1. Dòng sự kiện:
  2. 20 năm Chương trình Nhân ái

Hàng trăm học sinh học tạm hội trường thôn: Sẽ xây dựng nhà vệ sinh trước

Thúy Diễm

(Dân trí) - Trước việc hàng trăm học sinh nghèo vất vả học tạm tại những hội trường thôn, buôn không có nhà vệ sinh mà báo Dân trí phản ánh, lãnh đạo UBND tỉnh Đắk Lắk chỉ đạo sớm xây dựng nhà vệ sinh cho các em.

Chiều 6/11, tại buổi họp báo định kỳ tại UBND tỉnh Đắk Lắk, nội dung về bài viết: “Thương hàng trăm em nhỏ “lấm lem” đi kiếm chữ trong hội trường thôn, buôn”, tại trường mẫu giáo Hoa Thiên Lý (xã Vụ Bổn, huyện Krông Pắk) mà báo Dân trí đăng tải đã được UBND tỉnh Đắk Lắk yêu cầu huyện này phản hồi thông tin liên quan.

Hàng trăm học sinh học tạm hội trường thôn: Sẽ xây dựng nhà vệ sinh trước - 1

Bà Ngô Thị Minh Trinh - Phó Chủ tịch UBND huyện Krông Pắk xác nhận báo Dân trí đã nêu rõ những khó khăn tại điểm trường vùng sâu vùng xa của huyện

Phát biểu tại buổi họp báo, bà Ngô Thị Minh Trinh – Phó Chủ tịch UBND huyện Krông Pắk xác nhận, những thông tin đăng tải trên báo Dân trí tại các điểm trường mẫu giáo Hoa Thiên Lý là đúng sự thật và nêu ra được những tồn tại, khó khăn của học sinh nơi đây.

Hàng trăm học sinh học tạm hội trường thôn: Sẽ xây dựng nhà vệ sinh trước - 2
Hàng trăm học sinh của trường mẫu giáo Hoa Thiên Lý vất vả đi học tạm

Theo bà Trinh, năm học 2020 - 2021, trường mẫu giáo Hoa Thiên Lý có 14 lớp với 307 học sinh nhưng có tới 9 điểm trường. Trong đó, có 5 điểm trường học sinh học tạm tại các hội trường thôn, buôn và nhiều điểm học tạm bợ không có nước, không có nhà vệ sinh cho các cháu học tập.

Trước đây, trường có làm Tờ trình gửi phòng GD&ĐT tham mưu UBND huyện đầu tư xây dựng công trình nhà vệ sinh, hệ thống nước tại các điểm học này của trường nhưng UBND huyện chưa thể đầu tư được vì đây là các điểm mượn học nhờ, học tạm không nằm trong quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất, nên không thể đầu tư từ nguồn sự nghiệp giáo dục.

Hàng trăm học sinh học tạm hội trường thôn: Sẽ xây dựng nhà vệ sinh trước - 3

Các em phải học tạm ở các hội trường các thôn, buôn không có nước hay nhà vệ sinh để sử dụng rất bất tiện

“Trong khi đó huyện phải cân đối nguồn ngân sách có hạn để đầu tư công trình nhà vệ sinh cho các điểm học chính còn thiếu hoặc đã xuống cấp trầm trọng, các trường đang trong lộ trình xây dựng trường đạt chuẩn Quốc gia. Mặt khác trước đây huyện có dự án xây dựng trường mẫu giáo Hoa Thiên Lý nhưng tình trạng dân di cư tự do chưa ổn định nên dự án chưa triển khai được”, bà Trinh lý giải.

Về phương án khắc phục khó khăn ở 2 điểm thôn 9 và thôn Hồ Voi của trường mẫu giáo Hoa Thiên Lý, UBND huyện chỉ đạo các đơn vị tập trung ưu tiên xây nhà vệ sinh, công trình nước tại các điểm đã được quy hoạch sát gần với Hội trường, nhà Văn hóa thôn mà nhà trường mượn học nhờ, học tạm.

Hàng trăm học sinh học tạm hội trường thôn: Sẽ xây dựng nhà vệ sinh trước - 4
Sợ học sinh "mù chữ" các giáo viên lặn lội vào các buôn để dạy học

“Về lâu dài, sau khi tình hình dân di cư tự do đã ổn định, huyện sẽ ưu tiên các nguồn dự án hoặc kêu gọi các tổ chức, các nhân, các nhà hảo tâm trong và ngoài huyện, ngoài tỉnh xây dựng phòng học, tường rào tại các điểm học này để các em có nơi học tập”, bà Trinh cho hay.

Bên cạnh đó, bà Trinh cho biết huyện sẽ sớm làm Tờ trình và dự trù kinh phí của điểm trường gửi báo Dân trí để nhờ bạn đọc báo cùng chung tay giúp đỡ xây dựng tại điểm trường khó khăn này.

Hàng trăm học sinh học tạm hội trường thôn: Sẽ xây dựng nhà vệ sinh trước - 5
Lớp học tạm nhếc nhác, không có chỗ kê bàn ghế

Ông Nguyễn Tuấn Hà, Phó chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk, cho biết, việc báo chí phản ánh những vấn đề cần thiết, chính đáng cho học sinh vùng sâu vùng xa là rất đáng hoan nghênh và ông chỉ đạo UBND huyện Krông Pắk sớm thực hiện việc xây dựng nhà vệ sinh giúp các em có điều kiện học hành.

Riêng về dự toán kinh phí của công trình điểm trường để nhờ báo Dân trí hỗ trợ xây dựng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo huyện phải hoàn thành sớm nhất có thể để nhận được chia sẻ, giúp đỡ cho học sinh vùng khó khăn.

Hàng trăm học sinh học tạm hội trường thôn: Sẽ xây dựng nhà vệ sinh trước - 6
Hàng trăm em nhỏ ao ước có một điểm trường để thoát cảnh học tạm