Độc đáo Tết con gà của đồng bào Mông

Bình Minh

(Dân trí) - Với quan niệm con gà là con vật thiêng, có ý nghĩa trong đời sống tâm linh, vì thế từ ngày 27 đến 30 tháng Chạp, các gia đình người Mông đều chọn một ngày để làm Tết con gà và đón năm mới.

Những ngày đầu tháng Chạp rét mướt, chúng tôi có dịp về với đồng bào dân tộc Mông ở các huyện vùng cao Quan Sơn, Mường Lát, Quan hóa…, tỉnh Thanh Hóa. Các gia đình người Mông đã chuẩn bị lợn, gà, kiếm củi để dùng trong những ngày Tết, phụ nữ chọn hoặc đi mua sắm cho mình những bộ váy áo mới và những bộ vòng trang sức bằng bạc trắng.

Gà - con vật thiêng của người Mông

Người Mông đến nay vẫn lưu giữ rất nhiều phong tục tập quán đặc sắc, độc đáo. Một trong những nét văn hóa ấy là phong tục ăn Tết con gà.

Độc đáo Tết con gà của đồng bào Mông - 1

Gà được mang cúng thần bếp.

Ngày Tết con gà của đồng bào Mông bắt đầu từ ngày 27 tháng Chạp. Với người Mông, trước Tết một tuần, họ bắt đầu nghỉ ngơi, chuẩn bị đón Tết. Các dụng cụ như cày, cuốc, xẻng… sẽ được rửa sạch sẽ rồi mang vào để cạnh bàn thờ tổ tiên trong nhà.

Một công việc khá quan trọng là phải làm lễ đóng tất cả các công cụ sản xuất này lại vì họ quan niệm các dụng cụ cũng giống như con người, phải được nghỉ ngơi và ăn Tết.

Theo ông Thào Chứ Pó, Trưởng Bản Pù Ngùa, xã Pù Nhi, quan niệm của người Mông ở Mường Lát, con gà cũng như chiếc gùi, cây khèn,… là biểu tượng văn hóa giàu bản sắc, là "con vật thiêng" đóng vai trò quan trọng trong đời sống tâm linh. Vì vậy, trong các nghi lễ cả vòng đời và các phong tục, tập quán của đồng bào Mông luôn gắn với sự hiện hữu của con gà.

Độc đáo Tết con gà của đồng bào Mông - 2

Đây là nghi lễ cúng hồn vía, thầy cúng khấn và người nhà sẽ ôm gà đứng bên cạnh.

Ông Lầu Văn Ly, chuyên viên Phòng Dân tộc huyện Mường Lát cho biết: "Đối với người Mông, con gà được ví như chiếc cầu nối giữa thế giới con người với thế giới thần linh, là con vật chỉ đường, dẫn lối cho người Mông, vì thế, lúc đứa trẻ mới sinh ra, lớn lên, dựng vợ, gả chồng cho đến lúc mất đi, các nghi thức cúng lễ đều lấy con gà làm vật cúng.

Với quan niệm, gà trống là vật thần, biết cất tiếng gáy gọi mặt trời nên nó có thể phân biệt được tà ma, xua đuổi được những điều đen đủi cho gia chủ nên sau khi ôm con gà trống đỏ khấn vái tổ tiên sẽ được mang đi cắt tiết và nhổ 3 túm lông đẹp nhất ở cổ gà dán trên bàn thờ với hàm ý đã dâng tặng Xử Ca (bàn thờ). Mỗi năm, vào dịp Tết, lông gà trên bàn thờ lại được thay một lần, người Mông tin rằng làm như vậy sẽ mang lại cho họ may mắn và thịnh vượng…

Độc đáo nghi lễ cúng trong ngày Tết con gà 

Kể về các nghi lễ cúng trong ngày Tết con gà, ông Lầu Văn Ly cho biết, người Mông sẽ chọn 4 con gà để cúng hồn vía, tổ tiên và thần bếp. Mỗi nghi lễ sẽ có cách bày biện đồ lễ khác nhau.

Độc đáo Tết con gà của đồng bào Mông - 3

Gà sống sau khi cúng xong sẽ mang đi làm thịt và tiếp tục cúng.

Theo ông Ly, đầu tiên là cúng làm vía, bà con sẽ chọn một đôi gà gồm một gà trống và một mái còn sống, một ép đựng gạo (đan bằng tre, nứa), và số trứng gà bằng số khẩu trong gia đình.

