Tâm điểm
Nguyễn Thị Bích Hậu

Nóng chuyện tuyển sinh đại học

Vừa qua báo chí đưa tin trường Đại học Quảng Bình nợ lương 136  giảng viên và nhân viên trong nhiều tháng, tổng số tiền có lúc lên tới 7,5 tỷ đồng. Hay Cao đẳng Y tế Quảng Nam cũng nợ 6 tháng lương của 114 người lao động với tổng số tiền hơn 5,7 tỷ đồng.

Lý do hai trường hợp trên chủ yếu là không đủ học sinh theo học. Ví như Đại học Quảng Bình từng có tới 10.000 sinh viên theo học, nay chỉ còn vỏn vẹn 1.000, trong đó gần 50% là sinh viên sư phạm không phải đóng học phí.

Nóng chuyện tuyển sinh đại học - 1

Các trường đại học tổ chức tư vấn tuyển sinh cho học sinh (Ảnh: Mỹ Ngọc).

Nhìn chung tuyển sinh đại học và cao đẳng hiện nay là một vấn đề nóng bỏng với nhiều trường đại học. Các trường đang nỗ lực cạnh tranh thu hút sinh viên vào học. Bởi nếu không đủ sinh viên thì không bao lâu nhà trường sẽ phải đóng cửa một số ngành, thậm chí đóng cửa trường.

Đứng trước tình hình này, nhiều trường đua nhau mở các sự kiện tư vấn tuyển sinh tại chỗ hay thậm chí tới tận từng tỉnh, từng huyện để mở sự kiện, quảng bá rầm rộ nhằm thu hút thí sinh tham dự.

Trong cuộc cạnh tranh này, một thực tế đã và đang diễn ra là các trường đua nhau mở ngành học mới, trong đó có những ngành rất phức tạp và yêu cầu cao về nhân sự giảng dạy cũng như trang thiết bị phục vụ học tập. Chẳng hạn những năm vừa qua, với xu hướng mở ngành y thì đến nay chúng ta có tới 29 trường dạy Y khoa, thậm chí là dạy bác sĩ đa khoa trên cả nước.

Hay là trong xu hướng chuyển đổi số, hàng loạt trường mở các ngành liên quan. Đại học Kinh tế Quốc dân vừa mở thêm 6 ngành mới, trong đó 5 ngành liên quan tới kỹ thuật máy tính, công nghệ thông tin. Đại học Ngoại thương cũng dự kiến mở ra ngành Khoa học máy tính.

Có thể kể thêm Đại học Bách khoa Hà Nội, Đại học Công nghệ thông tin và Truyền thông Việt - Hàn, Đại học Bách khoa Đà Nẵng, Đại học Cần Thơ, Đại học Quốc tế Sài Gòn (SIU), Phenikaa, Đại học FPT… đang tuyển sinh các chuyên ngành Thiết kế vi mạch, Vi điện tử - Thiết kế vi mạch. Ngoài ra, Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội công bố mở ngành Công nghệ vi mạch bán dẫn.

Nhìn nhận theo hướng tích cực thì việc các trường mở những chuyên ngành đón đầu xu hướng mới là cần thiết, góp phần đáp ứng yêu cầu đào tạo nguồn nhân lực cho đất nước. Tuy nhiên việc mở ngành mới đòi hỏi sự đầu tư để đảm bảo chất lượng đào tạo và thường phải dựa trên thế mạnh và nguồn lực của nhà trường.

Kinh nghiệm đào tạo nhân lực bán dẫn tại Đài Loan cho thấy phải có phòng thực hành với máy móc, dây chuyền hiện đại. Mỗi chiếc máy trị giá ít nhất một triệu USD, chưa kể chi phí cho các phần mềm thiết kế. Chi phí cho phòng thực hành cực kỳ tốn kém, đòi hỏi được đầu tư trong thời gian dài, liên tục nên cơ sở đào tạo cần có sự hỗ trợ của doanh nghiệp và chính quyền.

