1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Serbia không loại trừ khả năng phương Tây đưa quân đến Ukraine

Minh Phương

(Dân trí) - Tổng thống Serbia Aleksandar Vucic nói rằng ông không loại trừ khả năng phương Tây đưa quân đến vùng chiến sự Ukraine mặc dù ý tưởng này hiện gây tranh cãi.

Serbia không loại trừ khả năng phương Tây đưa quân đến Ukraine - 1

Đặc nhiệm phương Tây được cho là đã đến Ukraine để hỗ trợ quân đội nước này (Ảnh: Reuters).

"Rất nhiều tình huống khó khăn đang ở phía trước chúng ta. Khi lần đầu tiên nhắc đến xe tăng phương Tây ở Ukraine, nhiều người nói rằng điều này sẽ không bao giờ xảy ra, nhưng nó đã xảy ra. Máy bay phương Tây được đề cập và nhiều người nói rằng điều đó sẽ không bao giờ xảy ra nhưng nó đã xảy ra", Tổng thống Serbia Aleksandar Vucic ngày 3/3 nói.

Nhà lãnh đạo Serbia bình luận thêm: "Bây giờ là chuyện phương Tây đưa quân đến Ukraine. Một số người nói rằng điều này sẽ không xảy ra, nhưng nó sẽ xảy ra. Tình hình sẽ xấu đi ở khắp mọi nơi và chúng ta sẽ phải tìm ra giải pháp tốt nhất có thể cho đất nước mình".

Bình luận trên được đưa ra không lâu sau khi Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tuyên bố phương Tây không  loại trừ phương án đưa quân đến Ukraine để hỗ trợ Kiev trong cuộc chiến với Nga. Phát ngôn của ông Macron kéo theo phản ứng trái chiều của các nước phương Tây.

Các đồng minh như Mỹ, Đức, Slovakia, Ba Lan đều khẳng định không có kế hoạch đưa quân đến Ukraine, mà tiếp tục hỗ trợ Kiev thông qua con đường viện trợ như trước kia.

Trong khi đó, Ngoại trưởng Lithuania Gabrielius Landsbergis cho rằng ý tưởng "đưa quân đến Ukraine" của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron "rất đáng xem xét".

Thủ tướng Estonia Kaja Kallas cũng nhấn mạnh các nhà lãnh đạo NATO nên cân nhắc "mọi thứ" khi thảo luận về cách thức ngăn cản Nga giành chiến thắng trong cuộc xung đột ở Ukraine.

"Tôi nghĩ đây cũng là những dấu hiệu chúng tôi gửi tới Nga, rằng chúng tôi không loại trừ các lựa chọn khác nhau. Bởi vì tất cả các nước đều hiểu rằng chúng tôi phải làm mọi thứ để Ukraine thắng và Nga thua trong cuộc xung đột này", bà Kallas cho biết khi được đề nghị bình luận về phát ngôn của ông Macron.

Trong một cuộc trả lời phỏng vấn khác với tạp chí Stern của Đức, bà Kallas cũng nói rằng: "Chúng ta không nên sợ hãi sức mạnh của chính mình và không nên đánh giá quá cao sức mạnh của Nga. Nỗi sợ leo thang khiến chúng ta tự thu mình lại. Điều đó là sai lầm".

Giữa lúc có những ý kiến trái chiều về ý tưởng đưa quân đến Ukraine, Tổng thống Pháp Macron khẳng định phát ngôn của mình hoàn toàn nghiêm túc, "đã được cân nhắc và tính toán".

Ngoại trưởng Pháp Stephane Sejourne sau đó giải thích, sự hiện diện của quân đội phương Tây ở Ukraine có thể cần thiết để cung cấp một số hình thức hỗ trợ như rà phá bom mìn, huấn luyện cho binh sĩ Ukraine, mà không nhất thiết trực tiếp tham gia vào cuộc chiến.

Giới chức Nga cảnh báo, nếu phương Tây đưa quân đến Ukraine, điều này sẽ châm ngòi cho một cuộc chiến hạt nhân, khiến xung đột lan rộng.

Về phía chuyên gia, các nhà phân tích quân sự tin rằng NATO sẽ tránh kịch bản đưa quân vào Ukraine do lo ngại một cuộc xung đột trực tiếp với Nga. Tuy nhiên, không loại trừ khả năng một số nước thành viên đưa các nhóm nhỏ quân sự đến Ukraine.

Theo TASS
Dòng sự kiện: Chiến sự Nga - Ukraine