DNews

Rạn nứt nội bộ Ukraine phía sau thông điệp cuộc chiến bế tắc

Minh Phương An Hoàng

(Dân trí) - Những tranh cãi liên quan đến nhận định cuộc chiến với Nga đã rơi vào bế tắc đang bộc lộ ra rạn nứt nội bộ giới lãnh đạo Ukraine và những rủi ro mà Kiev đối mặt.

Rạn nứt nội bộ Ukraine phía sau thông điệp cuộc chiến bế tắc

Istoryk cuối cùng cũng được chợp mắt trong buổi sáng, kiệt sức sau những trận chiến liên tục với lực lượng Nga trong rừng thông gần Kreminna, miền Đông Ukraine.

Tuy nhiên, thời gian nghỉ ngơi của người lính 26 tuổi này bị rút ngắn chỉ còn một giờ bởi một cuộc đấu súng mới nổ ra, buộc anh phải trở lại vị trí.

"Chúng tôi đã chiến đấu hơn 20 giờ. Chiến đấu không ngừng, tấn công rồi ẩn nấp. Tất cả chúng tôi đều đã làm được điều đó, nhưng chúng tôi không giữ mãi được phong độ. Chúng tôi cần lấy lại sức mạnh", Istoryk nói.

Istoryk đang phục vụ trong tiểu đoàn súng trường của Lữ đoàn cơ giới số 67 trong rừng Serebryanskyi ở Lugansk, miền Đông Ukraine. Hầu hết lãnh thổ tỉnh này đã bị Nga kiểm soát.

Istoryk cho biết đơn vị của anh đang phải đối mặt với sự mệt mỏi và căng thẳng tột độ khi cuộc xung đột chuẩn bị bước sang năm thứ hai trong khi nguồn lực quân sự của Ukraine có hạn và cạn kiệt. Họ biết rằng Nga có nguồn lực lớn hơn nhiều. Câu hỏi đặt ra với họ là làm thế nào Ukraine có thể tạo ra đột phá, phá vỡ thế bế tắc trên chiến trường với nguồn lực bất cân xứng như vậy.

CHIẾN TRƯỜNG BẾ TẮC

Đầu tháng này, Tổng tham mưu trưởng  Ukraine Valery Zaluzhny chia sẻ với tạp chí Economist rằng cuộc chiến với Nga đã đi vào bế tắc và "rất có thể sẽ không có bước đột phá như kỳ vọng" trừ khi bằng một cách thần kỳ nào đó, trình độ công nghệ của Ukraine giành được lợi thế trước Nga.

Theo Tổng tham mưu trưởng Ukraine Zaluzhny, cuộc chiến "đang dần chuyển sang hình thức trận địa chiến", quy mô và thách thức quân sự đối với lực lượng Ukraine đều đã thay đổi. 

Ông Zaluzhny thừa nhận ý tưởng có thể ngăn chặn Nga bằng cách "hủy diệt" quân đội nước này là sai lầm.

"Không nên đánh giá thấp Nga. Dù chịu tổn thất nặng nề, họ vẫn sẽ có lợi thế về vũ khí, trang bị, tên lửa và đạn dược trong thời gian dài. Ngành công nghiệp quốc phòng của Nga đang tăng cường sản xuất bất chấp lệnh trừng phạt từ phương Tây", ông Zaluzhny bình luận.

Rạn nứt nội bộ Ukraine phía sau thông điệp cuộc chiến bế tắc - 1

Tổng tham mưu trưởng  Ukraine Valery Zaluzhny cho rằng cuộc chiến với Nga đã rơi vào bế tắc (Ảnh: Reuters).

Cuộc phản công năm ngoái của Ukraine đã đạt được bước tiến đáng kể hơn: giành lại khoảng một nửa lãnh thổ bị Nga kiểm soát trong năm 2022, đặc biệt là Kherson ở miền Nam và Kharkov ở Đông Bắc. Tuy nhiên, cuộc phản công phát động vào tháng 6 vừa qua ở miền Nam lại không đạt được hiệu quả tương tự, khiến giới chức Kiev lẫn phương Tây đặt ra nhiều nghi vấn về triển vọng thắng lợi.

Sau hơn 5 tháng phản công căng thẳng, quân đội Ukraine chỉ tiến thêm chưa đầy 20km. Họ chưa thể tiến gần đến Biển Azov để cắt đứt hành lang trên bộ giữa bán đảo Crimea và Nga, dù đó là mục tiêu mà Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin đánh giá khả thi với Kiev trong năm nay.

