Tâm điểm
Bùi Minh Đức

Từ chuyện Hiệu trưởng Harvard từ chức, nghĩ về liêm chính khoa học

Không chỉ tại Mỹ, cộng đồng học thuật trên toàn thế giới đang xôn xao về câu chuyện hiệu trưởng đại học Harvard từ chức cách đây không lâu. Claudine Gay - cựu Hiệu trưởng đại học Harvard, là người Mỹ gốc Phi đầu tiên cũng như người phụ nữ thứ hai đảm nhận vị trí này. 

Đằng sau diễn biến trên có nhiều lý do, vì không phải là chủ đề của bài viết này nên tôi xin không nêu ở đây, chỉ xin đề cập nghi vấn liên quan chuyện đạo văn.

Đạo văn là một vấn đề nghiêm trọng tại Mỹ, đặc biệt tại những "tháp ngà" học thuật như đại học Harvard. Tin đồn về việc đạo văn của bà Claudine Gay đã xuất hiện từ cách đây vài tháng nhưng gần đây mới được công khai rộng rãi.

Về phần mình, bà Claudine Gay khẳng định chưa bao giờ trình bày không đúng về kết quả nghiên cứu của bản thân và cũng chưa bao giờ sử dụng nghiên cứu của người khác thành của mình. Tuy nhiên, các nhà phê bình đã tìm thấy ví dụ cho thấy một số bài viết học thuật của bà Claudine Gay đã sử dụng trích dẫn từ công trình của học giả khác mà không có sự ghi nhận thích đáng. Bà Claudine Gay sau đó đã yêu cầu các tạp chí chú thích rõ ràng hơn.

Từ chuyện Hiệu trưởng Harvard từ chức, nghĩ về liêm chính khoa học - 1

Số lượng công bố trên các tạp chí quốc tế uy tín của Việt Nam giai đoạn 2018-2022 (Nguồn: Bộ Giáo dục và Đào tạo).

Dù sao, việc từ chức của bà Claudine Gay được nhiều người đánh giá là hành động phù hợp ở thời điểm hiện tại, với cả cá nhân cũng như đại học Harvard. Các trường đại học Mỹ luôn có những hình thức kỷ luật nghiêm khắc với hành vi đạo văn của sinh viên, từ hủy kết quả môn học cho đến đuổi học. Nếu tiếp tục giữ bà Claudine Gay ở vị trí hiệu trưởng giữa những cáo buộc đạo văn có thể khiến công chúng nghĩ rằng, đại học Harvard đang dung túng cho những sai sót hay có sự đối xử khác biệt giữa sinh viên với giảng viên.

Hành vi đạo văn trong giới học thuật cũng như hồ sơ tội phạm trong xã hội, dù qua hàng thập kỷ vẫn có thể bị truy vấn lại. Vụ việc của bà Claudine Gay một lần nữa cho thấy, càng ở những môi trường giáo dục uy tín, càng khó để thoát được trách nhiệm liêm chính trong học thuật.

Trong bộ môn "How to teach college students" (tạm dịch: Làm sao để dạy sinh viên đại học) tôi đăng ký tại trường Đại học Clark (Mỹ), giáo viên luôn lưu ý về mức độ nghiêm trọng của vấn đề đạo văn. Cô giáo từng chia sẻ, "một người giáo viên đạo văn sẽ cho ra đời những thế hệ học sinh như thế nào?".

Câu chuyện từ chức của bà Claudine Gay có lẽ chỉ tác động đến xã hội Mỹ nhưng khi nhìn về môi trường học thuật ở Việt Nam, liệu chúng ta có học thêm được bài học gì? Văn hóa từ chức hay tính liêm chính trong học thuật?

Với tôi, thành thật mà nói cả hai điều trên đều không phải những thực hành phổ biến tại Việt Nam. Trong đó, liêm chính khoa học dường như là điều chưa được nhận thức thấu đáo trong giới học thuật ở Việt Nam. Chỉ cần google từ khóa "mua bán nghiên cứu khoa học", người dùng Internet có thể tìm thấy hàng trăm kết quả với chân dung của rất nhiều giáo sư, tiến sĩ tại nhiều trường đại học trong nước, lớn nhỏ có cả.

