Tâm điểm
Quan Thế Dân

Tấm kính rơi vào người nữ bác sĩ: Lỗi ở đâu?

Ngày 20/4 Hà Nội có một cơn dông lớn. Sau cơn mưa vợ con tôi đi dạo qua quán The Coffee House thì thấy quán đóng cửa, kính vỡ ngổn ngang, đưa điện thoại lên định chụp hình thì bị bảo vệ ra đuổi. Con tôi về kể thì tôi đoán chắc có người bị thương hay gì đó rồi.

Một tuần sau mới có tin trên báo chí về một vụ tai nạn xảy ra ở quán cà phê này. Nạn nhân là một cô bác sĩ trẻ. Thật không may, chấn thương của cô khá nặng, bị ở nhiều phần của cơ thể, trong đó nặng nhất là vỡ nhiều đốt sống, có khả năng bị liệt hai chi dưới kéo dài.

Là đồng nghiệp nên tôi ngóng trông xem câu chuyện diễn biến thế nào, thì thấy trên truyền thông khá im ắng. Mãi đến ngày 9/5, sau khi một trang chuyện về nghề y đưa bài về việc này, cộng đồng y khoa chia sẻ lại khá rầm rộ, thì đến chiều thấy các bên liên quan lên tiếng trần tình sự việc, và ngày sau các báo mới đồng loạt đưa tin. Thứ trưởng Bộ Y tế cũng đã đến thăm nạn nhân.

Tấm kính rơi vào người nữ bác sĩ: Lỗi ở đâu? - 1

Hiện trường vụ tai nạn và vị trí tấm kính rơi xuống (Ảnh: Chuyện nghề y).

Theo thông báo của Coffee House, ngay từ đầu quán đã có trách nhiệm đưa nạn nhân đi cứu chữa. Tuy nhiên nếu quan tâm đến sự việc, chúng ta sẽ thấy vấn đề rất phức tạp.

Thứ nhất là chấn thương để lại hậu quả nặng nề và kéo dài với cô bác sĩ trẻ, nên chi phí điều trị sẽ không nhỏ. Thứ hai, trách nhiệm pháp lý ra sao trong sự việc này.

Theo ý kiến của một số luật sư thì ở đây có hai pháp nhân có liên quan. Đầu tiên thì tất nhiên là quán cà phê nơi xảy ra tai nạn. Nhưng ít người để ý còn một vế nữa, đó là chủ sở hữu tòa nhà, nơi quán cà phê này thuê mặt bằng. Trong bài viết này tôi không đưa ra suy đoán hay kết luận, mong rằng cơ quan chức năng sẽ sớm vào cuộc cùng với các bên liên quan làm rõ.

Cá nhân tôi nghĩ rằng cô bác sĩ trẻ ấy không có lỗi. Cô vào quán, sử dụng dịch vụ của quán, rồi tai nạn ập xuống đầu.

Hiển nhiên chúng ta đều thấy tai nạn này là hi hữu, xảy ra bất ngờ, không ai biết để phòng bị. Thêm nữa số tiền bồi thường chắc cũng không nhỏ, nên mới sinh ra tranh luận. Mong rằng các bên liên quan làm việc kỹ lưỡng, chí tình để giúp đỡ nạn nhân nhưng cũng như các bên liên quan, theo tinh thần thượng tôn pháp luật. 

Trong cuộc đời hành nghề y tôi đã chứng kiến một trường hợp tai nạn được xử lý rất nhân văn.

Câu chuyện xảy ra cách đây đã gần chục năm, khi đó tôi đang làm việc tại một bệnh viện ở Hà Nội, một hôm phòng cấp cứu tiếp nhận ca di chứng chấn thương sọ não lâu năm, do tai nạn lao động, hiện sống thực vật, có biến chứng viêm phổi, loét vùng mông, tiểu tiện ra máu, suy kiệt nặng. Do tình trạng quá nặng nên người nhà đưa người bệnh đi bệnh viện nào cũng bị từ chối, sau cùng mới đến bệnh viện tôi.

Gia đình người bệnh gồm bà mẹ già và một thanh niên, em trai của bệnh nhân, rất thiết tha muốn cứu chữa người bệnh đến cùng. Chúng tôi cũng quyết tâm điều trị. Sau mười ngày điều trị tích cực, bệnh tình của người bệnh cải thiện rõ: hết tiểu ra máu, viêm phổi đỡ, các vết loét thu gọn. Gia đình xin đơn mua thuốc về nhà điều trị tiếp. Chúng tôi cho người bệnh về mà vẫn băn khoăn, không biết diễn biến tiếp theo thế nào.

