1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Thế giới chia rẽ về bản án tử hình cho Saddam Hussein

(Dân trí) - Bản án tử hình dành cho Saddam Hussein hôm qua đã được một số người ăn mừng như là một sự đền đáp của công lý hay thậm chí của đấng tối cao. Tuy nhiên, nó cũng bị nhiều người khác lên án là một kịch bản chính trị, khi chỉ còn 2 ngày nữa là tới ngày bầu cử giữa nhiệm kỳ ở Mỹ.

Trên khắp thế giới, đâu đâu cũng thấy người phản đối. Người châu Âu thì lên án bản án treo cổ, và nghi ngờ về tính công bằng của phiên toà xét xử cựu Tổng thống Saddam Hussein. Phản đối của thế giới một lần nữa cho thấy sai lầm trong chính sách của Mỹ khi quyết định tiến hành cuộc chiến ở Iraq năm 2003 và lật đổ Saddam.

 

Liên minh châu Âu EU hoan nghênh bản án nhưng cho rằng Saddam không đáng chết. Còn tại Vatican, Hông y giáo chủ Renato Martino, một cố vấn cấp cao về pháp luật cho Giáo hoàng Benedict XVI đã gọi bản án là một bước lùi, và sẽ gây ra làn sóng trả thù khắp Iraq.

 

"Đây không phải là cách để cho thế giới thấy một Iraq mới, khác với thời Saddam, người đứng đằng sau cái chết của hàng trăm ngàn người cũng như bản án tử hình," Hands Off Cain, một tổ chức Italy kêu gọi bãi bỏ luật treo cổ lên tiếng.

 

Còn các nhà lãnh đạo Hồi giáo cảnh báo, treo cổ Saddam có thể sẽ kích động những người căm ghét Mỹ, và sẽ huỷ hoại chính sách của Bush tại Trung Đông và chính sách chống khủng bố của họ.

 

"Việc treo cổ Saddam Hussein sẽ đẩy người Mỹ rơi vào địa ngục," Wisethrat, một giáo sỹ Hồi giáo được kính trọng ở Thái Lan cho biết. "Bản án của Saddam không phải là vấn đề của đạo Hồi, mà là vấn đề của người Mỹ và chính sách nội bộ của họ," ông cho hay. "Có thể Bush sẽ sử dụng bản án để nói với các cử tri rằng Saddam đã chết và người Mỹ đã an toàn. Nhưng thực sự người Mỹ sẽ gặp nhiều nguy hiểm hơn sau cái chết của ông ấy."

 

Tuy nhiên, Nhà Trắng đã hoan nghênh bản án mà toà án Iraq phán quyết, và phủ nhận việc sắp xếp thời gian đưa ra bản án. "Ý nghĩ đó thật vô lý," Tony Snow, người phát ngôn của Tổng thống Bush phản bác.

 

Song chúng ta cũng không thể quên phản ứng của thế giới khi Mỹ không thể nào tìm thấy được vũ khí huỷ diệt hàng loạt ở Iraq, một cái cớ để Bush tiến hành cuộc chiến lật đổ Saddam. Can thiệp bằng quân sự "là một sai lầm lớn", Thủ tướng Tây Ban Nha, Jose Luis Rodriguez Zapatero, dám chắc rằng tình hình ở Iraq đã trở nên ngày một xấu đi từ khi Mỹ tiến hành cuộc chiến ở Iraq.

 

Tổ chức nhân quyền quốc tế cũng lên án bản án tử hình, cảnh báo bản án "sẽ khiến bạo lực gia tăng và gây ra một làn sóng giết chóc trả thù ở Iraq." Uỷ ban Châu Âu gọi bản án treo cổ Saddam là "vô ích và sai lầm".

 

Tổng thống Mỹ Bush gọi bản án dành cho Saddam Hussein là một cột mốc lịch sử ở Iraq. Tuy nhiên, đảng Dân chủ Mỹ lại tuyên bố rằng sẽ đưa cuộc chiến ở Iraq sang một hướng mới nếu họ nắm quyền kiểm soát Quốc hội vào ngày 7/11 này.

Louise Arbour, cao uỷ viên LHQ phụ trách vấn đề nhân quyền kêu gọi người Iraq chuẩn bị quá trình kháng án công bằng và tiếp tục ngăn chặn việc treo cổ Saddam thậm chí khi không thể xoay chuyển được bản án.

 

Tại Pakistan, một liên minh tôn giáo đối lập cho rằng trong vòng 3 năm rưỡi qua lực lượng Mỹ đã gây ra nhiều cái chết ở Iraq hơn những gì Saddam đã làm trong suốt 23 năm ông nắm quyền. Thậm chí họ còn kêu gọi hãy đưa Bush ra toà vì tội ác chiến tranh. "Ai sẽ trừng phạt Mỹ và đồng minh của Mỹ, những kẻ đã giết nhiều người hơn cả Saddam Hussein?" - một giáo sỹ Pakistan lên tiếng.

 

Tại thế giới Ảrập, một số người cho rằng bản án là sự đền đáp xứng đáng của đấng tối cao, một số lại lên án nó như một trò hề. "Saddam bị những kẻ phản quốc, người Mỹ, Iran và những kẻ ủng hộ Mỹ kết tội," Mahmoud al-Saifi, thành viên của Mặt trận tự do Ảrập cho biết.

 

Tại Iran, nước đã tiến hành cuộc chiến kéo dài 8 năm chống lại Saddam song lại là một đối thủ của Mỹ, đã ca ngợi bản án tử hình. Iran cho biết họ hi vọng Saddam sẽ bị kết án vì những tội ác khác nữa.

 

Một số đồng minh khác của Mỹ, trong đó có Anh và Australia, cũng hoan nghênh bản án ngày hôm qua. "Chế độ Saddam Hussein đã phạm phải những tội ác kinh hoàng. Sẽ là đúng khi những kẻ bị kết án chống lại người Iraq phải đối mặt với công lý của người Iraq," Ngoại trưởng Anh Margaret Beckett nhận định.

 

Tuy nhiên, tổ chức Ân xá quốc tế lại đưa ra câu hỏi về tính công bằng của phiên toà, và các chuyên gia về luật pháp quốc tế cho rằng Saddam nên được sống để đối mặt với những tội ác khác.

 

Còn Konstantin Kosachyov, người đứng đầu Uỷ ban quan hệ quốc tế của Duma Nga, cho biết bản án sẽ càng làm Iraq thêm chia rẽ. Song ông cho rằng Saddam sẽ không thực sự bị treo cổ. Theo ông, bản án chỉ có tính tượng trưng.

 

HT

Theo AP

Dòng sự kiện: Hành quyết Saddam Hussein