1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Nga lần đầu tiên khởi động sứ mệnh Mặt trăng sau gần 50 năm

Thanh Thành

(Dân trí) - Nga có kế hoạch phóng tàu đổ bộ lên Mặt trăng trong tuần này sau nhiều lần trì hoãn, với hy vọng sẽ quay trở lại vệ tinh tự nhiên này lần đầu tiên sau gần 50 năm.

Nga lần đầu tiên khởi động sứ mệnh Mặt trăng sau gần 50 năm - 1

Tên lửa đẩy Soyuz-2.1b cùng tàu Luna-25 tại sân bay vũ trụ Vostochny. (Ảnh: Roscosmos).

Cơ quan vũ trụ Nga Roscosmos cho biết, họ đã lên lịch phóng tàu đổ bộ Luna-25 vào sáng sớm 11/8.

Với sứ mệnh Mặt trăng này, lần đầu tiên kể từ năm 1976, Nga đang tìm cách khởi động lại và xây dựng lại sứ mệnh không gian tiên phong từ thời Liên Xô.

Vụ phóng này cũng đánh dấu nhiệm vụ đầu tiên trong dự án Mặt trăng mới của Nga và diễn ra khi Tổng thống Vladimir Putin tìm cách tăng cường hợp tác không gian với Trung Quốc, sau khi mối quan hệ với phương Tây rạn nứt do cuộc chiến ở Ukraine.

Các kỹ sư đã lắp ráp một tên lửa Soyuz tại sân bay vũ trụ Vostochny ở vùng Viễn Đông của Nga để phóng tàu đổ bộ, Roscosmos ngày 7/8 cho biết. "Luna-25 sẽ phải thực hành hạ cánh mềm, lấy và phân tích các mẫu đất và tiến hành nghiên cứu khoa học dài hạn", Roscosmos nhấn mạnh trong một tuyên bố.

Tàu đổ bộ 4 chân này, nặng khoảng 800 kg, dự kiến sẽ hạ cánh xuống khu vực cực nam của Mặt trăng. Ngược lại, hầu hết các cuộc đổ bộ lên Mặt trăng trước đây đều diễn ra gần xích đạo của Mặt trăng. Tàu vũ trụ dự kiến sẽ đến Mặt trăng khoảng 5 ngày sau khi phóng.

Sau khi cuộc chiến Ukraine nổ ra vào năm ngoái, Cơ quan Vũ trụ châu Âu (ESA) cho biết họ sẽ không hợp tác với Nga trong vụ phóng Luna-25 sắp tới, cũng như các sứ mệnh 26 và 27 trong tương lai.

Bất chấp việc rút lui, Nga cho biết họ sẽ tiếp tục các kế hoạch Mặt trăng của mình và thay thế thiết bị ESA bằng các thiết bị khoa học do Nga sản xuất.

Phát biểu tại sân bay vũ trụ Vostochny năm ngoái, Tổng thống Putin cho biết Liên Xô đã đưa người đầu tiên vào vũ trụ vào năm 1961 bất chấp các biện pháp trừng phạt "tổng thể" của phương Tây.

"Chúng tôi sẽ tiếp tục thực hiện tham vọng của cha ông để tiến lên phía trước, bất chấp mọi khó khăn và mọi nỗ lực ngăn cản chúng tôi từ bên ngoài", ông Putin nói.

Vào tháng 6, người đứng đầu cơ quan vũ trụ Nga Roscosmos, Yuri Borisov, mô tả vụ phóng sắp tới có rủi ro cao. "Sứ mệnh này liên quan đến việc hạ cánh ở cực nam. Chưa có ai trên thế giới từng thực hiện những việc như vậy", ông nói trong cuộc gặp với Tổng thống Putin.

Theo ông, xác suất đi đến thành công các nhiệm vụ như vậy được ước tính vào khoảng 70%.

Theo SCMP