Có rất nhiều lời chỉ trích lẫn nhau giữa quan chức Ukraine và Mỹ đằng sau hậu trường về sự trì trệ của cuộc phản công. Phía Mỹ phàn nàn rằng Kiev đã không triển khai cuộc chiến theo phong cách NATO, mà quay trở lại kiểu chiến tranh tiêu hao đặc trưng của Liên Xô, đồng thời rút lực lượng hỗ trợ cần thiết khỏi khu vực Bakhmut.

Ngược lại, người Ukraine phàn nàn rằng phương Tây không cung cấp đủ vũ khí cho họ để xuyên phá lớp phòng thủ kiên cố của Nga, thậm chí nhiều vũ khí viện trợ không hoạt động tốt.

Ukraine không chỉ thiếu thiết bị rà phá bom mìn, thiết giáp mà quan trọng hơn cả, hệ thống phòng không của họ không đủ chống đỡ các cuộc tập kích của UAV và chiến đấu cơ Nga.

Quân đội Mỹ chắc chắn sẽ không bao giờ tấn công các vị trí cố thủ nếu họ không có ưu thế trên không, nhưng Lầu Năm Góc lại kỳ vọng Ukraine có thể làm điều đó. Tới tận mùa thu năm nay, chính quyền Tổng thống Joe Biden mới gửi xe tăng M1 Abrams và ATACMS tới Ukraine, nghĩa là đã quá trễ cho cuộc phản công diễn ra từ mùa hè.

Trong một phát biểu ngày 15/11, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky nói rằng xe tăng chiến đấu chủ lực M1A1 Abrams do Mỹ cung cấp cho Ukraine hầu như không tạo ra sự khác biệt trên chiến trường. Ông giải thích, lô 31 xe tăng M1A1 Abrams được bàn giao giữa tháng 10 vừa qua là quá ít.

Tuần trước, cựu Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine Andriy Zagorodnyuk cho biết: "Ukraine luôn yêu cầu được cung cấp vũ khí. Thực tế, vũ khí đã và đang tiếp tục đến, nhưng thời gian chờ đợi là quá lâu và châu Âu nói họ không có đủ khí tài".

Alina Polykova, chủ tịch Trung tâm Phân tích Chính sách châu Âu tại Washington, đưa ra nhận định tương tự: "Họ kỳ vọng quá nhiều điều to lớn đến viển vông ở Ukraine khi phải xử lý trận địa rộng lớn như vậy".

RẠN NỨT NỘI BỘ

Rạn nứt nội bộ Ukraine phía sau thông điệp cuộc chiến bế tắc - 2

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky bác bỏ ý kiến cho rằng cuộc chiến với Nga đã rơi vào bế tắc (Ảnh: AP).

Giữa lúc chiến trường rơi vào bế tắc, khó khăn, ngày càng xuất hiện nhiều những suy đoán về rạn nứt trong chính quyền Ukraine và giữa Kiev với các nước NATO.

Các nước phương Tây đang phải thắt chặt ngân sách, trong khi Mỹ lên dây cót cho cuộc bầu cử tổng thống năm 2024. Cựu Tổng thống Donald Trump, ứng viên sáng giá hiện nay của đảng Cộng hòa, tuyên bố sẵn sàng hạn chế viện trợ cho Ukraine nếu tái đắc cử.

Chưa dừng lại ở đó, xung đột leo thang ở Trung Đông tiềm ẩn nguy cơ kéo theo làn sóng bất ổn chính trị tới khắp các quốc gia đồng minh, đồng nghĩa với việc Ukraine sẽ phải san sẻ nguồn viện trợ quân sự từ phương Tây. Tất cả những yếu tố này khiến giới lãnh đạo Kiev phải cân nhắc kỹ lưỡng vị thế của họ đang ở đâu trong danh sách ưu tiên của các quốc gia ủng hộ.

Về đối nội, Kiev đang trong thế kìm kẹp bởi hai vấn đề cùng lúc: một là, mùa đông cạn kiệt năng lượng dưới sự bắn phá của Nga, hai là tinh thần dân quân khó trụ vững trong bối cảnh khó khăn kéo dài.

Trong bối cảnh này, dù đúng hay sai, những suy đoán về sự rạn nứt đều có thể kéo theo rủi ro cho chính Ukraine. Đầu tiên, những thay đổi mang tính chính trị trong giới lãnh đạo quân sự cấp cao có thể làm suy yếu niềm tin của quân sĩ vào Lực lượng Vũ trang.

Ukraine đang phải duy trì tinh thần của quân đội trước viễn cảnh một mùa đông khó khăn đang đến gần. Việc sa thải hoặc bổ nhiệm lãnh đạo mới vào thời điểm này có thể bị coi là động cơ chính trị và khiến lòng tin của binh sĩ lung lay, nhất là trong thời điểm Ukraine đang cần đẩy mạnh chiêu binh như hiện nay.

