DNews

Xóa sổ Hamas: "Con dao hai lưỡi" với Israel

Minh Phương An Hoàng

(Dân trí) - Israel tuyên bố lực lượng nước này sẽ tấn công trên bộ vào Dải Gaza nhằm "xóa sổ" Hamas. Tuy nhiên, giới phân tích cảnh báo đây là một kế hoạch đầy thách thức và tiềm ẩn nhiều rủi ro.

Xóa sổ Hamas: "Con dao hai lưỡi" với Israel

Gần một tháng kể từ vụ tấn công khốc liệt nhất hàng chục năm qua của Hamas, giới lãnh đạo Israel khẳng định việc thực hiện kế hoạch tấn công trên bộ ở Gaza, vấn đề chỉ là khi nào.

Yaron Finkelma, sĩ quan Bộ chỉ huy miền Nam Israel, nói: "Các hành động của chúng tôi sẽ đưa cuộc chiến vào lãnh thổ của họ. Chúng tôi sẽ đánh bại họ trên lãnh thổ của chính họ".

CHIẾN DỊCH ĐỔ BỘ CÓ THỂ DIỄN RA NHƯ THẾ NÀO?

Xóa sổ Hamas: Con dao hai lưỡi với Israel - 1

Ảnh vệ tinh cho thấy xe ủi dọn đường cho xe tăng của Israel tiến vào Gaza trong các cuộc đột kích chớp nhoáng hôm 26/10 (Ảnh: New York Times).

Israel lên kế hoạch cho một chiến dịch gồm 3 giai đoạn. Giai đoạn đầu tiên là không kích dữ dội, tiếp đến là tấn công trên bộ để loại bỏ các thành viên Hamas, phá hủy hạ tầng của lực lượng này ở Gaza. Ở giai đoạn tiếp theo, Israel sẽ tìm cách loại bỏ lực lượng kháng cự còn sót lại của Hamas. Cuối cùng là tạo ra một vùng đệm xung quanh Gaza.

Hơn 3 tuần qua, Israel đã triển khai chiến dịch không kích lớn nhất từ trước đến nay vào Gaza và bắt đầu thực hiện các cuộc đột kích chớp nhoáng. Động thái này được cho là nhằm dọn đường cho chiến dịch tấn công trên bộ quy mô lớn.

Xe tăng, bộ binh Israel đã đột kích vào Gaza chỉ trong vòng vài giờ và nhanh chóng rút về biên giới. Trước đây từng có những cuộc tấn công tương tự khi binh sĩ Israel tiến vào Dải Gaza, nhưng lần này có cả xe tăng. Đó rõ ràng là sự chuẩn bị cho giai đoạn tiếp theo của cuộc chiến.

Theo giới phân tích, ngay sau khi hoàn thiện kế hoạch cho các chiến dịch tiếp theo, lực lượng Israel sẽ sẵn sàng để tổ chức một cuộc tấn công trên bộ quy mô lớn vào Dải Gaza.

Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) Israel cho biết, khoảng 400.000 quân của nước này cùng hàng trăm xe tăng đang bao vây Dải Gaza trong khi hải quân làm nhiệm vụ phong tỏa hoàn toàn để đảm bảo lực lượng Hamas không thể nhận được tiếp tế vũ trang và vật tư bằng đường biển. Ngoài ra, Israel cũng cắt nguồn cung điện, nước cho vùng lãnh thổ hơn 2 triệu dân này.

Cách duy nhất để Israel loại bỏ hoàn toàn năng lực quân sự của Hamas là tổ chức tác chiến đô thị, nghĩa là tấn công vào từng khu vực, từng ngóc ngách Gaza. Để làm được điều đó, Israel cần huy động cả lực lượng thông thường và đặc biệt phối hợp hành động một cách bài bản.

Với quy mô của Dải Gaza, lực lượng chiến đấu nơi đây và hệ thống kho vũ khí, chiến dịch này của Israel có thể sẽ mất đến vài tháng ngay cả khi Israel có tiềm lực quân sự vượt trội.

