Tâm điểm
Nguyễn Thị Bích Hậu

Mối lo về môn tiếng Anh khi bỏ thi bắt buộc

Sau khi Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố môn Ngoại ngữ (chủ yếu là tiếng Anh) không còn nằm trong số các môn thi THPT bắt buộc kể từ năm 2025, đã có nhiều ý kiến tranh luận về hệ quả của quyết định này.

Nhìn chung các ý kiến ủng hộ việc giảm số lượng môn thi tốt nghiệp THPT nhằm giảm căng thẳng cho học sinh các lớp cuối cấp, nhất là trong bối cảnh hầu như năm nào học sinh ta cũng đậu tốt nghiệp tới 97-98%. Tuy nhiên khi đi vào vấn đề cụ thể rằng môn tiếng Anh sẽ chỉ còn là môn thi tự chọn thì ý kiến lại khác nhau.

Nhiều người lo lắng nếu bỏ thi bắt buộc môn tiếng Anh, học sinh sẽ lười học ngoại ngữ. Tuy nhiên, cũng có những ý kiến phân tích bỏ thi bắt buộc như thế càng tốt, vì học sinh sẽ tập trung học tiếng Anh theo chuẩn quốc tế khi đi học thêm, là vì cách dạy tiếng Anh tại các trường phổ thông hiện nay khá lạc hậu.

Mối lo về môn tiếng Anh khi bỏ thi bắt buộc - 1

Thí sinh THPT trong kỳ thi tốt nghiệp năm 2023 (Ảnh: Nam Anh).

Đến nay các tranh cãi vẫn chưa ngã ngũ. Tuy nhiên, ở đây cần minh định bỏ thi bắt buộc môn tiếng Anh không có nghĩa là bỏ học. Ngược lại, học sinh của ta rất cần học ngoại ngữ tốt hơn, nhất là tiếng Anh. Trang mạng Oxford Royal đã đưa ra nhiều lý do về sự cần thiết học Anh ngữ, xin tóm lược lại như sau:

1/ Trên thế giới có 60/196 nước nói tiếng Anh như ngôn ngữ thứ nhất. Trong đó có rất nhiều cường quốc.

2/ Anh ngữ là ngôn ngữ ngoại giao và ngôn ngữ chính thức của Liên minh châu Âu, Liên hợp quốc, NATO, Hiệp hội thương mại tự do châu Âu, và nhiều quốc gia trong Khối thịnh vượng chung…

3/ Tiếng Anh là ngôn ngữ thứ hai được người dân ở rất nhiều quốc gia sử dụng phổ biến, bao gồm Na Uy, Thụy Điển, Đan Mạch, Đức và Hà Lan. Tổng cộng có khoảng 1,5 tỷ người nói tiếng Anh trên toàn thế giới, cùng một tỷ người khác đang trong quá trình học tiếng Anh.

4/ Muốn đi du học hay du lịch được hiệu quả, nên học ngoại ngữ và nhất là biết tiếng Anh.

5/ Đi xin việc thì nhiều vị trí cần người thông thạo ngoại ngữ, trong đó hàng đầu là tiếng Anh.

6/ Muốn đọc được nhiều sách, tài liệu thì nên dùng tiếng Anh; hơn 55% trang web trên toàn cầu cũng dùng tiếng Anh; 95% bài báo khoa học quốc tế viết bằng tiếng Anh.

7/ Các sự kiện lớn quốc tế, từ khoa học, văn hóa, nghệ thuật, âm nhạc... đều dùng tiếng Anh là ngôn ngữ chính thức.

8/ Tiếng Anh giúp ta có thể tiếp cận mọi nền nghệ thuật thế giới khi họ thường dịch các giới thiệu và lời thoại ra Anh ngữ để ai cũng có thể dễ dàng hiểu được dù không hiểu bản ngữ từng nước.

Tóm lại ngoại ngữ, trong đó có tiếng Anh vô cùng quan trọng với sự học hành, tiến bộ theo chiều hướng hội nhập quốc tế của Việt Nam. Và trước tiên, học là cho từng người, từng nhà. Nên vấn đề học tiếng Anh và học các ngoại ngữ khác thế nào cho tốt thì từng học sinh, từng gia đình phải có ý thức sâu sắc.

Đây là chìa khóa không thể thiếu để thành công dân toàn cầu, để cạnh tranh mưu sinh trong các lĩnh vực cần giao tiếp quốc tế và áp dụng công nghệ. Các bậc cha mẹ chớ bỏ qua việc cho con học tiếng Anh và bất cứ ngoại ngữ nào con có thể học được.

Vấn đề đặt ra ở đây là nếu như đã bỏ thi bắt buộc tiếng Anh, thì việc dạy môn học này tại các trường phổ thông cần phải làm thế nào cho hiệu quả?