Đầu tháng này, chỉ huy Lực lượng Tác chiến Đặc biệt Viktor Khorenko bất ngờ bị miễn nhiệm. Tuy nhiên, cả ông và Tổng tham mưu trưởng Zaluzhny đều không biết lý do tại sao, thậm chí, họ chỉ biết được tin tức qua các phương tiện truyền thông. Bất kể lý do đằng sau vụ sa thải là gì, nó đều không mang lại tín hiệu tích cực cho quân đội Ukraine.

Hơn nữa, Nga có thể tranh thủ những câu chuyện rạn nứt sau hậu trường Ukraine, cả về mặt chính trị lẫn quân sự.

Trong bài trả lời phỏng vấn của mình, ông Zaluzhny tránh những câu hỏi hướng sự chỉ trích về phía giới chức Ukraine. Tuy nhiên, Văn phòng Tổng thống đã chỉ trích vị Tổng tham mưu này vì cho rằng việc ông tiết lộ thông tin nội bộ trước truyền thông có thể thu hút những bình luận tiêu cực với chính đất nước.

Về phần mình, Tổng thống Zelensky bác bỏ quan điểm cho rằng chiến trường đang bế tắc. "Thời gian trôi qua, mọi người đều mệt mỏi, bất kể địa vị của họ ra sao, và điều này là dễ hiểu. Nhưng đây không phải là sự bế tắc, tôi nhấn mạnh điều này một lần nữa", ông Zelensky nói.

Theo New York Times, những chỉ trích công khai này "báo hiệu sự rạn nứt đang nổi lên giữa giới lãnh đạo quân sự và dân sự vào thời điểm vốn đã đầy thử thách đối với Ukraine".

Về phía Nga, dù các nguồn tin chính thức đều phản bác nhận định cuộc chiến đang bế tắc nhưng giới lãnh đạo quân sự cấp cao của Moscow có lẽ không bất ngờ khi thấy thông tin này.

Nga đã không đạt được bước tiến lớn nào trong năm ngoái bất chấp việc họ đã tăng cường trang bị cho các cuộc chiến và liên tục gặp tổn thất. Vì vậy, nếu có thể tranh thủ khai thác những luồng tin gây bất lợi cho Ukraine, Nga sẽ không bỏ lỡ.

Cuối cùng, việc thông tin rạn nứt nội bộ bị lan truyền có thể gây tác động xấu tới khả năng Ukraine được nhận viện trợ.

Xung đột càng kéo dài, Ukraine càng phải nỗ lực duy trì nguồn hỗ trợ tài chính và quân sự. Có nghĩa là giới chức Kiev chịu sự giám sát nhất định của các quốc gia đồng minh và tuyệt đối không được khiến họ cảm thấy tình trạng nội bộ rối ren. Nếu không, các nhà tài trợ của Ukraine sẽ lập tức cân nhắc lại về giá trị của những gói viện trợ dành cho quốc gia này.

LỰA CHỌN NÀO CHO UKRAINE?

Rạn nứt nội bộ Ukraine phía sau thông điệp cuộc chiến bế tắc - 3

Binh sĩ Ukraine ở Donetsk (Ảnh: New York Times).

Michael Kofman, chuyên gia tại Quỹ Hòa bình Quốc tế Carnegie, cho rằng xung đột giữa Ukraine và Nga đã ở "giai đoạn chuyển tiếp" khi hai bên đều nắm thế chủ động ở những mặt trận khác nhau.

Trong khi Nga tập trung tiến công ở các thành phố nhỏ hơn như Kupyansk ở phía đông bắc và Avdiivka ở phía đông, Ukraine nỗ lực phản công ở miền Nam với hy vọng có thể tiếp cận bờ biển Azov và chia đôi lực lượng Nga. Tuy nhiên, tình trạng kiệt sức và thế phòng ngự kiên cố ở cả hai bên chiến tuyến khiến thế trận khó thay đổi lớn trong mùa đông này.

Olga Oiker, chuyên gia nghiên cứu về Ukraine tại tổ chức Crisis Group, cho rằng hai bên sẽ phải tiếp tục tấn công đến một mức độ nào đó trong mùa đông này để tránh việc đối phương có thể tái tập hợp lực lượng và tập trung hỏa lực nhắm vào các mục tiêu then chốt.

Theo bà Oiker, bài viết của Tổng tham mưu trưởng Zaluzhny thực tế đang gửi tới người dân Ukraine, các đồng minh của Ukraine và thậm chí cả Nga một thông điệp rằng quân đội Ukraine đã sẵn sàng cho một cuộc chiến lâu dài.