"CON DAO HAI LƯỠI"

Xóa sổ Hamas: Con dao hai lưỡi với Israel - 2

Xe tăng Israel hoạt động bên trong Gaza ngày 29/10 (Ảnh: Reuters).

Giới chức Israel tin rằng, một chiến dịch tấn công trên bộ có thể giúp họ giải quyết triệt để mối đe dọa từ Hamas. Tuy nhiên, chiến dịch này cũng tiềm ẩn khá nhiều rủi ro cho Israel.

Khi Israel tiếp tục không kích và pháo kích các mục tiêu ở Dải Gaza, các binh sĩ nước này tự hỏi: "Liệu đây có phải một cái bẫy".

Hamas và các lực lượng hậu thuẫn chắc chắn đã dự đoán được những hành động đáp trả dữ dội của Israel sau vụ tấn công rocket của nhóm này hôm 7/10. Theo giới phân tích, những bước đi tiếp theo của Israel sẽ quyết định tình hình ở Dải Gaza thậm chí vài thập niên tới.

Tại Dải Gaza, quân đội Israel hiểu rằng lực lượng trên bộ sẽ phải đối mặt với các thiết bị nổ tự chế có thể làm tê liệt xe tăng. Trong khi đó, các trực thăng quân sự có thể bị tấn công bởi các tên lửa đất đối không của Hamas.

Để chuẩn bị cho kịch bản Israel tấn công trên bộ ở Gaza, Hamas được cho là sẽ lập ra các cạm bẫy và sẵn sàng sử dụng những chiêu thức như đánh bom liều chết, bắt cóc binh sĩ Israel làm con tin.

Với vai trò bên tấn công, Israel cũng sẽ gặp bất lợi bởi mô hình tác chiến đô thị. Gaza là dải đất hẹp với diện tích hơn 360km2. Thủ phủ, Gaza City có khoảng 700.000 người tập trung trong khoảng 50km2 với nhiều tòa nhà cao tầng.

Năm 2014, Israel đã mất 66 binh sĩ trong cuộc giao tranh với lực lượng Hamas. Vào thời điểm đó, quân đội Israel đã phải vật lộn để chiến đấu trong các đô thị, đường hầm, bẫy mìn, phục kích và bắn tỉa trên khắp Dải Gaza, mặc dù cuộc xung đột này chỉ kéo dài vài tuần.

Lần này, với quy mô kỷ lục gồm 360.000 quân dự bị được điều động cho chiến dịch toàn diện, chắc chắn thời gian và nguồn lực chuẩn bị sẽ cần lớn hơn rất nhiều, gia tăng rủi ro cho chính lực lượng tham chiến của IDF.

Chưa kể tới việc lực lượng Hamas còn có sự hậu thuẫn đáng kể từ hệ thống đường hầm dưới lòng đất đóng vai trò là nơi trú ẩn, tích trữ vũ khí và tổ chức các hoạt động quân sự. Đây chắc chắn là một lợi thế lớn của Hamas trước Israel trong cuộc xung đột.

Xóa sổ Hamas: Con dao hai lưỡi với Israel - 3

Tương quan lực lượng giữa Israel và Hamas (Đồ họa: BBC).

Alp Sevimlisoy, một thành viên thuộc Hội đồng Đại Tây Dương, cho rằng lực lượng Israel sẽ phải cẩn thận cân nhắc khả năng giành chiến thắng trên từng trận địa nhỏ nếu họ muốn vượt qua những cạm bẫy và chướng ngại vật ở Gaza.

"Trong giai đoạn đầu tiên, IDF cần giành được quyền kiểm soát từng khu vực cho đến khi kiểm soát ít nhất 75%-80% về mặt địa lý. Quy trình này có thể sẽ mất vài tháng", ông Sevimlisoy nói.

Ngoài rủi ro tổn thất về quân lực, kế hoạch tấn công trên bộ của Israel cũng gây rủi ro cho chiến dịch giải cứu con tin và gây thương vong lớn cho dân thường ở Dải Gaza.