Nửa tháng sau, thu xếp được ngày nghỉ, chúng tôi lần theo địa chỉ trong hồ sơ, đến tận nhà thăm lại người bệnh. Nhà bệnh nhân ở vùng núi trung du, cách Hà Nội không xa, đi qua sông Đà là tới. Khi gần đến nơi, chúng tôi hồi hộp bảo nhau không biết bệnh nhân ra sao, có còn sống không?

Thì thật ngạc nhiên, người bệnh khỏe mạnh hơn trước nhiều. Hết viêm phổi. Các vết loét gần như lành. Thể trạng tăng cân rõ. Bà mẹ và cậu em chăm sóc người bệnh quá tốt. Và ngạc nhiên nhất là trong nhà có dành riêng một buồng làm buồng bệnh, không khác gì buồng cấp cứu ở bệnh viện: phòng lát gạch men trắng lên đến tận trần nhà, có giường bệnh và máy hút đờm, panh kéo thay băng riêng, sạch sẽ... Thảo nào mà kết quả chữa tốt đến như thế.

Ngồi nói chuyện với gia đình, sau khi bày tỏ sự khâm phục gia đình đã chăm sóc người thân quá chu đáo, chúng tôi tò mò muốn biết gia đình lấy tiền ở đâu để chăm lo như vậy. Thì được biết một câu chuyện rất nhân văn.

Người bệnh khi chưa bị tai nạn là một kỹ sư điện trẻ mới ra trường, công tác tại một công ty liên doanh. Một hôm trong lúc làm việc, anh bị điện giật và ngã xuống đất, chấn thương sọ não. Chủ công ty đã đưa anh đi bệnh viện cấp cứu chu đáo. Sau đó còn đưa cả anh ra nước ngoài chữa trị.

Tấm kính rơi vào người nữ bác sĩ: Lỗi ở đâu? - 2

Bác sĩ Hoàng Minh Lý (Ảnh: FBNV).

Khi anh được cứu sống nhưng không thể tỉnh lại, công ty đã cấp tiền để gia đình sửa nhà thành một buồng bệnh đúng tiêu chuẩn để có thể chăm sóc người bệnh lâu dài đồng thời có kinh phí hàng tháng để tiếp tục nuôi dưỡng và điều trị. Nhờ vậy mà gia đình mới có thể chăm sóc người bệnh mấy năm nay. Bà mẹ rất biết ơn công ty và không nguôi hy vọng một ngày nào đó con mình sẽ tỉnh lại.

Quả là một câu chuyện hiếm gặp. Qua bao năm trong nghề y, tôi chỉ thấy chủ sử dụng lao động có xu hướng đền bù cho nạn nhân một lần rồi thôi. Gia đình người xấu số cũng dễ dàng buông tay. Chứ ít thấy có nơi nào có sự kiên trì đáng ngưỡng mộ như vậy.

Nhưng tôi nghĩ, như vậy mới xứng đáng với phẩm giá của một con người. Tuy khó, nhưng không phải không làm được. Nguồn kinh phí kia ở đâu ra thì tôi không biết chi tiết, nhưng có lẽ là từ những khoản bảo hiểm như bảo hiểm y tế, bảo hiểm nhân thọ, bảo hiểm rủi ro nghề nghiệp... Những khoản bảo hiểm này, nhiều công ty nước ngoài rất coi trọng, đóng rất nghiêm túc, nên khi đối mặt với rủi ro, có sự cố gì xảy ra, họ có nguồn lực để khắc phục.

Chấn thương của cô bác sĩ trẻ là vô cùng nặng nề, tương lai có thể sẽ là liệt hai chi dưới, ngồi xe lăn suốt đời. Cả một tương lai tươi đẹp bị cắt ngang. Liệu có sự đền bù nào bù đắp nổi không. Tôi nghĩ là không có đền bù nào có thể bù đắp nổi. Nhưng ít ra nếu được bù đắp phần nào sẽ giúp cô bắt đầu lại một cuộc sống. Qua đây tôi cũng thấy sức mạnh của cộng đồng mạng. Nếu không có sự lên tiếng của mọi người, thì không biết sự việc sẽ ra sao.

Cầu chúc cho cô bác sĩ trẻ mọi sự may mắn. Và mong rằng sự việc sớm được làm rõ.

Tác giả: Tiến sĩ, bác sĩ Quan Thế Dân tốt nghiệp Đại học Y Hà Nội 1983, từng công tác điều trị và giảng dạy tại một số cơ sở y tế ở TP HCM và Hà Nội, sau khi nghỉ hưu hiện đang tiếp tục công tác trong lĩnh vực y tế tư nhân.

Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!