Ép đổ đầy gạo được đặt lên ghế để ngay cửa chính của ngôi nhà, một bát gạo dùng để bỏ trứng và cắm 3 nén hương, 2 nén hương cắm hai bên của chính, 2 con gà được 2 người cầm và đứng sau thầy cúng. Thầy cúng vừa gõ chiêng vừa gọi vía rồi cầm nén hương chỉ vào đầu con gà đọc lời khấn.

Độc đáo Tết con gà của đồng bào Mông - 4

Thầy cúng thực hiện tiếp nghi lễ cúng.

Sau khi cúng gà sống xong, gà được mang đi cắt tiết, mổ làm sạch và luộc nguyên con. Gà chín sẽ được đặt lên mâm và thêm một ép cơm, bát nước luộc gà, 2 chén rượu cùng các đồ lễ trước đó, thầy cúng tiếp tục gõ chiêng và đọc lời khấn mời hồn vía về ăn.

Tiếp đó là đến cúng tổ tiên, gia đình sẽ chọn một con gà trống còn sống lông mượt, đẹp để cúng. Thầy cúng sẽ thay ống cắm hương, giấy bản (là loại giấy tự làm của đồng bào, giấy được cắt bằng khổ giấy A4 và đục hoa văn) treo trên vách của gian giữa nhà.

Lúc này, thầy cúng thông báo đến các vị thần tài - lộc và tổ tiên rằng năm cũ qua đi, năm mới đến gia chủ có con gà cúng mời các vị về chứng giám và phù hộ cho gia chủ làm ăn phát đạt, không bệnh tật. Sau đó, gà được cắt tiết và nhổ 3 nắm lông chấm tiết dán lên tờ giấy theo hình mắt - mũi của con người rồi đốt 3 nén hương.

Gà sau khi cắt tiết được mổ và luộc nguyên con, gà chín được đặt lên mâm gồm: Con gà, một chén rượu, ép cơm, một bát nước luộc gà, một cái thìa, đôi đũa. Mâm được đặt phía dưới bàn thờ ở gian giữa nhà. Thầy cúng vừa khấn mời các vị thần, tổ tiên về ăn, rồi cầm chén rượu đổ vào thìa cơm.

Độc đáo Tết con gà của đồng bào Mông - 5

Trong ngày Tết con gà, người Mông sẽ phải thực hiện 3 nghi lễ cúng.

Cuối cùng là cúng thần bếp, một con gà trống đẹp được thầy cúng mang đến bên bếp và khấn. Thầy cúng sẽ khấn xin thần bếp phù hộ gia chủ làm ra của cải đầy nhà để luôn có cái nấu, bếp luôn sáng giữ ấm cho ngôi nhà…  

"Sau tất cả các bước trên gia chủ sẽ cắt giấy bản thành từng tờ để dán lên cột nhà và dụng cụ lao động như: Dao, cuốc, xẻng… rồi đặt ngay ngắn vào sát vách ở gian giữa nhà. Quan niệm của người Mông là năm mới thay diện mạo mới cho ngôi nhà, gia chủ nghỉ ngơi đi chơi Tết, 3 ngày sau mới được xé và sử dụng các dụng cụ lao động", ông Ly cho biết thêm.

Ngoài ra, trong ngày Tết con gà, người Mông còn làm bánh dày - món bánh truyền thống. Người Mông quan niệm bánh dày tròn tượng trưng cho mặt trăng, mặt trời - là nguồn gốc sinh ra con người và muôn loài trên trái đất. Bởi vậy, vào những ngày Tết không thể thiếu món bánh dày để cúng tổ tiên và trời đất.

Độc đáo Tết con gà của đồng bào Mông - 6

Sau khi hoàn thành lễ cúng, gia chủ sẽ cắt giấy bản dán lên cột nhà và các dụng cụ lao động và đặt vào sát vách ở gian giữa.

Sau khi hoàn tất các nghi lễ thờ cúng, toàn bộ thành viên trong gia đình sẽ quây quần bên nhau, cùng ăn bữa cơm đón mừng năm mới.

Vào sáng mùng 1 đầu xuân năm mới, những người già sẽ đến thăm hỏi, chúc Tết nhau; thanh niên trai gái trong bản sẽ kéo nhau ra bãi đất rộng hoặc nhà văn hóa tổ chức hoạt động như: Ném pao, kéo co, chơi cù, bóng chuyền… Đây cũng là dịp để những người yêu nhau có thời gian tìm hiểu và nên duyên vợ chồng.