Hamas hiện bắt giữ hơn 200 con tin sau cuộc tấn công bất ngờ vào Israel hôm 7/10. Điều này khiến việc triển khai chiến dịch trở nên phức tạp hơn rất nhiều.

Để tăng cường các lựa chọn giải cứu, Mỹ được cho là đã đặt Lực lượng Đặc nhiệm Mỹ tại một quốc gia châu Âu vào tình trạng báo động cao trong trường hợp cần thiết. Ngoài ra, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin xác nhận sự hiện diện của quân nhân Mỹ tại hiện trường để hỗ trợ chia sẻ thông tin tình báo và lập kế hoạch cho các hoạt động giải cứu của Israel.

Hoạt động giải cứu tại Dải Gaza sẽ gặp nhiều khó khăn khi không chắc chắn rằng các con tin được tập trung tại một địa điểm. Hơn nữa, việc thực hiện giải cứu bằng trực thăng có thể gặp rủi ro với mối đe dọa bởi hỏa lực từ các vũ khí như súng phóng lựu hay hệ thống phòng không cầm tay.

Điều này sẽ khiến các kế hoạch giải cứu bị hạn chế, cả đường bộ lẫn trên biển. Bên cạnh đó, do thiếu hụt về hỗ trợ sơ tán y tế và lực lượng phản ứng nhanh trên mặt đất, Israel sẽ khó để cùng lúc thực hiện các vụ giải cứu bí mật cho con tin ở nhiều địa điểm trên khắp Gaza.

Trong Chiến tranh Gaza 2014, các tiểu đoàn bộ binh Israel đã tác chiến ở khu vực phía bắc Gaza khiến hơn 1.600 người thiệt mạng và hơn 10.000 người bị thương chỉ trong hơn một tháng. Cuối cùng, Israel phải rút quân mà không giành được kết quả đáng kể nào.

Chiến dịch tấn công trên bộ sắp tới của Israel nếu thành hiện thực thậm chí có thể đẫm máu hơn nữa khi Israel tuyên bố tìm cách xóa sổ Hamas. Trong cuộc gặp với Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu cam kết: "Israel sẽ nỗ lực hết sức để hạn chế tối đa thương vong cho dân thường".

Tuy nhiên, một chiến dịch tấn công đường bộ quy mô lớn khó tránh khỏi việc gây thương vong lớn cho dân thường ở Dải Gaza.

Xóa sổ Hamas: Con dao hai lưỡi với Israel - 4

Tác chiến đô thị ở Gaza sẽ gây khó khăn cho Israel (Bản đồ: BBC).

David Cortright, giáo sư danh dự Trường Quản trị Toàn cầu thuộc Đại học Notre Dame, cho biết giao tranh ở Gaza kéo theo rủi ro lớn cho vị thế của Israel. Ông khuyến nghị Israel "triệu tập một tòa án quốc tế" để quy trách nhiệm cho lực lượng Hamas và tìm kiếm một giải pháp chính trị riêng biệt với người dân Palestine.

"Có thể hiểu được động thái trả đũa của Israel sau các cuộc tấn công của lực lượng Hamas, nhưng việc tiếp tục bao vây Gaza sẽ chỉ gây ra nhiều thương vong và thiệt hại hơn, đồng thời sẽ khiến xung đột leo thang và chỉ mang lại lợi ích cho phía Hamas," ông Cortright bình luận.

Ông nói thêm: "Hiện tại, sự đồng cảm và sự chú ý của dư luận đang chuyển dần từ thiệt hại mà Israel hứng chịu do cuộc tấn công của Hamas, sang Gaza và thiệt hại của người dân Gaza do chiến dịch trả đũa từ Tel Aviv. Đó là một cái bẫy mà quân đội Israel phải tránh".

Công chúng Israel đang phẫn nộ khi hơn 1.400 người ở nước này thiệt mạng khi Hamas tấn công và bắt giữ hơn 200 con tin. Điều đó thúc đẩy sự ủng hộ rộng rãi cho việc tấn công vào Dải Gaza. Tuy nhiên, nếu quân đội Israel chịu tổn thất nặng nề trong một cuộc xung đột kéo dài không hồi kết, thái độ này có thể sẽ phải thay đổi.

