1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Triều Tiên từng tìm cách xuất khẩu mặt nạ chống độc sang Syria

(Dân trí) - Nhiều tháng trước khi vụ tấn công bằng khí độc diễn ra tại Syria hồi tuần trước, một tàu hàng của Triều Tiên đã bị chặn lại tại Thổ Nhĩ Kỳ với rất nhiều súng, đạn và mặt nạ phòng độc, báo giới Nhật đưa tin.

(Ảnh minh họa)
(Ảnh minh họa)

Thông tin được tờ Sankei Shimbun của Nhật đăng tải hôm nay. Theo đó, con tàu được đăng ký tại Libya mang tên Al En Ti Sar đã rời cảng Triều Tiên để tới Syria hồi đầu năm.

Quân đội Mỹ, sau khi có được thông tin trên, đã lần theo dấu vết con tàu này với sự hợp tác của các nước khác, tờ báo trên cho biết. Con tàu đã đi qua eo biển Dardanelles của Thổ Nhĩ Kỳ hôm 3/4 và nhanh chóng bị lục soát bởi giới chức địa phương, những người được phía Mỹ báo trước.

Cơ quan chức năng Thổ Nhĩ Kỳ đã thu được 1.400 khẩu súng trường và súng ngắn, 30.000 viên đạn và các mặt nạ phòng độc, rõ ràng được dùng để bảo vệ trước hóa chất.

Giới chức Mỹ tin rằng con tàu này khi đó có ý định dỡ hàng tại Thổ Nhĩ Kỳ và chuyển bằng đường bộ tới cho chính quyền của Tổng thống Bashar al-Assad, Sankei cho biết.

Thuyền trưởng của tàu đã bị Thổ Nhĩ Kỳ bắt giữ và sau đó khởi tố khi người này thừa nhận con tàu đang trên đường vận chuyển vũ khí từ Triều Tiên tới Syria.

Syria là nước bị Mỹ và Liên minh châu Âu cấm vận và các đồng minh của nước này bị cấm bán vũ khí cho Syria. Trong khi đó Triều Tiên bị Liên Hợp Quốc cấm buôn bán vũ khí sau các vụ thử hạt nhân và tên lửa. Nếu thông tin trên là xác thực, Bình Nhưỡng có thể phải đối mặt với những lệnh trừng phạt mới từ Liên Hợp Quốc liên quan đến chuyến hàng này.

Triều Tiên và Syria được cho là có quan hệ quân sự trong nhiều năm qua, bao gồm cả thời gian diễn ra cuộc nội chiến tại quốc Trung Đông hiện tại.

Cũng có nhiều thông tin cho rằng Triều Tiên đã giúp Syria xây dựng một nhà máy điện hạt nhân, đã bị Israel ném bom năm 2007.

Hiện các quốc gia phương Tây đang không ngừng đưa ra những cảnh báo sau vụ tấn công bằng khí độc chết người hôm 21/3 bên ngoài Damascus. Họ khẳng định chính quyền của ông Assad đứng sau vụ việc này.

Washington cáo buộc Syria tìm cách hủy bằng chứng của vụ tấn công, mà theo như phe đối lập đã khiến 1.300 người, trong đó có nhiều trẻ em thiệt mạng.

Tổ chức Bác sỹ không biên giới thì cho biết ít nhất 355 người đã chết với các “triệu chứng nhiễm độc thần kinh”.

Thanh Tùng
Theo AFP