1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Vì sao xe tăng Abrams Mỹ khó trở thành "viên đạn bạc" giúp Ukraine đột phá?

Đức Hoàng

(Dân trí) - Chuyên gia giải thích nguyên nhân lô xe tăng chiến đấu chủ lực Abrams Mỹ cung cấp khó có thể giúp Ukraine thay đổi thế trận trong cuộc xung đột với Nga kéo dài gần 20 tháng qua.

Vì sao xe tăng Abrams Mỹ khó trở thành viên đạn bạc giúp Ukraine đột phá? - 1

Xe tăng chiến đấu chủ lực M1 Abrams của Mỹ (Ảnh: Veteran Life).

Theo Newsweek, Mỹ đã bàn giao lô xe tăng Abrams cho Ukraine và chúng đã sẵn sàng xuất kích trên chiến trường. Tuy nhiên, giới chức Ukraine và chuyên gia tỏ ra hoài nghi về tác động mạnh mẽ của dòng xe tăng chiến đấu này tới cục diện chiến sự trong thời gian tới.

Mỹ chuyển chiếc Abrams đầu tiên cho Ukraine vào cuối tháng 9 và tính tới đầu tuần này, toàn bộ 31 chiếc Washington cam kết viện trợ đã được giao cho Kiev.

Abrams có thể giúp Ukraine gia tăng năng lực tác chiến, tuy nhiên một số chuyên gia phương Tây và quan chức Ukraine cho rằng số lượng xe, thời gian bàn giao và vấn đề hậu cần là những yếu tố có thể giảm hiệu quả mà dòng xe này mang lại cho Ukraine.

Oleksiy Goncharenko, một nghị sĩ quốc hội Ukraine, thừa nhận rằng 31 xe tăng "không thể tạo ra sự khác biệt", mặc dù Kiev rất cảm ơn vì sự hỗ trợ của Mỹ.

Ông nói với Newsweek: "Trong năm nay, có vẻ như đã quá muộn để Abrams có thể tạo ra ảnh hưởng thực sự trong những nỗ lực phản công của Ukraine ở miền Nam và miền Đông. Nhưng rõ ràng là cuộc chiến sẽ không kết thúc trong năm nay".

Marina Miron, nhà nghiên cứu tại King's College London (Anh), nói thêm: "Số lượng Abrams chưa đủ để tạo ra sự khác biệt ở Ukraine".

Bà cho biết, số xe này khá ít, nhưng Ukraine phải tạo ra một chuỗi cung ứng mới về đạn dược và linh kiện thay thế, cũng như đảm bảo có đủ xe chở nhiên liệu để hỗ trợ các xe tăng hoạt động.

"Tất cả điều này không chỉ tạo ra vấn đề cho chuỗi cung ứng mà còn trở thành mục tiêu hấp dẫn cho pháo binh và máy bay không người lái của Nga", bà cảnh báo.

Một số nhà phân tích từ lâu cho rằng xe tăng Abrams có một số đặc điểm khiến nó không phù hợp hơn với nhu cầu thực tế của Ukraine.

Xe tăng này nặng hơn nhiều so với các loại xe tăng tương đương của Nga và các mẫu xe thời Liên Xô mà Ukraine đã sử dụng. Vì vậy, Ukraine sẽ cần phải đảm bảo rằng nó có thể vượt qua những cây cầu không được thiết kế cho xe tăng có trọng lượng lớn. Đồng thời, Abrams cũng tiêu thụ nhiên liệu lớn hơn.

Chuyên gia Miron cảnh báo: "Tôi không nghĩ rằng đây sẽ là một yếu tố thay đổi cuộc chơi. Có thể sẽ là ngược lại. Có thể là lợi bất cập hại".

Thời điểm chuyển giao cũng là một vấn đề. Abrams đến Ukraine vào đúng thời điểm giao mùa và địa hình sẽ trở nên lầy lội khiến việc di chuyển của những chiếc xe tăng nặng nề như Abrams gặp nhiều khó khăn.

Trung tướng Kyrylo Budanov, người đứng đầu cơ quan tình báo quân sự Ukraine, cho biết Abrams sẽ được sử dụng trong các chiến dịch tấn công đột phá được lên kế hoạch kỹ càng, nếu không chúng sẽ không thể tồn tại quá lâu trên tiền tuyến.

Trước đó, Gustav Gressel, một chuyên gia quân sự tại Hội đồng Quan hệ Đối ngoại Châu Âu (ECFR) có trụ sở tại Đức, đã nói về việc xe tăng Abrams dễ bị tổn thương thế nào trong xung đột Nga - Ukraine.

Ông Gressel nói, sự phát triển liên tục của các loại máy bay không người lái trong cuộc xung đột đã và đang làm thay đổi đáng kể mối đe dọa mà xe tăng Abrams phải đối mặt.

Chuyên gia này cho rằng, khi các UAV ngày càng trở nên tiên tiến, lớp giáp bảo vệ truyền thống của Abrams có thể không đủ để chống chọi các cuộc tấn công chính xác, khiến nguy cơ các siêu tăng bị phá hủy tăng cao.

Theo Newsweek
Dòng sự kiện: Chiến sự Nga - Ukraine