1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Bắc Kinh sẽ không để Snowden bị dẫn độ về Mỹ?

(Dân trí) – Đây là câu hỏi đang được dư luận quan tâm nhất sau khi Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) tuyên bố đã mở một cuộc điều tra hình sự nhằm vào cựu nhân viên tình báo này.

Chính phủ Mỹ vẫn đang đau đầu trước quyết định có nên dẫn độ Snowden về nước.

Chính phủ Mỹ vẫn đang đau đầu trước quyết định có nên dẫn độ Snowden về nước.

Theo tiết lộ của Giám đốc FBI Robert Mueller tại phiên điều trần trước Ủy ban Tư pháp Hạ viện hôm 13/6, Mỹ đã mở cuộc điều tra hình sự và đang thực hiện "tất cả các bước cần thiết" để khởi tố cựu nhân viên Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) Edward Snowden về tội tiết lộ các chương trình giám sát bí mật của Mỹ.

"Những tiết lộ này đã gây phương hại nghiêm trọng cho đất nước và sự an toàn của chúng ta. Người đã thừa nhận đưa ra những tiết lộ này hiện đang là đối tượng của một cuộc điều tra hình sự. Chúng tôi đang áp dụng tất cả những biện pháp cần thiết để buộc người này phải chịu trách nhiệm về những tiết lộ đó", ông Muller - người sắp nghỉ hưu sau hơn một thập kỷ lãnh đạo FBI – nói.

Ông cũng đã lên tiếng bảo vệ các hoạt động thu thập thông tin cuộc gọi và dữ liệu trên Internet, cho rằng đây là những công cụ quan trọng giúp Mỹ triệt phá thành công hàng chục vụ tấn công khủng bố.

"Chương trình này được xây dựng để thực hiện những mục tiêu rất hạn chế và chỉ hướng tới một số đối tượng nhất định. Chúng chỉ được sử dụng để phát hiện các cá nhân tại Mỹ dùng điện thoại để thực hiện các hoạt động khủng bố và gây dựng mạng lưới khủng bố", ông giải thích.

Để tăng thêm sức nặng bảo vệ, vị giám đốc FBI sắp mãn nhiệm còn lập luận rằng chương trình này lẽ ra đã có thể được sử dụng để ngăn chặn cuộc tấn công khủng bố 11/9.

"Nếu khi đó chúng ta có các chương trình theo dõi này, chúng ta đã có thể phát hiện ra al-Mihdhar, một trong những tên không tặc tham gia vụ khủng bố 11/9 đã thực hiện nhiều cuộc gọi từ San Diego tới một nơi ẩn náu của al-Qaeda ở Yemen", ông Muller giãi bày.

Những bình luận của Giám đốc FBI là sự xác nhận rõ ràng đầu tiên về việc chính phủ Mỹ đang truy bắt Snowden. Câu hỏi đặt ra là: Liệu Snowden có bị dẫn độ về Mỹ?

Để trả lời câu hỏi này, trước hết cần phân định hành động của Snowden là bảo vệ quyền lợi riêng tư hay xâm hại an ninh quốc gia. Đây cũng là chủ đề đang gây chia rẽ nước Mỹ, nhất là giữa chính phủ với người dân.

Đại diện cho tiếng nói của chính phủ, người đứng đầu NSA và cũng là sếp cũ của Snowden, Tướng Keith Alexander, cho rằng việc các chương trình giám sát bị tiết lộ đã gây phương hại lớn cho an ninh quốc gia.

Cùng quan điểm này, trong cuộc phỏng vấn với đài NBC, Giám đốc An ninh Quốc gia Mỹ James Clapper nói rằng hành động của Snowden “gây tổn hại nghiêm trọng và ảnh hưởng tới an toàn cũng như an ninh quốc gia Mỹ".

Thượng nghị sĩ Dianne Feinstein, Chủ tịch Ủy ban Tình báo Thượng viện và là thành viên đảng Dân chủ cũng cáo buộc: “Việc tiết lộ của Snowden không khác nào hành động phản quốc”.