Nhộn nhịp không kém gì các thị trường khác, thị trường mua bán nghiên cứu khoa học cũng tấp nập người mua kẻ bán. Mới đây, khi một PGS.TS tại Việt Nam bị tố là "đầu nậu" mua bán bài báo, nghiên cứu khoa học dưới danh nghĩa hợp tác, ông chia sẻ rằng làm điều này vì "gia đình khó khăn".

Để hình dung mức độ nghiêm trọng có thể so sánh với bê bối đạo văn của bà Claudine Gay. Trong khi cựu hiệu trưởng Harvard chỉ dừng ở những mức như có những đoạn văn chung ý tưởng hay trích dẫn chưa chuẩn xác, thì ở ta nhiều trường hợp hoàn toàn bỏ tiền ra để mua chất xám của người khác. Họ có thể biện minh rằng đó là "mua bán", là "hợp tác" nhưng khi đứng tên một tác phẩm không phải mình viết, đó là đạo văn hoặc là gian dối trong nghiên cứu khoa học.

Những vụ đạo văn trong giới học thuật ở Việt Nam đôi khi còn dễ "chìm thuyền" hơn các vụ ồn ào trong giới giải trí. Một phần vì chúng ta chưa chứng kiến sự vào cuộc mạnh mẽ của cơ quan quản lý, với những chế tài cụ thể, trong việc xử lý vi phạm nghiên cứu khoa học; phần khác là tâm lý chưa coi trọng vấn đề bản quyền.

Nói cách khác, nếu nhìn sâu vào chuyện đạo văn và liêm chính khoa học, vấn đề không chỉ nằm ở việc thiếu các chế tài xử lý nghiêm khắc, mà còn là thực tế đạo văn vẫn được coi là điều "bình thường" hay "chấp nhận được" với nhiều người trong giới học thuật. Khi cộng đồng vẫn nhắm mắt cho qua vì "ai cũng như ai", làm sao để họ có thể xử lý nhau vì làm vậy không khác gì đấu tố chính mình?

Phải thừa nhận rằng, đạo văn diễn ra ở bất cứ quốc gia nào, len lỏi vào bất cứ tháp ngà học thuật dù kiên cố tới đâu đi chăng nữa. Tuy nhiên, tại nhiều quốc gia phương Tây, đạo văn không chỉ còn là vấn đề của giới học thuật. Không chỉ được xử lý trong các trường đại học, hành vi đạo văn còn chịu nhiều sức ép từ xã hội. Giáo dục chi phối mọi khía cạnh trong xã hội và người dân có quyền lên tiếng, chỉ trích cũng như gây sức ép với những cá nhân có hành vi đạo văn. Chính vì vậy, những cá nhân với hành vi đạo văn có thể kết thúc sự nghiệp học thuật cũng như con đường lãnh đạo, chính trị. Cái kết của bà Claudine Gay là một minh chứng rõ ràng cho sức ép không nhỏ từ xã hội.

Vụ việc hiệu trưởng Harvard từ chức không chỉ nên được nhìn nhận như một câu chuyện phương Tây xa xôi để ngồi bàn tán, vì đằng sau đó chúng ta có thể nghĩ đến một vấn đề nan giải của giáo dục Việt Nam. Vi phạm liêm chính khoa học không thể nào chỉ bị xem như vết bẩn rồi lau đi như chưa có chuyện gì xảy ra.

Bản thân nội dung bị đạo văn vốn không phải điều người ta quan tâm quá nhiều - thiếu một bài nghiên cứu khoa học không khiến nền học thuật lung lay, nhưng hành vi đạo văn mới chính là ung nhọt của đạo đức trong học thuật. Hành vi đạo văn là một vòng luẩn quẩn đáng buồn. Những thế hệ giảng viên dung thứ cho đạo văn sẽ cho ra đời những thế hệ sinh viên coi đạo văn là chuyện bình thường, và từ đó sản sinh cho xã hội một lực lượng lao động tri thức không biết tôn trọng chất xám của người khác, lười biếng và luôn tìm mọi cách để luồn lách. 

Nếu một xã hội liêm chính không khởi đầu từ một nhà trường liêm chính, tôi không biết nó nên khởi đầu từ đâu?

Tác giả: Bùi Minh Đức học Thạc sĩ ngành Truyền thông tại Đại học Clark, Mỹ; anh là dịch giả với 7 cuốn sách đã xuất bản.

Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!