Một cuộc thăm dò do nhật báo Israel Maariv công bố ngày 20/10 cho thấy 65% người dân ủng hộ cuộc tổ chức chiến dịch trên bộ, trong khi 21% phản đối.

Bilal Saab, chuyên gia về Trung Đông và Bắc Phi tại Chatham House, Viện Quan hệ Quốc tế Hoàng gia có trụ sở tại London, cũng cảnh báo rằng khả năng hỗ trợ của Mỹ cũng có thể sẽ thay đổi theo thời gian.

Theo ông Saab, Israel có đủ khả năng phá hủy Hamas, nhưng họ cần "tính đến ý kiến của các đồng minh, các mối đe dọa từ đối phương và dư luận đang dao động trong nước". "Tất cả đều quan trọng và rất khó đoán", chuyên gia này phân tích.

Hơn nữa, chiến dịch không kích, pháo kích của Israel nhằm đáp trả Hamas những tuần qua đang gây bất bình cho các nước Ả Rập. Nếu Israel có những bước đi xa hơn nữa trong chiến dịch quân sự này, điều đó có thể hủy hoại những nỗ lực ngoại giao nhằm bình thường hóa quan hệ giữa Israel và Ả Rập Xê Út, đồng thời khiến Israel có nguy cơ bị cô lập trong khu vực.

Một khi triển khai chiến dịch trên bộ tại Dải Gaza, Israel sẽ phải tính đến nguy cơ xung đột leo thang thành cuộc chiến khu vực. Lực lượng Hezbollah được Iran hậu thuẫn có thể tham chiến với kho dự trữ khoảng 150.000 tên lửa có khả năng tấn công Jerusalem và Tel Aviv bất cứ lúc nào. Các lực lượng này hiện chưa hoàn toàn tham chiến, nhưng điều đó có thể thay đổi trong cuộc xung đột đang diễn biến nhanh chóng.

Kể từ sau vụ tấn công ngày 7/10, Israel và Hezbollah liên tục giao tranh ở biên giới phía bắc giữa Israel và Li Băng. Đây là một trong những mối nguy hiểm hàng đầu nhiều năm trở lại đây của Israel, thậm chí có nguy cơ bùng phát thành cuộc chiến tổng lực.

Giới chức Iran cũng nhiều lần cảnh báo sẽ hành động nếu các cuộc tấn công vào Gaza tiếp tục.

ISRAEL KHÓ ĐẠT MỤC TIÊU

Xóa sổ Hamas: Con dao hai lưỡi với Israel - 5

Binh sĩ Israel khai hỏa về phía Gaza (Ảnh: AFP).

Giới chức Israel nhiều lần tuyên bố họ chắc chắn sẽ triển khai chiến dịch tấn công trên bộ ở Gaza với mục tiêu "xóa sổ" Hamas.

"Chúng tôi sẽ xóa sổ họ khỏi bề mặt Trái Đất. Họ sẽ không còn tồn tại. Sẽ không còn cảnh người Israel bị sát hại và tất cả chúng ta sẽ được tiếp tục công việc của mình", Bộ trưởng Quốc phòng Israel Yoav Gallant phát biểu trên truyền hình ngày 11/10.

Một ngày sau đó, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu cũng tuyên bố tiếp tục tấn công Hamas và nhấn mạnh sẽ "nghiền nát, xóa sổ" lực lượng này.

Tuy nhiên, giới phân tích tỏ ra hoài nghi về kế hoạch này của Israel.

"Nhiều người có chung quan điểm rằng kịch bản xóa sổ hoàn toàn Hamas sẽ rất khủng khiếp không chỉ đối với Israel, mà còn với toàn bộ khu vực và thậm chí toàn thế giới", Harel Chorev, nhà nghiên cứu cấp cao tại Trung tâm Nghiên cứu Trung Đông và châu Phi Moshe Dayan tại Đại học Tel Aviv, nhận định.