Mặc dù năng lực tiếng Anh của người Việt nói chung đã có những cải thiện đáng ghi nhận trong thời gian gần đây. Nhưng thực tế cho thấy chất lượng dạy và học tiếng Anh tại trường phổ thông của ta còn nhiều hạn chế. Trong vòng 20 năm kể từ 2000 tới 2020, điểm tiếng Anh trung vị trong kỳ thi tốt nghiệp PTTH của ta chỉ đạt khoảng từ 4-5 điểm.

Kết quả phân tích phổ điểm thi tốt nghiệp THPT môn Tiếng Anh của cả nước năm 2023 cho thấy: Có 876,102 thí sinh tham gia thi bài thi Tiếng Anh, trong đó điểm trung bình là 5,45 điểm, điểm trung vị là 5,2 điểm; điểm số có nhiều thí sinh đạt nhất là 4,2 điểm. Và có tới 44,8% số học sinh có điểm tiếng Anh thấp dưới trung bình.

Có nhiều vấn đề còn tồn tại trong việc dạy và học tiếng Anh mà nhiều chuyên gia giáo dục đã chỉ ra, cùng với những ý kiến đóng góp từ chính phụ huynh và các em học sinh. Tập trung vào các điểm sau:

Thứ nhất là đội ngũ giáo viên tiếng Anh của ta vừa thiếu lại vừa yếu. Đa số được đào tạo bằng phương pháp cũ, nên nhiều thầy cô dạy từ vựng và ngữ pháp theo lối "hiểu tiếng Anh kiểu Việt Nam". Nhiều giáo viên không thực sự sử dụng thành thạo tiếng Anh với 4 kỹ năng nghe, nói, đọc, viết trong giao tiếp cũng như trong giảng dạy.

Xin nêu ví dụ để chứng minh là ngay tại thủ đô Hà Nội, nhiều năm nay vẫn vận động giáo viên tiếng Anh đã tốt nghiệp đại học ra cố làm sao để đi học theo chương trình quốc tế và thi đậu IELTS 6.5 - một mức điểm khá khiêm tốn. 

Bởi vậy nên dù mỗi bài học trong chương trình tiếng Anh bậc THPT được chia thành các kỹ năng: Nghe, nói, đọc, viết và ngữ pháp - ngữ âm. Nhưng các kỳ kiểm tra chủ yếu quan tâm tới ngữ pháp và đọc hiểu. Bởi vậy, cả giáo viên và học sinh đều lướt qua các kỹ năng còn lại. Kết quả học trò có học nhưng mãi vẫn không sử dụng thành thạo tiếng Anh.

Thứ hai, thời lượng của môn học tiếng Anh trong nhà trường còn quá ít ỏi. Nếu mỗi tuần các em chỉ học 3-4 tiết tiếng Anh thì khó có thể sử dụng thành thạo. Trong khi tại nhiều quốc gia trên thế giới, để nâng cao chất lượng ngoại ngữ, họ yêu cầu toàn bộ học sinh THPT học bằng tiếng Anh. Điều này có thể thấy ngay cả ở nhiều quốc gia châu Phi rất nghèo.

Thứ ba, sách giáo khoa và học liệu dạy tiếng Anh ở trường phổ thông của ta hiện không theo kịp các bộ giáo trình và học liệu rất tiến bộ và phong phú bên ngoài. Ví dụ như các bộ giáo trình Cambridge, TOEFL, IELTS, và các chương trình dạy Anh ngữ qua mạng Internet, qua ứng dụng trên điện thoại…

Thứ tư, phải kể tới môi trường xã hội chưa thực sự khuyến khích việc sử dụng tiếng Anh trong học tập, làm việc, đào tạo và tự học hàng ngày. Ở nhiều công ty tư nhân, các nhân sự thật sự thành thạo Anh ngữ có thể được trả lương cao hơn, dễ dàng thăng tiến hơn, môi trường làm việc của họ cũng sử dụng tiếng Anh như một tiêu chuẩn toàn cầu. Tuy nhiên, đây mới là số ít, đa phần các cơ quan ở ta rất ít sử dụng tiếng Anh, ít nhất là để đào tạo nâng cao về chuyên môn, các chứng chỉ tiếng Anh thường chỉ yêu cầu cho có rồi cất ngăn tủ.

Những vấn đề trên cần được xem xét nghiêm túc và có giải pháp phù hợp, không nên để chất lượng môn tiếng Anh vẫn là một tồn tại lớn trong giáo dục phổ thông, để rồi ít năm nữa chúng ta lại đổ lỗi cho "ngày ấy đã bỏ thi bắt buộc môn ngoại ngữ".

Tác giả: Bà Nguyễn Thị Bích Hậu tốt nghiệp Đại học sư phạm Hà Nội ngành Ngôn ngữ và Văn chương; có 30 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực báo chí. Bà là tác giả các cuốn sách giúp các bậc cha mẹ chuẩn bị cho con học tập trong nước và du học, lấy học bổng thành công như Đồng hành du học cùng con, Du học cho con nhà nghèo, Du học đừng để tiền mọc cánh, Cẩm nang chọn trường công, trường tư hay trường quốc tế...

Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!