1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Chuyện cưới hỏi ở Ai Cập

(Dân trí) - Ở Ai Cập và hầu hết các nước Trung Đông khác, nhiều thanh niên đã buộc phải trì hoãn việc kết hôn, trong khi đa số coi đây như một cách để có thể thoát khỏi một số quan niệm xã hội khắt khe. Lý do chủ yếu là vấn đề tài chính.

Hôn nhân có ý nghĩa quan trọng về mặt tài chính đối với các gia đình và cộng đồng ở Ai Cập. Thông thường, khoản tiết kiệm duy nhất của mỗi gia đình trong suốt thời gian dài là tiền dành cho con cái họ khi lập gia đình, và sẽ tiếp tục được tích luỹ qua nhiều thế hệ, nên đôi khi trở thành một gia sản lớn.

 

Tuy nhiên, do chi phí cưới xin đắt đỏ, nhiều gia đình nghèo đã không đủ khả năng trang trải. Bà Diane Singerman, một giáo sư của Đại học Mỹ (American University), cho biết theo kết quả khảo sát năm 1999, tổng chi phí cho một đám cưới ở Ai Cập là khoảng 6.000 USD, tức là gấp 11 lần chi tiêu hàng năm bình quân theo đầu người. 5 năm sau đó, kết quả khảo sát cho thấy giá cả đã tăng 25%, đồng nghĩa với việc chú rể và bố anh ta, nếu thuộc tầng lớp nghèo nhất xã hội, sẽ phải tiết kiệm thu nhập trong 8 năm ròng mới đủ tiền lo cho một đám cưới.

 

Kết quả là nhiều người phải trì hoãn chuyện hôn nhân, và lứa tuổi kết hôn trung bình ở Ai Cập ngày một tăng. Nhiều người đến 40-50 tuổi mới lấy vợ.

 

Với một nền giáo dục và kinh tế còn nhiều bất cập, thế hệ trẻ Ai Cập nhiều người có bằng cấp nhưng không tìm được việc làm phù hợp và phải chấp nhận thu nhập chỉ ở mức đủ sống.

 

Như trường hợp anh Ahmed Muhammad Sayyid có công ăn việc làm ổn định và muốn kết hôn, nhưng đã bị gia đình bạn gái từ chối, vì sau 2 năm mà anh không kiếm đủ tiền, hơn 20.000 USD, để mua một căn hộ riêng và sắm nội thất cho hai vợ chồng.

 

Nhiều thanh niên Ai Cập khác cũng rơi vào tình cảnh tương tự như Sayyid.

 

Những hình ảnh dưới đây sẽ đem đến một góc nhìn về chuyện cưới xin, sự kiện được coi là trọng đại trong cuộc đời mỗi người, ở Ai Cập:

 

Chuyện cưới hỏi ở Ai Cập - 1
 Abeer Adel, 19 tuổi, cùng với vị hôn phu Amgad Muhammad, 21 tuổi, đang đi xem nhẫn đính hôn và một số đồ trang sức khác tại một cửa hiệu ở thủ đô Cairo của Ai Cập. Hai người, là anh em họ, cho biết họ dự định đính hôn trong 4 năm rồi mới làm đám cưới

 

Chuyện cưới hỏi ở Ai Cập - 2
 Tại một nhà thờ Hồi giáo ở Cairo, Amal Muhammad Hassan (ngồi giữa), 17 tuổi, chuẩn bị ký vào bản đăng ký kết hôn cùng với vị hôn phu, anh Yasser Allam (ngồi bên phải), 27 tuổi, với người phụ trách việc kết hôn. Người này có trách nhiệm lấy chữ ký cũng như các giấy tờ đăng ký cần thiết của đôi uyên ương, đồng thời giảng giải cho họ hiểu về những nghĩa vụ khác liên quan đến việc kết hôn

 

Chuyện cưới hỏi ở Ai Cập - 3

Vì lo những tác động tiêu cực có thể phát sinh khi người trẻ không đủ khả năng tài chính cho việc tổ chức đám cưới, chính phủ Ai Cập, cũng như nhiều nước Trung Đông khác, như Ảrập Xê-út, có chính sách hỗ trợ kinh phí tổ chức các đám cưới tập thể để các đôi sớm ổn định cuộc sống. Hồi cuối năm ngoái, một lễ cưới tập thể đã được tổ chức bằng ngân sách nhà nước cho hàng chục đôi uyên ương tại Idku, Ai Cập. Trong ảnh là cảnh các cô dâu xếp hàng để chọn váy cưới

 

Chuyện cưới hỏi ở Ai Cập - 4
 “Như một quy ước bất thành văn trong xã hội, lập gia đình gần như là một điều bắt buộc ở các quốc gia Hồi giáo Ảrập,” ông Azza Korayem, nhà xã hội học thuộc Trung tâm quốc gia về các vấn đề xã hội và tội phạm của Ai Cập nói. “Những người không kết hôn, dù là đàn ông hay phụ nữ, đều sẽ cảm thấy bị cô lập.”

 

Chuyện cưới hỏi ở Ai Cập - 5
 Các lễ cưới tập thể, như ở Idku, thường diễn ra như một ngày hội, trong không khí vui vẻ. Các đôi, phần đông ở độ tuổi gần 40 hoặc 50, được phép mời khá đông bạn bè và người thân tới chung vui

 

Chuyện cưới hỏi ở Ai Cập - 6
 Tại đám cưới tập thể ở Idku, các đôi được đưa đến một sân vận động ngoài trời. Rất đông người đã tập trung sẵn trong một khán phòng lớn để chào đón họ, trong không gian tràn ngập ánh đèn nê-ông và tiếng nhạc truyền thống. Lãnh đạo địa phương và một ngôi sao truyền hình đóng vai trò là người dẫn chương trình

 

Chuyện cưới hỏi ở Ai Cập - 7
 Các tân lang và tân nương khiêu vũ mừng đám cưới cùng với bạn bè và người thân bên bờ sông Nile ở Cairo, Ai Cập

 

 

Nhật Linh

Theo NYT