Tâm điểm
Ngô Di Lân

Luận án tiến sĩ về áo ngực liệu có "khác người"?

Những tranh luận và bàn tán sôi nổi của cộng đồng mạng xoay quanh "luận án tiến sĩ với đề tài về áo ngực" khiến tôi nhớ lại quãng thời gian ở Mỹ trước đây, khi chính tôi phải lựa chọn đề tài cho luận án tiến sĩ của mình. Đó là một quá trình kỳ công và tốn kém nhiều thời gian. 

Bước đầu tiên là liệt kê ra càng nhiều ý tưởng nghiên cứu tiềm năng càng tốt, chủ yếu dựa trên những gì chúng tôi đã được học trên lớp. Tiếp theo, tư duy sâu hơn để gọt giũa những ý tưởng thô sơ ban đầu rồi chuyển hóa chúng thành những câu hỏi nghiên cứu cụ thể. 

Nếu như ý tưởng ban đầu chỉ là "hệ thống liên minh toàn cầu của Mỹ" thì sau quá trình tư duy này, sản phẩm mà các giáo sư kỳ vọng sẽ là một câu hỏi chính xác như: "Vì sao Mỹ không thiết lập thêm liên minh quân sự chính thức ở châu Á sau khi liên minh SEATO tan rã?".

Sau khi đã có được những câu hỏi như vậy, nghiên cứu sinh phải chủ động trao đổi với các thầy hướng dẫn của mình nhằm chọn ra một câu hỏi phù hợp nhất để chuẩn bị kế hoạch bảo vệ ý tưởng trước cả khoa. Và chỉ sau khi hội đồng đã đọc kế hoạch nghiên cứu chi tiết và nghe tôi thuyết trình trực tiếp thì họ mới quyết định có duyệt đề tài hay không. 

Trái với suy nghĩ của nhiều người, giá trị thực tiễn của một đề tài không phải là yếu tố then chốt để hội đồng xét duyệt. Câu hỏi mà các giáo sư Mỹ luôn hỏi đầu tiên là: Đề tài này có gì mới mẻ, đột phá hay không? Nghiên cứu của bạn có ảnh hưởng gì tới những cuộc tranh luận lớn trong ngành hay không? Nghiên cứu của bạn có khiến chúng tôi phải thay đổi cách tư duy về những vấn đề tưởng chừng đã "ngã ngũ" hay không? Nghiên cứu của bạn có sử dụng nguồn tư liệu lịch sử hay dữ liệu mới mà chúng tôi chưa được tiếp cận hay không? 

Đó mới là những câu hỏi mà họ quan tâm nhất. Vì suy cho cùng, nhiệm vụ "tối thượng" của một nghiên cứu sinh là học cách sản sinh ra tri thức (thay vì chỉ tiêu thụ như trước), qua đó đóng góp vào một nỗ lực tập thể để phát triển khoa học. 

Và nhìn từ góc độ khoa học, đề tài luận án tiến sĩ về áo ngực ở trường Đại học Bách Khoa không có gì đáng để gây tranh cãi, vì ít nhất ba lý do sau. 

Thứ nhất, đề tài nghiên cứu này đã tương đối phổ biến trên thế giới. Chỉ cần gõ hai từ khóa "bra breast" (tạm dịch: áo lót bầu ngực) ở trên trang Google Scholar là ta có thể tìm thấy vô số các bài báo khoa học về chủ đề này. Với số người dùng áo ngực mỗi ngày trên thế giới lên đến hàng tỷ, việc nghiên cứu để tối ưu hóa thiết kế và bảo vệ sức khỏe của con người là hết sức thiết yếu. 

Thứ hai, đối tượng nghiên cứu của đề tài này vừa đủ cụ thể (nữ sinh Bắc Việt Nam), vừa không quá hẹp mà cũng không quá rộng. Bản thân vấn đề nghiên cứu cũng được xác định rất cụ thể: ảnh hưởng của đặc điểm nhân trắc ngực tới áp lực và độ tiện nghi áp lực của áo ngực. 

Cuối cùng, chính các chuyên gia trong ngành công nghệ dệt, may đã lên tiếng khẳng định rằng đề tài này có cả giá trị khoa học lẫn thực tiễn. Vậy cớ sao những người vừa thiếu kiến thức chuyên ngành, vừa không am hiểu về khoa học lại "ném đá" đề tài này?

Cũng cần nói thêm rằng đề tài "áo ngực" này rất khác đề tài "tiến sĩ cầu lông" cũng được bàn tán ồn ào cách đây chưa lâu. Cá nhân tôi phản đối những đề tài như "giải pháp phát triển môn cầu lông cho công chức viên chức thành phố Sơn La", không phải vì nghe nó trái tai mà bởi nó hiển nhiên không phải là một vấn đề cấp thiết, dù về mặt lý luận hay thực tiễn.

Bên cạnh đó, tác giả đã xác định một phạm vi nghiên cứu quá hẹp (công chức viên chức thành phố Sơn La), khiến kết quả dù thế nào đi chăng nữa cũng khó có hàm ý đáng kể đối với những nơi khác ở Việt Nam. Cuối cùng, tôi không tin rằng tác giả đề tài sẽ thu thập được dữ liệu cần thiết để nghiên cứu về vấn đề này. Một cơ sở dữ liệu có sẵn về việc tập cầu lông ở Sơn La chắc chắn không tồn tại và để tự xây dựng một bộ dữ liệu như vậy từ con số không là hết sức tốn kém về thời gian và công sức, vượt xa khả năng của một nghiên cứu sinh. 

Nhưng điều khiến tôi cảm thấy lo lắng hơn cả là việc nhiều người đang đánh đồng hai đề tài luận án tiến sĩ kể trên với nhau. Từ góc nhìn của họ, bất kể đề tài nào nghe chừng "không bình thường" đều "vớ vẩn", phản khoa học, và lãng phí tiền của. Từ góc nhìn của tôi, họ chỉ đơn giản là đang quá thiếu khoan dung đối với sự khác biệt. 

Sáng tạo không thể nào tồn tại được trong một môi trường mà con người sẵn sàng vùi dập một cách không thương tiếc những gì mới mẻ, khác lạ. Không tôn trọng sự khác biệt thì không thể có sáng tạo. Không có sáng tạo thì không thể đổi mới. Không thể đổi mới thì giấc mơ 4.0 mãi sẽ là mộng tưởng.

Tác giả: Ngô Di Lân nhận học bổng toàn phần và tốt nghiệp cử nhân ngành Khoa học xã hội tại Đại học Maastricht, Hà Lan. Sau đó anh là 1 trong 5 ứng viên xuất sắc nhất được Đại học Brandeis (Mỹ) cấp học bổng tiến sĩ toàn phần và hiện là nghiên cứu sinh tiến sĩ ngành Quan hệ quốc tế tại Đại học này.

Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!