1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Cú điện thoại cứu mạng 7 thủy thủ Nga

Không có cú điện thoại đẫm nước mắt của một người phụ nữ giấu tên đến đài phát thanh địa phương, thế giới có lẽ chỉ biết về vụ tàu ngầm Nga bị mắc nạn tại Thái Bình Dương khi đã quá muộn.

Guzel Latypova, phóng viên tại thành phố cảng Petropavlovsk-Kamchatsky, cho biết cú điện thoại đó đã phá vỡ sự im lặng và buộc giới chức phải cầu cứu nước ngoài, giải thoát cho 7 thủy thủ dưới đáy đại dương.

 

Tiếng điện thoại vang lên tại đài phát thanh số 3 nơi Latypova làm biên tập viên thời sự khoảng 24 giờ sau khi con tàu ngầm AS-28 bị mắt kẹt dưới độ sâu 190 m dưới lòng Thái Bình Dương.

 

"Một phụ nữ vừa gọi vừa khóc. Bà ấy nói rằng một chiếc tàu ngầm với 7 thủy thủ trong đó đã bị mắc kẹt tại Vịnh Berezovaya," Latypova, 32 tuổi, kể lại. Người phụ nữ bí mật đó cho biết bà nghe tin từ "một người" trong quân đội.

 

"Bà ấy đã cứu các thủy thủ. Cần dựng tượng đài cho bà ấy. Nếu không có cú điện thoại đó chắc chắn vụ việc đã bị bưng bít", Latypova nói.

 

Latypova cũng làm cho đài truyền hình Kamchatka và hãng tin Interfax của Nga. Lúc đầu, cô không biết xử lý thông tin giật gân đó như thế nào.

 

"Cả ngày hôm đó chúng tôi gần như chẳng có tin tức gì. Tôi gọi cho đồng nghiệp Oksana Guseva ở hãng thông tấn Ria Novosti và chúng tôi cố thẩm định thông tin bằng những nguồn tin chúng tôi có".

 

Guseva tìm cách tiếp cận tổng tư lệnh khu vực đông bắc Nga Viktor Gavrikov. "Giọng ông ấy thay đổi ngay lập tức. Ông ấy nói: "Không bình luận gì" rồi gác máy và khiến chúng tôi tin rằng vấn đề rất nghiêm trọng", Latypova nói.

 

5 phút sau, bà phát tin đó lên đài và chẳng bao lâu tin này lan khắp nước Nga thông qua các hãng tin và truyền hình.

 

Nhờ có báo chí mà vợ của Vyacheslav Miloshevsky, 25 tuổi, người chỉ huy con tàu ngầm, mới biết chuyện.

 

"Cô ấy nghe tin trên đài địa phương lúc 7h tối. Cô ấy không nhận được thông tin chính thức", Latypova nói.

 

Khi gia đình này cố hỏi lực lượng hải quân về cơ hội gặp lại người thân của họ, một nhà tâm lý quân sự đến và nói với Yelena, vợ của Miloshevsky: "Đây là nước Nga - hãy cầu nguyện đi!".

 

"Đó là kiểu giúp đỡ về tâm lý duy nhất mà họ nhận được", Latypova bình luận.

 

Chỉ vài giờ sau, quân đội Nga tại Moscow và tại thành phố Vladivostok bên bờ Thái Bình Dương xác nhận thông tin này.

 

Nhưng ở Petropavlovsk-Kamchatsky, các sĩ quan quân sự địa phương không nói gì về vụ việc, mãi cho đến tận hôm qua, hai ngày sau khi mọi chuyện đã được giải quyết. 

 

Theo Ngọc Sơn

Vnexpress/AFP