Chuyên gia này giải thích: "Điều đó có nghĩa là (Israel) sẽ phải phá hủy toàn bộ hạ tầng liên quan đến Hamas ở Gaza, trong đó có mê cung đường hầm được ví như thành phố dưới lòng đất".

Hamas đã xây một hệ thống đường hầm kiên cố, phức tạp ở Gaza để di chuyển, vận chuyển hàng hóa, vũ khí cũng như đặt các trung tâm chỉ huy.

Ngoài những hạ tầng này, để xóa sổ Hamas, Israel cũng sẽ phải loại bỏ hàng ngũ lãnh đạo của lực lượng này.

Hasan Alhasan, chuyên gia nghiên cứu chính sách Trung Đông tại Viện Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS), cho rằng kịch bản xóa sổ Hamas vô cùng nguy hiểm và phức tạp, có thể kéo theo những hậu quả khó lường.

"Bởi vì Hamas đã bám rễ sâu và gắn bó với Gaza cả về mặt địa lý và xã hội, do vậy, để đánh bại họ, Israel sẽ phải tiến hành thay đổi địa hình và nhân khẩu học vĩnh viễn ở Dải Gaza", ông nhận định.

Giới quan sát cho rằng, kịch bản làm suy yếu Hamas dường như sẽ khả thi hơn đối với Israel. "Tôi nghĩ Israel không thể loại bỏ toàn bộ thành viên của Hamas, nhưng họ có thể làm suy yếu Hamas để lực lượng này không còn khả năng tác chiến", Amir Bar Shalom, nhà phân tích quân sự Israel, nhận định.

Trong khi đó, Michael Milstein, người đứng đầu diễn đàn nghiên cứu Palestine tại Đại học Tel Aviv, cho rằng xóa sổ hay làm suy yếu Hamas đều là mục tiêu không hề dễ dàng. Ông lý giải, ngoài đội quân hơn 25.000 người, Hamas còn có 80.000-90.000 thành viên trong các tổ chức dân sự.

Cựu tướng Mỹ Robert Abrams cũng cho rằng, Israel khó đạt được mục tiêu loại bỏ Hamas đồng thời bảo vệ thường dân Palestine. "Tôi nghĩ rằng mục tiêu chiến thắng hoàn toàn Hamas, loại bỏ toàn bộ năng lực của lực lượng này, trong khi vẫn có thể bảo vệ hàng triệu người Palestine là điều gần như không thể", ông nói.

Cựu chỉ huy các lực lượng Mỹ ở Hàn Quốc Roberd Adams nhấn mạnh một trong những thách thức lớn đối với mục tiêu của Israel là địa hình đô thị phức tạp ở Gaza.

"Đây sẽ là nhiệm vụ rất khó khăn đối với Israel. Hệ thống phòng thủ Hamas sẽ bố trí ở địa hình đô thị dày đặc ở Gaza không giống như bất cứ điều gì chúng ta đã thấy trong những năm gần đây. Điều đó sẽ đòi hỏi một số cuộc chiến bao vây, đồng thời cố gắng đảm bảo rằng Israel không vô tình nhắm vào vị trí các con tin", cựu chỉ huy Mỹ cho hay.

Bản thân Thủ tướng Netanyahu, Bộ trưởng Quốc phòng Gallant và các quan chức khác của Israel cũng thừa nhận cuộc tấn công trên bộ vào Gaza sẽ là chiến dịch lâu dài và khó khăn.

"Cuộc chiến ở Dải Gaza sẽ kéo dài, khó khăn và chúng tôi đã chuẩn bị cho điều đó", ông Netanyahu nói, đồng thời nhấn mạnh cuộc tấn công đáp trả mới chỉ ở bước khởi đầu, mục tiêu cuối cùng sẽ là "tiêu diệt kẻ thù cả trên lẫn dưới mặt đất".

Theo Atlantic Council, CFR, Hill, Sputnik

Dòng sự kiện: Chiến sự Israel - Hamas