1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Mỹ có thực sự cần thiết phải bắn hạ vệ tinh do thám?

(Dân trí) - Thực tế hơn 50 năm chinh phục không gian của nhân loại kể từ sự kiện phóng tàu Sputnik cho thấy, chúng ta giỏi phóng các cỗ máy lên quỹ đạo hơn là bắn phá hủy chúng. Nhưng tuần này Lầu Năm Góc đã làm một điều hoàn toàn khác.

Vào đêm ngày 20/2, Lầu Năm Góc thông báo họ đã phóng thành công một tên lửa từ một tàu chiến trên Thái Bình Dương, và bắn hạ vệ tinh do thám đã mất kiểm soát đang nằm cách chúng ta hơn 200km. Đây là nỗ lực tốn kém tới 60 triệu USD, nhằm cho nổ tung vệ tinh bên ngoài vũ trụ trước khi nó có thể quay trở lại trái đất và làm hại tới ai đó.

 

Sự kiện bắn hạ thành công chỉ là một kỳ công nho nhỏ trong con mắt những nhà hoạch định quân sự Mỹ. Tuy nhiên, không thể nào nói hết được toàn bộ sự thật đằng sau vụ việc, vì sao các nhà chức trách Mỹ ngay từ đầu lại trăn trở về vệ tinh này nhiều đến vậy.

 

Vệ tinh do thám được bắn hạ là một vệ tinh do thám vô danh nặng hơn 2 tấn, được phóng lên quỹ đạo vào năm 2006. Tuy nhiên, nó bị mất kiểm soát gần như ngay sau khi đi vào quỹ đạo. Những vệ tinh ở quỹ đạo khá thấp như vệ tinh do thám này lao trở lại trái đất nhanh hơn so với những vệ tinh ở quỹ đạo cao, do lớp trên cùng của tầng khí quyển trái đất sản sinh ra các lực kéo ngày càng lớn, kéo các vật ở quỹ đạo thấp ngày càng xuống thấp hơn. Theo tính toán vệ tinh do thám này có thể lao xuống trái đất vào khoảng tháng ba tới, tuy nhiên với vận tốc có thể làm cho nó bị thiêu thành tro bụi hoàn toàn hoặc ít ra thì cũng gần như toàn bộ.

 

Nhưng vì sao Lầu Năm Góc lại phải cẩn thận bắn hạ vệ tinh do thám này ngay trước khi nó lao vào bầu khí quyển của trái đất? Theo họ, thì tất cả đều vì lý do an toàn. Vệ tinh do thám mất kiểm soát nặng hơn 2 tấn này có thể gây ra tổn hại nghiêm trọng một khi nó rơi nhầm vị trí. Hơn nữa, vệ tinh đặc biệt này còn đang mang theo một thùng nhiên liệu chứa hơn 200kg hydrazine được làm lạnh. Không biết hậu quả sẽ ra sao nếu bạn chẳng máy hít phải khí đó. Lao xuống trái đất với một độ chóng mặt, khí hydrazine ngay lập tức sẽ bị phát tán trên một vùng rộng bằng cả hai sân bóng.

 

Tuy nhiên, tất cả những điều trên lại rất khó có thể xảy ra. Lý do bởi, 70% bề mặt trái đất là nước. Hơn nữa trong 30% bề mặt trái đất còn lại, có rất nhiều phần trong đó không có con người sinh sống. Chính NASA cũng thừa nhận rằng hiện có 3.000 vệ tinh và 6.000 mảnh bụi không gian đang lượn lờ quanh trái đất – một số lượng khổng lồ những vật bỏ đi có khả năng sẽ lao vào trái đất có giải thích cho sự kiện bắn hạ vệ tinh gây quá nhiều quan tâm vừa qua?

 

Ngoài ra, giải thích về khí hydrazine cũng khiến người ta phải ngờ vực. Sẽ vô cùng khó cho một tàu vũ trụ (ở đây là vệ tinh do thám) có thể sống sót được khi lao xuống trái đất với vận tốc kinh hoàng. Thậm chí là cả khi bạn mong muốn như thế. Các cuộc thử nghiệm khoa học được tiến hành trên các thiết bị của tàu thám hiểm mặt trăng Apollo được chạy bằng nhiên liệu phóng xạ, cho thấy người ta phải bọc một lớp gốm rất dày để đảm bảo rằng nó sẽ tránh được một vụ tai nạn. Thậm chí sau đó, vẫn còn những lo ngại khác bởi vẫn tồn tại nguy cơ, tốc độ cao không kiểm soát có thể làm nứt thùng tôn và làm rò rỉ phóng xạ. Còn thùng chứa hydrazine, là một thùng rỗng, sẽ không thể vững chắc và khó mà “trụ” được trước sức nóng cùng khí động lực mà vụ va chạm xuống trái đất đang chờ nó gây ra. Điều này có nghĩa, nhiên liệu sẽ bị văng ra khỏi thùng khi ở rất cao trong bầu khí quyển, nơi nó sẽ chỉ là một loại khí vô hại mà thôi.

 

Vì vậy giải thích có thuyết phục cho vụ bắn hạ này là một bài tập dượt chính trị hơn là cho lý do an toàn. Washington không thể yên lòng khi vào tháng 1/2007 Trung Quốc bắn hạ một trong những vệ tinh dự báo thời tiết của mình sau khi nó đã hết hạn sử dụng. Điều này cũng cho thấy Trung Quốc có đủ công nghệ để bắn trúng mục tiêu đang bay trên quỹ đạo của bất kỳ nước nào trên thế giới, với sự dễ dàng tương tự. Washington xem hành động của Trung Quốc như là một “tuyên bố” chính trị, rằng vệ tinh do thám của Mỹ giờ đây không còn an toàn nữa. Chính vì vậy việc bắn hạ vệ tinh lần này của Mỹ như một cử chỉ đáp trả. Hơn nữa, tính toán thời gian để vụ bắn hạ này cũng đặc biệt đáng ngờ bởi chỉ vài ngày trước khi Lầu Năm Góc công khai về kế hoạch của mình, Trung Quốc và Nga đã đưa ra một lên án chung về việc quân sự hóa ngành không gian.

 

Cuối cùng, còn một giả thuyết khác, là Lầu Năm Góc thực sự lo lắng về một điều gì đó khác trên vệ tinh do thám này, chứ không phải là về thùng nhiên liệu. Thực chất, vệ tinh do thám được cấu tạo từ những máy móc tối mật, và không có gì vui hơn khi một cường quốc quân sự có cơ hội thu giữ và lấy được công nghệ của một cường quốc khác. Nếu những thiết bị camera và liên lạc của Mỹ rơi nhầm vào tay của người khác, thì những thành tựu chiến lược họ dày công xây dựng, phát triển sẽ biến thành “công cốc”.

 

Song khi thành công đã được tuyên bố vào đêm 20/2, Lầu Năm Góc chắc chắn sẽ không bao giờ thay đổi lời giải thích trước đó của mình. Họ đã tuyên bố sứ mệnh bắn hạ đã hoàn thành, nên từ nay trở đi, bất kỳ nghi vấn nào cũng sẽ đi theo cùng vệ tinh do thám đó.

 

Nguyên Hạ

Theo Time