1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Thụy Điển chính thức gia nhập NATO

Thành Đạt

(Dân trí) - Thụy Điển đã trở thành thành viên thứ 32 của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) sau khi văn kiện chính thức hóa việc Stockholm gia nhập khối có hiệu lực vào ngày 7/3.

Thụy Điển chính thức gia nhập NATO - 1

Thủ tướng Thụy Điển Ulf Kristersson phát biểu trong cuộc họp báo ở Stockholm hồi tháng 2 (Ảnh: Reuters).

Lễ kết nạp Thụy Điển vào NATO được tổ chức tại Washington, Mỹ với sự tham dự của Thủ tướng Thụy Điển Ulf Kristersson.

Trong tài liệu gia nhập, Ngoại trưởng Mỹ tuyên bố tất cả các điều kiện để Thụy Điển trở thành thành viên chính thức của NATO đã được đáp ứng và nghị định thư xác nhận tư cách thành viên của Stockholm có hiệu lực vào ngày 7/3/2024.

Nhà Trắng cho biết việc "Thụy Điển trở thành đồng minh NATO sẽ khiến Mỹ và các đồng minh an toàn hơn nữa".

Đối với NATO, việc kết nạp Thụy Điển và Phần Lan - hai quốc gia có chung đường biên giới 1.340km với Nga - là sự mở rộng đáng kể nhất của khối trong nhiều thập niên.

Thụy Điển sẽ được hưởng lợi từ nguyên tắc bảo đảm phòng thủ chung của NATO, theo đó một cuộc tấn công vào một quốc gia thành viên được coi là cuộc tấn công vào cả liên minh.

Thụy Điển sẽ bổ sung các tàu ngầm tiên tiến và phi đội máy bay chiến đấu Gripen sản xuất trong nước cho lực lượng NATO, đồng thời trở thành một mắt xích quan trọng giữa Đại Tây Dương và Baltic.

Nga nhiều lần cảnh báo sẽ đáp trả việc NATO mở rộng ngày càng sát biên giới Nga. Moscow coi đây là mối đe dọa lớn đối với an ninh quốc gia. Nga tuyên bố sẽ tiến hành các biện pháp đáp trả việc Thụy Điển gia nhập NATO.

Cựu Tổng thống Nga Dmitry Medvedev nói rằng, Moscow có thể triển khai vũ khí hạt nhân và tên lửa siêu vượt âm ở vùng ngoại ô Kaliningrad của Nga, nếu Phần Lan và Thụy Điển gia nhập NATO.

Quyết định từ bỏ chính sách trung lập, Thụy Điển và Phần Lan cùng nộp đơn xin gia nhập NATO vào tháng 5/2022 sau khi Nga mở chiến dịch quân sự tại Ukraine.

Phần Lan được kết nạp vào khối hồi tháng 4/2023, khiến đường biên giới của NATO với Nga tăng gấp đôi. Trong khi đó, quá trình gia nhập của Thụy Điển gặp nhiều trở ngại hơn do vấp phải sự phản đối của Thổ Nhĩ Kỳ và Hungary.

Giới chức Thụy Điển cho biết chiến sự giữa Nga và Ukraine khiến quốc gia này cân nhắc lại chính sách trung lập vốn được họ đề cao trong lịch sử. 

Ngoại trưởng Thụy Điển Tobias Billstrom hồi tháng 1 tuyên bố, việc nước này trở thành thành viên của liên minh quân sự NATO do Mỹ đứng đầu là "sự thay đổi lớn nhất trong chính sách an ninh của Thụy Điển trong hơn 200 năm".

Ông Billstrom cảnh báo Nga sẽ trở thành "mối đe dọa nghiêm trọng đối với an ninh của Thụy Điển và châu Âu trong tương lai gần". Do vậy, Thụy Điển "phải thực tế và chuẩn bị cho một cuộc đối đầu kéo dài".

Phát biểu về vai trò tương lai của Thụy Điển trong khối NATO, Thủ tướng Kristersson từng khẳng định "việc sở hữu vũ khí hạt nhân trên lãnh thổ của chúng ta trong thời bình là điều hoàn toàn có thể xảy ra".

Theo RT