1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Vì sao Trung Quốc ký thỏa thuận năng lượng 540 triệu USD với Taliban?

Minh Phương

(Dân trí) - Dù không chính thức công nhận Taliban là chính phủ hợp pháp của Afghanistan, nhưng Trung Quốc đã ký thỏa thuận đầu tư 540 triệu USD với Taliban để đảm bảo an ninh năng lượng.

Vì sao Trung Quốc ký thỏa thuận năng lượng 540 triệu USD với Taliban? - 1

Trung Quốc tìm cách đảm bảo an ninh năng lượng (Ảnh minh họa: Reuters).

Afghanistan đã ký thỏa thuận với một công ty Trung Quốc nhằm đầu tư 540 triệu USD để phát triển các mỏ dầu khí ở nước này. Đây là thỏa thuận đầu tư có quy mô lớn đầu tiên kể từ khi Taliban tiếp quản Afghanistan vào tháng 8/2021.

Dù Bắc Kinh không công nhận Taliban là chính phủ hợp pháp của Afghanistan, song họ nhận thấy rằng nhóm này đang kiểm soát một quốc gia có nguồn tài nguyên thiên nhiên vô cùng dồi dào, thứ khiến họ trở nên quan trọng đối với chiến lược và an ninh kinh tế của Trung Quốc. Vì vậy, mặc dù các phái đoàn ngoại giao phương Tây đã rời khỏi Kabul sau khi Taliban tiếp quản chính phủ Afghanistan, các nhà đàm phán Trung Quốc vẫn ở lại.

Quyết định ký thỏa thuận năng lượng với Taliban cho thấy thế tiến thoái lưỡng nan mà Trung Quốc phải đối mặt khi đề cập đến vấn đề an ninh năng lượng.

Là quốc gia đông dân nhất thế giới và là một "gã khổng lồ" về công nghiệp, Trung Quốc là nước tiêu thụ năng lượng lớn nhất thế giới. Nước này không có đủ nguồn lực trong nước để đáp ứng nhu cầu năng lượng liên tục tăng cùng với đà phát triển kinh tế. Do đó, Trung Quốc trở thành nhà nhập khẩu ròng dầu thô và khí đốt tự nhiên lớn của thế giới. Đây cũng là lý do Bắc Kinh gần đây thúc đẩy quan hệ đối tác với Nga, Ecuador và các quốc gia vùng Vịnh ở Trung Đông.

Mặc dù mối quan hệ của Trung Quốc với các quốc gia này vẫn bền chặt, song nhập khẩu năng lượng của Bắc Kinh từ đây lại gặp một vấn đề lớn. Đó là, những nguồn năng lượng này, ngoại trừ từ Nga, đều phải được nhập khẩu bằng đường biển và thông qua các khu vực nhạy cảm có sự hiện diện quân sự của Mỹ. Trong trường hợp xảy ra xung đột lớn, Washington gần như chắc chắn sẽ tìm cách cắt đứt nguồn cung cấp năng lượng của Trung Quốc.

Nhận ra điểm yếu này, Trung Quốc trong vài năm qua đã tìm cách đối phó bằng cách phát triển sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI), hội nhập Á - Âu bằng việc xây dựng tuyến đường bộ và đường sắt xuyên lục địa, xây dựng các tuyến hậu cần mới cho phép hàng hóa ra vào Trung Quốc mà Mỹ không thể can thiệp tới.

Ví dụ, Hành lang kinh tế Trung Quốc - Pakistan (CPEC), một phần quan trọng của BRI, đang được xây dựng để thiết lập một tuyến đường đến Tây Ấn Độ Dương, tạo ra một lối tắt đến Trung Đông mà không đi qua các khu vực hàng hải nhạy cảm về quân sự này.

Tuy nhiên, sẽ không có kế hoạch chiến lược nào, bao gồm cả BRI, hoàn thiện nếu không có sự hợp tác của Afghanistan. Quốc gia Trung Á này có chung đường biên giới ngắn với Trung Quốc và là ngã tư giữa Trung Đông, Trung và Nam Á. Điều này có nghĩa là Kabul đang là một phần quan trọng trong chiến lược và an ninh của Trung Quốc.

Afghanistan có trữ lượng khoáng sản khổng lồ, cùng với gần 50 tỷ m3 khí đốt tự nhiên và dầu mỏ. Đối với Trung Quốc, điều này rất quan trọng. Đối với Taliban, việc đảm bảo đầu tư nước ngoài cũng rất quan trọng do nền kinh tế của họ đang ở dưới đáy. Chưa bao giờ trong suốt nhiều thập niên qua Afghanistan lại có cơ hội nhận được số tiền đầu tư lớn như vậy.

Khi thực hiện thỏa thuận này, Trung Quốc cam kết tôn trọng chính trị nội bộ của Afghanistan và duy trì quan điểm không can thiệp.

Theo RT