến 8, 9 lần", đã giải ngân tức thời 5-6 tỷ đồng từ ngân sách thành phố.

Nhưng vì sao nhiều người vẫn quan tâm đến phương án hỗ trợ tổng thể và thời gian thực hiện? Vì còn một thứ trách nhiệm nữa nằm ngoài luật định: Trách nhiệm với những lòng tốt của hàng nghìn người đã quyên góp. Không phải tất cả họ là những đại gia đầy tiền đi làm từ thiện khắp nơi đâu. Họ có thể là chị bán rau, anh xe ôm, cô lao công, chú bán nước…

Họ vét những đồng tiền còn vương mồ hôi của họ để quyên góp thành hơn 130 tỷ đồng kia. Đồng tiền quyên góp nào cũng chung "một mệnh giá" hết, dù nó là tờ tiền to nhất hay tờ tiền nhỏ nhất thì đều mang mệnh giá Trái Tim, mệnh giá Lòng Tốt. Đừng để Trái Tim chờ phê duyệt mới được trao đi. Đừng để Lòng Tốt chờ phê duyệt thì mới tới được tay người họ muốn giúp đỡ. Tôi nghĩ rằng thứ trách nhiệm với lòng tốt của mọi người nhiều khi còn nặng hơn cả trách nhiệm với đúng luật.

Mỗi người, mỗi khâu nếu ai cũng nhanh lên một chút nữa hẳn hơn 130 tỷ đồng kia đã không nằm "nhàn rỗi" như một đại biểu Quốc hội đã lên tiếng.

Tác giả: Nhà văn - nhà báo Hoàng Anh Tú từng là Trưởng ban biên tập báo Sinh viên Việt Nam, được biết đến dưới bút danh "anh Chánh Văn" trên báo Hoa Học Trò từ năm 2000 đến 2010. Hiện anh là một người sáng tạo nội dung có lượng theo dõi lớn trên mạng xã hội.

Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!