Economist dự báo cuộc chiến tại Ukraine có thể sẽ kéo dài thêm 5 năm nữa khi cả Nga và Ukraine đều không sẵn sàng bỏ cuộc nhưng cũng chưa thể tìm ra lối thoát cho bế tắc hiện tại.

Mặc dù vậy, Nga coi đây là dấu hiệu cho thấy họ đang chiếm ưu thế và chiến lược đặt cược vào một cuộc chiến tiêu hao kéo dài đang có kết quả. Do vậy, Moscow nhiều khả năng sẽ duy trì chiến lược đó, tìm cách kéo dài chiến sự.  Trong khi đó, Ukraine phụ thuộc vào viện trợ của phương Tây nên họ phải đối mặt với một tương lai khá bấp bênh.

Câu hỏi được đặt ra hiện giờ là Ukraine và các đối tác phương Tây nên làm gì? Sẽ có ý kiến cho rằng đã đến lúc Ukraine chấp nhận ngồi xuống và thỏa hiệp với Nga. Trong khi đó, Nga không cho thấy nhiều dấu hiệu sẵn sàng nhượng bộ bởi họ biết ưu thế của mình khi cuộc phản công của Kiev diễn ra không như ý.

Ông Jonathan Eyal, chuyên gia về NATO thuộc Viện nghiên cứu quốc phòng Hoàng gia Anh (RUSI) cho rằng, Ukraine hiện có hai lựa chọn.

"Thứ nhất, Ukraine có thể sử dụng thời gian của mùa đông để tổ chức lại và thử phản công lại vào năm sau. Giải pháp thay thế duy nhất khác là chấp nhận rằng họ sẽ có ít lãnh thổ hơn so với hồi tháng 2 năm ngoái", ông nhận định.

Theo cựu Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine Zagorodnyuk, không có lý do gì khiến Nga dừng cuộc chiến lại trừ khi cạn kiệt nguồn lực. Vì vậy, có thể nói, Ukraine không còn lựa chọn nào ngoài việc tiếp tục cuộc chiến, phương Tây cũng không thể rút lui mà sẽ tiếp tục hỗ trợ Kiev vì một trong những mục tiêu chiến lược là làm giảm mối đe dọa từ Nga lên NATO trong nhiều năm tới.

Tướng Zaluzhny cũng cho rằng, Ukraine hiện giờ chỉ có thể nỗ lực giữ thế chủ động bằng cách tiếp tục tấn công, ngay cả khi lực lượng của họ chỉ tiến được vài mét mỗi ngày.

Trong cuộc trả lời phỏng vấn Economist, ông Zaluzhny đã đề nghị phương Tây viện trợ thêm UAV, hệ thống tác chiến điện tử, công nghệ dò mìn tiên tiến cùng nhiều trang thiết bị quân sự khác để duy trì sức chiến đấu của lực lượng Ukraine.

Ông Frederick Hodges, cựu chỉ huy quân đội Mỹ ở châu Âu, nhấn mạnh: "Ukraine vẫn cần được tăng cường trang bị không quân như tên lửa hành trình, máy bay chiến đấu F-16, tên lửa ATACMS để tổ chức các đợt tấn công vào lực lượng của Nga cũng như các cứ điểm hậu cần quan trọng ở bán đảo Crimea".

Mùa đông này, tuy Ukraine ưu tiên duy trì trạng thái phòng ngự hơn là phản công, họ vẫn sẽ tổ chức các đợt tấn công nhằm vào tuyến tiếp tế và sở chỉ huy của Nga. Theo ông Hodges, phần lớn tiếp tế cho quân đội Nga ở miền Nam Ukraine đến từ Crimea. Do vậy, nếu thành công tấn công vào khu vực này, Kiev có thể buộc Moscow phải thay đổi toàn bộ kế hoạch.

Ukraine đã cho thấy họ có thể thành công với chiến thuật bất đối xứng như vậy. Trong những tháng gần đây, Ukraine thường giành ưu thế ở mặt trận trên biển mà không phải đất liền dù họ không có lực lượng hải quân riêng.

Bằng việc sử dụng UAV và tên lửa hành trình tấn công vào Hạm đội Biển Đen của Nga, đầu tháng 10, lực lượng Kiev dường như đã buộc hạm đội này phải rời khỏi nơi đồn trú ở Sevastopol, Crimea và di dời về phía cảng Novorossiysk ở Nga. Điều này giúp Ukraine có thể thuận lợi vận chuyển ngũ cốc trở lại qua khu vực Biển Đen.

Theo Guardian, Washington Post, Vox, New York Times, Telegraph

Dòng sự kiện: Chiến sự Nga - Ukraine