1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Nga chỉ trích Đan Mạch vì dừng điều tra vụ phá hoại đường ống Nord Stream

Quốc Đạt

(Dân trí) - Cảnh sát Đan Mạch tuyên bố khép lại cuộc điều tra vụ phá hoại đường ống dẫn khí đốt Dòng chảy phương Bắc nối Nga và Đức vào năm 2022. Điện Kremlin gọi động thái này là "gần như vô lý".

Nga chỉ trích Đan Mạch vì dừng điều tra vụ phá hoại đường ống Nord Stream - 1

Rò rỉ khí tại Nord Stream 2 nhìn từ máy bay F-16 của Đan Mạch ở Bornholm, Đan Mạch, vào ngày 27/9/2022 (Ảnh: Bộ Quốc phòng Đan Mạch).

"Dựa trên kết quả điều tra, nhà chức trách có thể kết luận rằng hành vi phá hoại đường ống là có chủ ý", AFP dẫn lời cảnh sát Copenhagen ngày 26/2. "Đồng thời, chúng tôi đánh giá rằng không có cơ sở cần thiết để khởi tố vụ án hình sự ở Đan Mạch".

Cảnh sát Copenhagen cho biết cuộc điều tra của họ - có sự phối hợp với cơ quan tình báo PET của Đan Mạch - rất "phức tạp và sâu rộng". Nhưng họ không cung cấp thêm chi tiết.

Nước láng giềng của Đan Mạch là Thụy Điển đã kết thúc cuộc điều tra vào đầu tháng 2 với lý do thiếu thẩm quyền. Như vậy, hiện chỉ có Đức còn điều tra về vụ rò rỉ.

Hồi tháng 9/2022, 4 vụ rò rỉ khí lớn xuất hiện trên 2 đường ống của Dòng chảy phương Bắc ("Nord Stream") ở ngoài khơi đảo Bornholm của Đan Mạch. Ngay trước đó, các viện địa chấn ghi nhận 2 vụ nổ dưới nước.

Các vụ rò rỉ trên xuất hiện ở vùng biển quốc tế nhưng 2 vụ nằm trong vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Đan Mạch và 2 vụ còn lại thuộc EEZ Thụy Điển.

Tập đoàn năng lượng Gazprom của Nga nắm giữ phần lớn cổ phần trong đường ống đôi, trong khi phần còn lại thuộc sở hữu của các công ty Đức, Hà Lan và Pháp.

Đường ống của dự án Dòng chảy phương Bắc từng là trung tâm của căng thẳng địa chính trị sau khi Nga cắt nguồn cung khí đốt cho châu Âu nhằm trả đũa các biện pháp trừng phạt của phương Tây liên quan "chiến dịch quân sự đặc biệt" của Moscow tại Ukraine.

Nhiều giả thuyết đã xuất hiện xung quanh vụ phá hoại đường ống, có thể đổ lỗi cho Ukraine, Nga hoặc Mỹ. Tất cả đều phủ nhận có liên quan tới sự việc.

Đan Mạch, Thụy Điển và Đức đều giữ kín quá trình điều tra, có thể là để tránh rủi ro công khai những tình tiết có khả năng gây ra ảnh hưởng tiêu cực trên phương diện ngoại giao, theo giới phân tích.

Quyết định khép lại cuộc điều tra của Đan Mạch ngay lập tức bị Nga chỉ trích.

"Chuyện gần như vô lý. Một mặt, họ thừa nhận rằng đã xảy ra vụ phá hoại có chủ ý, nhưng mặt khác họ không tiếp tục", AFP ngày 26/2 dẫn lời người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov.

Trước đó, ông Peskov từng đánh giá quyết định dừng điều tra của Thụy Điển là "đáng chú ý".

Khi Thụy Điển kết thúc điều tra, cơ quan công tố nước này nói rằng không có căn cứ cho thấy công dân Thụy Điển có liên quan tới sự việc hay lãnh thổ Thụy Điển đã được sử dụng để thực hiện vụ phá hoại.

Theo AFP