Minh Tân - đại học chuyên đào tạo nhân lực ngành bán dẫn tại Đài Loan, chuẩn bị đưa vào hoạt động khu thực hành đầy đủ 4 bước trong ngành sản xuất chip, từ thiết kế, sản xuất, đóng gói và kiểm thử, với tổng mức đầu tư trị giá 15 triệu USD. Số tiền này có 60% tài trợ từ cơ quan quản lý, 40% còn lại đến từ doanh nghiệp và nhà trường.

Như đã nêu trên, việc nhiều trường đại học ở ta mở ngành mới và đã bắt tay vào tuyển sinh một mặt đặt ra yêu cầu đảm bảo chất lượng đào tạo, tránh hiện tượng mở ngành mới chỉ để hấp dẫn thí sinh trong khi cơ sở vật chất cũng như đội ngũ giảng viên vừa thiếu vừa yếu, không đáp ứng yêu cầu đề ra. Mặt khác, khi các trường ồ ạt mở ngành mới thì các phụ huynh và thí sinh sẽ đứng trước nguy cơ "loạn" thông tin, không biết nên quyết định như thế nào để có sự lựa chọn đúng đắn, phù hợp.

Ở đây về phía cơ quan quản lý giáo dục, vấn đề đặt ra là tăng cường công tác kiểm tra việc mở ngành, các điều kiện đảm bảo chất lượng giáo dục, công tác tuyển sinh, tổ chức quản lý đào tạo và quản lý văn bằng, chứng chỉ… của các nhà trường.

Về phía phụ huynh và thí sinh cần tìm hiểu kỹ các thông tin liên quan khi quyết định chọn học ngành nghề nào, khoa nào, trường nào.

Trước hết, các em cần biết ngành đó dạy lĩnh vực gì, bao nhiêu tín chỉ cần học là các môn chính; đâu là những công việc cụ thể trên thị trường lao động liên quan đến ngành học này; lượng việc làm tuyển dụng thực tế ra sao, mức lương khởi điểm? Các thông tin cũng nên tìm hiểu là mức lương trung bình sự nghiệp, mức lương đỉnh cao sự nghiệp?

Để vào được trường đó, ngành đó, các em sẽ phải học tốt môn gì, kết quả trung bình tất cả các môn học tại trung học ở mức nào, điểm thi đậu bao nhiêu, hồ sơ ra sao?

Trường có cơ sở hạ tầng như thế nào để phục vụ cho nhu cầu học ngành đó, ví dụ như thư viện, phòng thí nghiệm, số lượng giảng viên có bằng cấp đạt chuẩn? Thành tích của trường trong nhiều năm qua là gì? Những cựu học sinh nổi bật của ngành đó đang có nhiều đóng góp và được xã hội hay các tổ chức nghề nghiệp vinh danh?

Trường hỗ trợ gì cho sinh viên trong lúc học tập, nghiên cứu khoa học, tham gia các hoạt động cộng đồng, đi thực tập và xin việc làm? Các hỗ trợ cụ thể là gì? Tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp có việc làm của ngành đó, trường đó là bao nhiêu %?...

Tóm lại, từ các thông số và dữ liệu cụ thể thì các vị phụ huynh, thí sinh mới có thể đưa ra quyết định phù hợp; nếu không tìm hiểu kỹ có thể dẫn đến tình trạng "chọn đại", "may hơn khôn", hoặc sẽ bị "lùa gà" - hiểu theo nghĩa là vào học một ngành hứa hẹn hấp dẫn nhưng chất lượng đào tạo không đảm bảo.

Tác giả: Bà Nguyễn Thị Bích Hậu tốt nghiệp Đại học sư phạm Hà Nội ngành Ngôn ngữ và Văn chương; có 30 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực báo chí. Bà là tác giả các cuốn sách giúp các bậc cha mẹ chuẩn bị cho con học tập trong nước và du học, lấy học bổng thành công như Đồng hành du học cùng con, Du học cho con nhà nghèo, Du học đừng để tiền mọc cánh, Cẩm nang chọn trường công, trường tư hay trường quốc tế...

Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!