Đây cũng là điều được Chủ tịch Hạ viện Mỹ John Boehner, một thành viên đảng Cộng hòa, nhắc tới, nhưng dưới cách gọi khác là "kẻ phản bội".

Mitch McConnell, nghị sĩ hàng đầu của đảng Cộng hòa tại Thượng viện, cho rằng Snowden phải bị truy tố trước pháp luật. McConnel lý giải những lo ngại về quyền riêng tư là có thể thông cảm được, nhưng điều không thể tha thứ là Snowden lại trao những thông tin trên cho các đối thủ của Mỹ, ám chỉ Trung Quốc.

Có lẽ lâu lắm rồi chính trường Mỹ mới lại có được sự kiện tạo sự đồng thuận cao trong các nghị sĩ của hai đảng Dân chủ và Cộng hòa. Tuy nhiên, sự kiện này lại gây chia rẽ sâu sắc hơn giữa người dân với chính phủ vì những lo ngại cho rằng NSA đã vượt quá quyền hạn cho phép.

“Edward Snowden là người hùng quốc gia và nên được hưởng ngay lập tức sự ân xá tuyệt đối vì bất kỳ tội danh nào phạm phải”, một đơn thỉnh cầu đăng tải trên trang web Nhà Trắng với hơn 50.000 chữ ký ủng hộ.

"Anh ấy là một người hùng", nhà báo John Cassidy của tờ New Yorker viết. "Trong khi tiết lộ quy mô khổng lồ chương trình do thám của chính phủ…, anh ấy đã làm một công việc lớn lao hơn nhiều bất kỳ sự vi phạm lòng tin nào mà anh ấy có thể phạm phải".

Daniel Ellsberg, người từng tiết lộ các tài liệu của Lầu Năm Góc vào năm 1971 về lịch sử bí mật chiến tranh Việt Nam, viết: "Trong lịch sử nước Mỹ, chưa từng có vụ tiết lộ quan trọng nào như vụ tiết lộ của Snowden về các chương trình bí mật của NSA".

Bản thân Snowden cũng nói anh “không muốn sống trong một thế giới nơi tất cả những gì tôi nói và làm đều bị thu âm".

Nếu tiếp cận dưới góc độ của Snowden và những người dân Mỹ khác (cho dù không phải là tất cả), việc tiết lộ chương trình giám sát của Snowden không đáng bị đưa ra xét xử trước tòa án hình sự Mỹ.

Nhưng nếu tiếp cận dưới góc độ của chính giới Mỹ, rõ ràng Snowden đang phạm tội “tày đình”, khó có thể dung thứ. Do vậy, với công cụ pháp lý là thỏa thuận dẫn độ đã ký với Hong Kong, chính phủ Mỹ hoàn toàn có thể yêu cầu dẫn độ Snowden về nước.

Tuy nhiên, câu chuyện của Snowden không chỉ gói gọn trong chính trường Mỹ hay mối quan hệ giữa Mỹ với Hong Kong, mà còn liên quan chặt chẽ tới một bên thứ ba là Trung Quốc, nước hiện đang hưởng lợi nhiều nhất từ vụ tiết lộ động trời của cựu nhân viên CIA, người cũng đang bị nghi ngờ là điệp viên hai mang cho Trung Quốc.

Đây chính là nguyên nhân tại sao đến giờ này Mỹ vẫn trù trừ trong việc đưa ra quyết định dẫn độ Snowden. Washington không thể tiếp tục mạo hiểm khi mà Trung Quốc vẫn đang sử dụng chiến thuật “im lặng là vàng” trong vụ việc này.Bởi Mỹ thừa hiểu, dù không nói ra nhưng Bắc Kinh -với mạng lưới đặc vụ ngầm dày đặc ở Hong Kong- sẽ không để cho Washington dễ dàng lấy đi “con át chủ bài Snowden” lẫn cơ hội có được hàng nghìn trang tài liệu mật về chương trình giám sát tốt mật của chính phủ Mỹ.   

Đức Vũ